Để giảm bệnh truyền nhiễm như bạch hầu...
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên.
Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Lâu nay, trên cả nước vẫn ghi nhận các ca mắc bệnh bạch hầu, chủ yếu tập trung ở những nơi có tỉ lệ bao phủ tiêm chủng thấp như khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, miền Trung...
Vi khuẩn bạch hầu chủ yếu gây nhiễm trùng đường hô hấp và tạo ra độc tố ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Thời gian ủ bệnh là 2 - 5 ngày sau khi tiếp xúc nguồn lây.
Bạch hầu họng khởi phát với triệu chứng tương tự một số bệnh viêm mũi họng khác, gồm sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn... Sau 2 - 3 ngày, giả mạc bạch hầu xuất hiện, lan nhanh gây bít hô hấp. Giả mạc bạch hầu có màu trắng hoặc xanh đen, bám chặt, dai, khó tan. Giả mạc này dễ chảy máu khi lấy, khác với giả mạc viêm họng ở bệnh khác thường dễ lấy. Biến chứng của bệnh có thể gây tử vong do có độc tố khiến rối loạn nhịp, giảm sức co bóp cơ tim.
Người bệnh được điều trị bằng thuốc kháng độc tố. Nếu không có thuốc này kịp thời, bệnh nhân có thể được điều trị triệu chứng bằng kháng sinh hoặc điều trị các biến chứng suy hô hấp, rối loạn nhịp...
Cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, bạch hầu có thể lây lan nên khi có tiếp xúc gần với bệnh nhân, cần điều tra dịch tễ, khai thác tiền sử tiêm ngừa. Dù không phải ai tiếp xúc cũng có nguy cơ nhưng nếu chưa được chủng ngừa thì hoàn toàn có khả năng mắc bệnh.
Tuy nhiên, bệnh bạch hầu không thể thành dịch, chỉ khu trú một vùng hoặc lây cho người tiếp xúc rất gần, như người trong gia đình. Nếu người tiếp xúc đã được chủng ngừa, có sức đề kháng tốt cũng có thể phòng tránh mắc bệnh.
Tiêm chủng mở rộng được thực hiện từ 50 năm qua, trong đó vắc-xin bạch hầu nằm trong thành phần vắc-xin phối hợp 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 (ho gà, bạch hầu, uốn ván...). Khi tiêm chủng, cộng đồng sẽ có kháng thể đầy đủ nên việc lây lan thành dịch rất khó xảy ra.
Tuy nhiên, thời gian qua, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tại TP HCM và một số tỉnh, thành trên cả nước bị gián đoạn tiêm vắc-xin phòng bệnh. Riêng TP HCM chưa hoàn thành tỉ lệ tiêm chủng theo chỉ tiêu đề ra là 95% nên chưa đạt được độ bao phủ. Tương tự, với bệnh ho gà, nhiều năm qua ít ghi nhận trẻ mắc bệnh này nhưng năm nay xuất hiện nhiều ca phải nhập viện điều trị.
Trước tình hình trên, cha mẹ cần đưa con đi tiêm ngừa đầy đủ các bệnh sởi, ho gà, bạch hầu..., đặc biệt là với trẻ mắc bệnh nền (bại não, tim mạch, thận...). Sau khi tiêm ngừa 2 tuần đến 1 tháng, cơ thể sẽ có kháng thể phòng bệnh.
Tiêm ngừa phòng bệnh bạch hầu cho trẻ gồm 3 mũi cơ bản cách nhau ít nhất 1 tháng, bắt đầu từ lúc trẻ được 2 tháng tuổi và tiêm nhắc mũi thứ 4 lúc trẻ 18 tháng tuổi. Phụ huynh có thể chọn lựa vắc-xin miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng mở rộng hoặc vắc-xin có trả phí tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ cho liệu trình tiêm chủng bắt buộc này.
(Dẫn nguồn NLĐO)
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/de-giam-benh-truyen-nhiem-nhu-bach-hau-post284622.html