Để du lịch nông nghiệp, nông thôn 'cất cánh'

Phát triển du lịch song hành cùng sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân đã thành công. Tuy nhiên, họ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, cần hỗ trợ của các cấp, ngành

Du lịch nông nghiệp, nông thôn: Nâng tầm nông sản

Hiện nay, nói đến các sản phẩm du lịch ở nhiều địa phương, không thể thiếu nhóm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Miệt vườn cây ăn trái trĩu quả, vườn hoa, cây cảnh rực rỡ sắc màu hay ruộng muối trắng tinh của nông dân các xã vùng biển, đảo... đã trở thành những sản phẩm du lịch đặc sắc.

Về Làng hoa Sa Đéc (phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), du khách như lạc vào vương quốc hoa với đủ chủng loại hoa, cây cảnh ngập tràn sắc màu. Được hình thành từ cuối thế kỷ XIX, là "thủ phủ hoa" miền Tây Nam Bộ, Làng hoa Sa Đéc giờ đây còn là điểm đến du lịch đầy ấn tượng của du khách trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng - người gắn bó nhiều năm với nghề trồng hoa, cây cảnh ở Làng hoa Sa Đéc, hiện là Phó Giám đốc Công ty hoa kiểng Ngân Cường.

Làng hoa Sa Đéc thu hút khách du lịch. Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Làng hoa Sa Đéc thu hút khách du lịch. Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Gia đình ông Hùng có 3 thế hệ đã gắn bó với nghề trồng hoa, cây cảnh. Lúc đầu, khi được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đến tham quan vườn ươm các loại hoa, cây cảnh và gợi ý gia đình quy hoạch lại các diện tích đất vườn, sửa sang để kết hợp bày bán các loại hoa, cây cảnh vừa đón du khách tới tham quan, ông không mấy "mặn mà". Tuy nhiên, được sự động viên, hướng dẫn của lãnh đạo tỉnh, thành phố Sa Đéc, ông đã thay đổi suy nghĩ, quyết định vừa phát triển sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh, vừa xây dựng khu du lịch vui chơi miệt vườn. Hiện nay với diện tích 17.000 m2, Khu du lịch vui chơi miệt vườn Happy Land Hùng Thy của gia đình ông là một trong những địa chỉ nổi bật ở Làng hoa Sa Đéc. Khu du lịch đã được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, mỗi năm đón trên 100.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Cùng ở Làng hoa Sa Đéc, cũng như ông Nguyễn Ngọc Hùng, ông Trần Thanh Hùng vốn là nông dân gắn bó với nghề ươm trồng hoa, cây cảnh và nuôi ếch. Hiện nay, ông là Chủ nhiệm Hội quán "Cùng nhau làm du lịch" ở Làng hoa Sa Đéc và là chủ homestay "Ngôi nhà hoa và ếch". Homestay "Ngôi nhà hoa và ếch" là một trong những điểm đến lưu trú có khung cảnh thoáng mát, giới thiệu đến du khách nhiều loại hoa, cây cảnh, có khu ươm ếch giống và nhà hàng phục vụ du khách đặc sản ẩm thực đồng quê.

Ông Trần Thanh Hùng chia sẻ với báo Tin tức, trước đây, những thành viên hội quán là những nông dân chỉ biết trồng và bán hoa, cây cảnh, nay đã biết kết hợp cả sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh, phát triển du lịch với mục đích tăng thu nhập cho gia đình và cộng đồng. Từ hoạt động du lịch, đón khách tham quan, nhiều sản phẩm hoa, cây cảnh của Sa Đéc được nhiều người biết hơn, thị trường tiêu thụ rộng mở, giá bán cũng cao hơn.

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, người nông dân Làng hoa Sa Đéc hôm nay tự hào góp phần phát triển một trong những ngành hàng chủ lực trong nông nghiệp của tỉnh là ngành hàng hoa, cây cảnh. Từ một làng hoa khiêm tốn, sản phẩm chỉ cung ứng trong phạm vi một tỉnh, một vùng, nay Sa Đéc đã có hơn 3.000 ha hoa, cây cảnh với hơn 2.000 giống hoa, cây cảnh, đưa ra thị trường hơn 12 triệu sản phẩm mỗi năm. Không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh thành trong nước, hoa, cây cảnh Sa Đéc còn vươn ra thị trường quốc tế. Sa Đéc cũng đã trở thành điểm đến du lịch của hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước mỗi năm.

Còn ở ngoại thành Tp.HCM, một trong những điểm đến có những sản phẩm du lịch đậm phong vị biển, đảo là du lịch cộng đồng ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Tại điểm du lịch này, du khách tham quan không gian nhà muối, ruộng muối, tham quan rừng ngập mặn, nghe tiếng đàn sến, thưởng thức ẩm thực, thức uống xứ biển, ngâm chân thư giãn với thảo dược muối. Chủ nhân của các sản phẩm du lịch chính là những diêm dân, ngư dân trước đây chỉ quen làm muối, khai thác, nuôi trồng thủy sản.

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Hợp tác xã nông nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch cộng đồng Thiềng Liềng cho biết, với sự giúp đỡ, tư vấn của các cấp, ngành, phát triển du lịch từ hạt muối và những nét văn hóa cộng đồng, Hợp tác xã được thành lập từ 2 năm nay, tập hợp các thành viên là nông dân, tham gia làm du lịch cộng đồng. Nhờ có thêm nghề làm du lịch, dịch vụ với loạt sản phẩm từ đồng muối, từ đặc sản ẩm thực, mọi người có thu nhập cao hơn.

Các hộ dân làm du lịch tại ấp đảo Thiềng Liềng ra bến tàu đón du khách. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Các hộ dân làm du lịch tại ấp đảo Thiềng Liềng ra bến tàu đón du khách. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Điều đáng mừng là, hạt muối Cần Giờ và nhiều sản phẩm được sáng tạo, chế biến từ hạt muối như muối thảo dược làm đẹp, chăm sóc sức khỏe đã được nhiều người biết đến, giá trị hạt muối nâng lên, thị trường tiêu thụ mở rộng. Nhiều du khách đến du lịch ấp Thiềng Liềng đã mua với số lượng lớn các túi muối thảo dược về để sử dụng hoặc làm món quà biếu, tặng đầy ý nghĩa.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch Tp.HCM, người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng, cải thiện thu nhập, đồng thời góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ tài nguyên môi trường tại địa phương. Nhiều nông dân ở Cần Giờ tự tin làm "thuyết minh viên", kể câu chuyện lịch sử hình thành ấp đảo Thiềng Liềng nói riêng, xã đảo Thạnh An nói chung, giới thiệu về nghề làm muối trên bạt, mỗi năm đưa ra thị trường hơn 20.000 tấn muối. Bà con cũng hướng dẫn du khách thưởng thức nhiều những sản vật thể hiện nét văn hóa của người dân trên đảo, tăng sự hấp dẫn cho điểm đến.

Đồng hành, hỗ trợ nông dân phát triển du lịch nông nghiệp bền vững

Để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả hơn, người nông dân làm du lịch thực sự có nguồn thu nhập cao, bền vững, ông Nguyễn Văn Mỹ, chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Lửa Việt Tours cho rằng, đối với phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, cần xây dựng bộ sản phẩm tour đặc thù của từng địa phương. Từ đó doanh nghiệp lữ hành chọn lựa, thiết kế hoàn chỉnh lại cho phù hợp với từng công ty, thị phần du khách. Chẳng hạn điểm đến này là trải nghiệm tát mương bắt cá thì chỗ khác nên là nơm cá trong ao hay bắt lươn và chạch trong ruộng. Hoặc điểm đến này có sản phẩm xem cá lóc "làm xiếc" thì chỗ khác nên là cá rô "làm trò", tôm "khiêu vũ"… vừa gắn với nông sản địa phương, vừa tránh trùng lặp, đơn điệu.

Theo bà Lê Thị Bé Bảy, Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn, để làm nông nghiệp kết hợp với du lịch thành công, trước tiên phải có sự quyết tâm của bà con nông dân chuyển đổi từ mô hình nông nghiệp thuần túy sang mô hình du lịch nông nghiệp. Cùng với đó, việc định hướng, hỗ trợ của các cấp chính quyền thông qua ban hành cơ chế, chính sách, trang bị chuyên môn nghiệp vụ và hỗ trợ xúc tiến sản phẩm cho nông dân là rất cần thiết.

Những năm gần đây, nông dân Cồn Sơn làm du lịch thành công được là nhờ hai yếu tố này. Người nông dân được tư vấn xây dựng sản phẩm, hướng dẫn chỉnh trang cảnh quan môi trường, chế biến trưng bày đặc sản. Các ngành, đoàn thể giúp kết nối đến các công ty lữ hành, hỗ trợ người dân học ngoại ngữ. Hiện nay, khoảng 60 thành viên Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn đã giao tiếp thành thạo tiếng Anh, Pháp, Hàn Quốc, là những thuyết minh viên tại điểm đến, phục vụ du khách nước ngoài.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Bé Bảy, muốn phát triển bền vững, thu hút du khách được lâu dài, hạ tầng phát triển du lịch ở khu vực Cồn Sơn cần được hoàn thiện hơn. Những nông dân làm du lịch ở Cồn Sơn mong muốn, các cấp chính quyền tiếp tục ưu tiên cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ về giao thông, điểm và bãi đỗ xe, bến, cầu tàu thuyền, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, thu gom và xử lý rác thải. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn người dân đẩy mạnh xây dựng các nội dung xúc tiến quảng bá du lịch phù hợp loại hình du lịch nông nghiệp cộng đồng, sinh thái, phù hợp với từng đối tượng du khách, kết nối nhiều hơn với các điểm du lịch ở các địa phương, xây dựng nhiều hơn các tuyến, lịch trình điểm đến theo hệ thống sông Hậu, trong đó có điểm đến Cồn Sơn.

Tại Đồng Tháp, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thông tin, UBND tỉnh có quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2026 với nhiều nội dung cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ phát triển du lịch. Trong đó, Đồng Tháp có chính sách với các mức hỗ trợ cụ thể để đầu tư phát triển điểm du lịch tham quan vườn hoa, cây cảnh hoặc cánh đồng sen, vườn cây ăn trái, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc gắn với sản xuất làng nghề, làng nghề truyền thống.

Tỉnh cũng hỗ trợ đầu tư loại hình du lịch homestay (khách lưu trú và trải nghiệm văn hóa sinh hoạt gia đình tại nhà dân) chất lượng cao hoặc farmstay (khách lưu trú, trải nghiệm các giá trị văn hóa bản địa tại trang trại) kết hợp trải nghiệm nông nghiệp chất lượng cao…, góp phần phát triển du lịch Đồng Tháp từ lợi thế địa phương. Đồng thời, tỉnh Đồng Tháp có kế hoạch triển khai các giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Tỉnh khuyến khích sự tham gia của các nông hộ vào hoạt động du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ du lịch gắn với nông nghiệp, làng nghề. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp lữ hành, các hợp tác xã, hội quán trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, kết nối xây dựng tour tuyến, từ đó phát triển kinh tế khu vực nông thôn thông qua hoạt động du lịch, đồng thời gia tăng chuỗi giá trị nông sản.

Tỉnh tập trung xây dựng, hoàn thiện các mô hình sản phẩm du lịch nông nghiệp tiêu biểu để định hướng đầu tư phát triển, nhân rộng, tạo điểm nhấn thu hút du khách. Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ lao động trực tiếp tham gia làm du lịch nông nghiệp, nông thôn được đào tạo tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ du lịch; thu nhập của hộ dân làm du lịch nông nghiệp gấp từ 1,5 lần thu nhập của hộ dân làm nông nghiệp thuần túy trở lên, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở các địa phương.

Trong khi đó, tại Tp.HCM, với phương châm phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp, làng nghề ở khu vực ngoại thành phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, công nghệ cao, các sản phẩm thuộc chương trình OCOP, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, nâng cao đời sống nông dân ngoại thành, UBND Thành phố có Đề án Nâng cao đời sống kinh tế của nông dân gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp, phát triển nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025.

Thành phố chú trọng phát triển, hoàn thiện nhiều sản phẩm du lịch gắn với đời sống, hoạt động sản xuất nông nghiệp khu vực ngoại thành, phát triển các sản phẩm lưu niệm, các đặc sản do người nông dân làm ra. Các cấp, các ngành quan tâm tạo thuận lợi, kết nối các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn ngoại thành đến các thị trường du lịch để hình thành nhiều tour, tuyến mới, tạo màu sắc mới mẻ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước đối với một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước.

Phát huy tối đa nguồn lực phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

Theo báo Công Thương, chiều 1/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã ký kết Chương trình Phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 - 2030.

Việc hai bên ký kết Chương trình Phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 – 2030 nhằm tăng cường phối hợp giữa hai Bộ để phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng của hai ngành, nhằm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng bao trùm, đa giá trị, hiệu quả và bền vững. Đồng thời, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên về nông nghiệp, làng nghề, môi trường sinh thái, cảnh quan nông thôn và các giá trị văn hóa đặc trưng vùng, miền.

Theo đó, ngành văn hóa và nông nghiệp sẽ ban hành các văn bản phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trao đổi, cung cấp thông tin, số liệu, tài liệu để đảm bảo thuận lợi cho việc triển khai giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững. Thường xuyên trao đổi trực tiếp bằng văn bản, điện thoại hoặc phương tiện thông tin khác.

Đồng thời, tổ chức hội nghị, hội thảo, đoàn khảo sát hoặc kiểm tra liên ngành liên quan đến lĩnh vực phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Triển khai các mô hình thí điểm, các giải pháp cụ thể liên quan đến lĩnh vực phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn thuộc chức năng, nhiệm vụ của các Bộ và các hình thức phối hợp khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và bền vững, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thống nhất tăng cường công tác phối hợp thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ các địa phương phát triển hệ thống điểm đến du lịch nông thôn đa dạng, chất lượng với các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn mang đặc trưng vùng, miền, khai thác lợi thế nổi bật của khu vực nông thôn về tiềm năng nông nghiệp, cảnh quan sinh thái, văn hóa truyền thống. Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch dựa trên khai thác liên kết chuỗi giá trị du lịch và nông nghiệp, đa dạng tính trải nghiệm, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước, hình thành các tour, tuyến du lịch đưa khách về khu vực nông thôn.

Về tổ chức thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam làm đầu mối, là cơ quan thường trực, có trách nhiệm tham mưu lãnh đạo 2 Bộ xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, triển khai thực hiện, theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình phối hợp này.

Hàng năm, theo nội dung ký kết, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đại diện hai Bộ luân phiên chủ trì phối hợp với các đơn vị của 2 Bộ đánh giá kết quả phối hợp thực hiện Chương trình, báo cáo lãnh đạo hai Bộ; hagng năm tổ chức sơ kết việc thực hiện Chương trình.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/de-du-lich-nong-nghiep-nong-thon-cat-canh-a666602.html