'Để được nghe tiếng thở của mùa màng'

Trong khi nhiều người đam mê sưu tầm xe sang, cây cảnh… thì anh Nguyễn Việt Kiên (tổ dân phố Phú Thịnh 3, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng) lại có sở thích chẳng giống ai, khi 'rước' về hơn 100 chiếc cối đá nặng trịch. Bởi vậy, có người bảo anh là 'đồ khùng', nhưng giữa thị trấn tấp nập, xuất hiện 'bảo tàng' cối đá - những món đồ của một thời quá khứ được sắp xếp khoa học và mang đầy triết lý, nhân sinh, thì không phải ai cũng 'khùng' được.

Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn Ghềnh 3 (thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái), từ nhỏ, Kiên thường xuyên theo bà, theo mẹ đi bộ gần 1 cây số, rồi phải xếp hàng dài chờ đợi đến lượt được mượn cối đá của một hộ thôn bên để giã gạo. Đến khi đi công tác, nhìn thấy cối đá của bà con, anh lại nhớ về thời thơ ấu của mình. Từ đó, anh suy nghĩ phải sưu tầm cối đá, vừa để “được nghe thấy tiếng thở của mùa màng, vừa giữ gìn vật dụng truyền thống của dân tộc cho thế hệ sau”, anh Kiên tâm sự.

Anh Kiên sở hữu chiếc cối đá trên 100 “tuổi”.

Anh Kiên sở hữu chiếc cối đá trên 100 “tuổi”.

Khi công tác tại Phòng Thống kê huyện Bảo Thắng, anh Kiên có điều kiện đến các thôn, bản trên địa bàn. Mỗi lần đến thôn, bản, cùng với việc chuyên môn, anh đều dành thời gian tìm kiếm cối đá. Bụi tre, bờ ao, góc chuồng lợn là những vị trí mà anh thường để ý đến. Nhiều người thấy vậy bảo anh lẩn thẩn, nhưng chính sự lẩn thẩn ấy mà anh tìm được vật dụng đam mê sưu tầm cho mình. Dấu chân của anh đã in rõ trên các thôn Lạng (Thái Niên), Cốc Toòng, Cốc Sâm (Phong Niên), Sín Thèn (Phong Hải), Cửa Cải (Xuân Quang) của huyện Bảo Thắng, thậm chí ở cả một số thôn của xã Na Hối, huyện Bắc Hà. Anh Kiên tâm sự: Cứ nghe người dân nói ở thôn này, thôn kia có cối đá là tôi lao đi ngay. Bất chấp mưa nắng, tôi chỉ muốn mang được cối đá về nhà càng sớm càng tốt.

12 năm lặn lội khắp các thôn, bản, anh Kiên đã có “bảo tàng” cối đá với hơn 100 chiếc. Không cần sổ sách, anh đọc vanh vách “lý lịch” từng chiếc cối đá. Chỉ tay vào khu “trưng bày” cối đá, anh cho biết: 60% cối đá từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng theo người dân khai hoang lên Bảo Thắng, 40% còn lại là của người bản địa. Hiện tại, anh Kiên đang sở hữu 2 chiếc cối đá trên 100 “tuổi” và được anh giữ gìn, bảo vệ cẩn thận.

Để có được “kho báu” này, anh Kiên phải đánh đổi rất nhiều mồ hôi, công sức và vật chất. Chính vì vậy, mỗi chiếc cối đá tìm được là một câu chuyện đầy thú vị đối với anh. Anh tâm sự: Tìm được đã khó, nhưng lấy được cối đá càng khó hơn. Bình thường, người dân vứt bỏ cối đá trong bụi tre, góc chuồng lợn, hoặc bờ ao, nhưng khi mình hỏi mua lại, thì họ chần chừ, không muốn bán, vì họ nghĩ mình là dân buôn đồ cổ. Chính vì thế, để có được chiếc cối đá trên 100 “tuổi”, mình phải mất 2 lần đến gia đình thuyết phục, thấy mình kiên trì và mục đích muốn mua vì đam mê sưu tầm cối đá, nên họ mới bán với giá 500.000 đồng. Hoặc như khi tìm được cối đá, mình phải chở ngay một thớt về trước, thậm chí, cối đá còn dính bùn đất, phân trâu, mình cũng cho lên xe máy để chở về ngay, nếu để lại sợ người khác mua mất, thậm chí chủ nhà đổi ý, không bán nữa. Nhiều người nhìn thấy bảo mình là “dở hơi, đồ khùng”, chơi gì không chơi lại đi chơi cối đá, vừa nặng, vừa bẩn. Thôi thì để không bị mang tiếng là “dở hơi, đồ khùng”, mình lấy ni lông phủ kín để chở cối đá, về đến nhà rửa sạch cũng không sao.

“Bảo tàng” cối đá của anh Kiên.

“Bảo tàng” cối đá của anh Kiên.

Dừng lại một lúc, anh bỗng thốt lên: Kể ra cũng có nhiều người tốt! Thấy tôi ngơ ngác, anh giãi bày: Chuyện là thế này, cách đây mấy năm trước, mình lên Bắc Hà tìm được chiếc cối đá của người bản địa. Trên đường về, thấy mình lái xe máy ì ạch chở cối đá, một anh lái xe ô tô đi thành phố Lào Cai liền dừng lại và chở giúp, còn mình phóng xe máy theo sau. Đến ngã ba Bắc Ngầm, không biết vì lòng trắc ẩn hay vì lý do nào đó, anh lái xe ô tô tiếp tục chở giúp cối đá về tận nhà. Khi mình có nhã ý muốn gửi chút tiền xăng xe, anh kiên quyết từ chối và còn chúc mình sẽ tìm được nhiều cối đá nữa.

Phía trước căn nhà cấp 4 xây mái Thái khang trang, anh Kiên để một lối cho xe ra vào, còn một bên làm vườn rau, bên còn lại anh đổ sân bê tông làm nơi trưng bày cối đá. Hơn 100 cối đá được anh sắp xếp theo kích cỡ và thành từng hàng. Mặc dù không quảng bá, nhưng “bảo tàng” cối đá của anh Kiên được nhiều người đến tham quan và để lại nhiều xúc động. Có một chủ cơ sở kinh doanh lớn tại thị trấn Phố Lu khi đến tham quan “bảo tàng” cối đá của anh Kiên, ông đã lặng người. Anh Kiên tìm hiểu thì được biết, mặc dù giàu có, nhưng có được hôm nay, gia đình ông chủ cơ sở kinh doanh phải nhờ những chiếc cối đá. Tuổi thơ của ông cũng gắn với cối đá, bởi nhà có nghề làm đậu phụ, ông thường xuyên phải dậy từ 3 - 4 giờ sáng để xay đậu tương bằng cối đá. Vì thế, khi nhìn thấy những chiếc cối đá mà anh Kiên dày công sưu tầm, ông không nén được lòng mình.

Mỗi đam mê đều có triết lý và đam mê sưu tầm cối đá của anh Kiên cũng có những triết lý độc đáo. Anh tâm sự: Cối đá do đàn ông tạo ra, nhưng người sử dụng chủ yếu là phụ nữ, biết bao tâm tư được gửi gắm trong vòng xoay ấy. Nếu phụ nữ khéo tay thì vòng quay của cối sẽ tròn và ăn đều. Cối đá có hai thớt, phải ăn khớp với nhau, nếu không công năng của nó sẽ không còn, cũng như trong cuộc sống gia đình vậy, phải thuận vợ thuận chồng mới làm nên chuyện.

Mỗi đam mê và dấn thân đều phải trả giá. Có người trả bằng những tháng năm tuổi trẻ, có người phải mất thời gian, tiền bạc. Đối với anh Kiên, cối đá có sức hấp dẫn mãnh liệt, giúp anh sống lại tuổi thơ và được nghe thấy tiếng thở của mùa màng…

Thanh Nam

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/de-duoc-nghe-tieng-tho-cua-mua-mang-z8n20191006091316149.htm