Để dòng vốn từ châu Âu 'chảy' vào Việt Nam mạnh hơn
Việc thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã góp phần đưa EU trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, với hơn 2.450 dự án và tổng vốn đầu tư trên 28 tỉ euro tại Việt Nam.Việc thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã góp phần đưa EU trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, với hơn 2.450 dự án và tổng vốn đầu tư trên 28 tỉ euro tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, EVFTA sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa nếu Việt Nam tháo gỡ một số vấn đề chính sách, thủ tục pháp lý gây khó khăn cho nhà đầu tư và đặc biệt là khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU được phê duyệt.
Doanh nghiệp châu Âu vẫn gặp khó
Theo ông Dominik Meichle, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), EVFTA đã tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp châu Âu tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, để hiệp định này phát huy hiệu quả hơn nữa, giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam thì điểm đến cần giải quyết nhiều vấn đề, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý, chính sách thuế.
Khảo sát chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của Eurocham cho thấy, có nhiều thách thức mà doanh nghiệp châu Âu phải đối mặt để có thể tận dụng tối đa EVFTA. Trong đó, có thách thức về tình trạng pháp lý không rõ ràng, thời gian thực hiện các thủ tục kéo dài và một số chính sách thuế chưa công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Cụ thể, với thách thức về pháp lý, có những quy định khá mơ hồ, được giải thích theo nhiều cách khác nhau… khiến nhà đầu tư gặp khó khăn khi xin giấy phép thực hiện dự án. Cùng với đó là những khó khăn khác do các bên liên quan không hiểu rõ thỏa thuận, thủ tục thông quan chưa minh bạch, làm phức tạp hóa hoạt động thương mại cùng các rào cản kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực chứng nhận và thử nghiệm sản phẩm .
Theo ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham, những điều chỉnh chính sách về thuế tiêu dùng và thuế nội địa gần đây cũng đã tạo ra không ít khó khăn doanh nghiệp châu Âu khi thực thi EVFTA. “Cùng với các rào cản kỹ thuật khi gia nhập thì việc điều chỉnh này đang kìm hãm toàn bộ tiềm năng của thỏa thuận”, Phó Chủ tịch EuroCham Jean-Jacques Bouflet nói.
Một trong những ví dụ vế chính sách thuế, đại diện phụ trách về vấn đề thuế của EuroCham, cho rằng việc giảm 50% phí trước bạ đối với người mua ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước đã làm cho xe nhập khẩu nguyên chiếc kém lợi thế cạnh tranh.
Nhiều hãng nhập khẩu xe cũng có ý kiến tương tự, đánh giá là không công bằng khi các doanh nghiệp chỉ cần nhập linh kiện về Việt Nam lắp ráp là được giảm 50% lệ phí trước bạ còn nơi nhập xe nguyên chiếc thì lại không được hưởng ưu đãi tương tự.
Liên quan đến rào cản kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực chứng nhận và thử nghiệm sản phẩm, đại diện EuroCham cũng lấy mảng ô tô làm dẫn chứng. Có những mẫu ô tô được các thị trường thế giới thậm chí các nước phát triển như Đức kiểm định chất lượng, an toàn và cho lưu hành nhưng khi nhập về Việt Nam lại phải thực hiện đăng ký chủng loại. Việc này khiến nhà nhập khẩu mất nhiều thời gian và tăng thêm chi phí.
Vì vậy, ông Dominik Meichle cho rằng, khi bước vào năm thứ 5 của thỏa thuận, điểm đến cần tiếp tục nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục, thống nhất các tiêu chuẩn và đảm bảo mọi người đều hiểu cách thức hoạt động của EVFTA.
EVIPA sẽ giúp EVFTA “bùng nổ”
Theo nhiều chuyên gia, EVFTA đã đem lại những hiệu quả tích cực trong việc thu hút vốn từ châu Âu vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian tới, hiệp định này còn có thể mang lại nhiều tác động tích cực hơn nữa, thậm chí là có thể “mở khóa” toàn bộ tiềm năng nếu Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) có hiệu lực.
EVIPA được ký vào giữa năm 2019, thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với 22/28 nước thành viên EU (hiện còn 27 nước). Hiện Việt Nam cùng khoảng 2/3 số thành viên EU đã phê chuẩn Hiệp định này nhưng cần các nước còn lại trong khu vực phê chuẩn thì mới có thể thực thi.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVIPA có các cam kết nhằm đảm bảo an toàn cho vốn và tài sản của nhà đầu tư như đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ an toàn đầy đủ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Hiệp định này cam kết không trưng thu quốc hữu hóa trái pháp luật tài sản của nhà đầu tư và bồi thường thỏa đáng trong trường hợp trưng thu, quốc hữu hóa. EVIPA cũng có cam kết bồi thường cho nhà đầu tư trong trường hợp tài sản của nhà đầu tư bị phá hoại do việc dùng vũ lực không cần thiết trong trường hợp chiến tranh.
Đáng chú ý, hiệp định còn cho phép nhà đầu tư tự do chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài, vấn đề mà theo các chuyên gia tư vấn đầu tư, khá nhiều doanh nghiệp FDI băn khoăn.
Những cam kết này trong EVIPA được xây dựng chi tiết và cân bằng hơn các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương mà Việt Nam đã ký với các quốc gia thành viên EU; có tiêu chí rõ ràng đối với từng hành vi mà nhà nước không được làm, bổ sung một số ngoại lệ nhằm bảo đảm quyền điều chỉnh chính sách của quốc gia chủ nhà.
Trường hợp có tranh chấp phát sinh giữa một bên và nhà đầu tư của bên kia, hai bên thống nhất ưu tiên giải quyết tranh chấp một cách thiện chí thông qua đàm phán và hòa giải. Trong trường hợp không thể giải quyết tranh chấp thông quan tham vấn và hòa giải thì mới sử dụng đến cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định cụ thể trong hiệp định.
EVIPA xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư thường trực thay thế cho cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo vụ việc trong các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các nước thành viên EU. Các tranh chấp được giải quyết tại cơ quan xét xử thường trực gồm hai cấp xét xử: cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm với các thành viên do Việt Nam và EU thỏa thuận lựa chọn, giúp tăng tính độc lập và nhất quán của cơ quan này.
So với các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã ký giữa Việt Nam và các nước thành viên EU, các quy định này giúp Việt Nam đạt được cân bằng giữa việc thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, hỗ trợ phát triển bền vững.
Là nhà tư vấn đầu tư, luật sư Đào Tiến Phong, thuộc Investpush Legal, cho rằng việc bảo hộ đầu tư nước ngoài đã được Việt Nam thực hiện nhiều năm nay nhưng trong bối cảnh liên tục xảy ra xung đột các nước trên thế giới thời gian qua, nhiều nhà đầu tư lo lắng về rủi ro. Vì vậy, EVIPA được thực thi sẽ giúp nhà đầu tư an tâm hơn, giúp dòng đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam sẽ chất lượng và mạng mẽ hơn.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-dong-von-tu-chau-au-chay-vao-viet-nam-manh-hon/