Để giáo dục trở thành niềm cảm hứng
Gia đình tôi có ba thế hệ làm nghề giáo, cho đến các cháu tôi giờ vẫn có người đang là sinh viên ngành sư phạm. Có thể vì từ lúc nhỏ đã được học khá nhiều giáo viên là người trong họ mà sau này tôi luôn nhìn các thầy cô đứng trên bục giảng với cảm giác như những người thân của mình.
Tôi ngẫm ra, sự gần gũi tin tưởng ấy xuất phát từ một niềm tin. Niềm tin không chỉ giúp người học trò hứng thú trong học tập, mà còn là nguồn cảm hứng cho người thầy và cho cả xã hội.
Một ngày, tôi được đọc “Thư của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các nhà giáo”, trong đó có đoạn: “Chúng ta cần làm vững thêm niềm tin của xã hội, nhưng muốn thế trước hết chúng ta phải tự tin vào chính mình, tin vào khả năng, tin vào phẩm chất nhà giáo, đạo đức nhà giáo mà chúng ta đang có và đang tạo dựng. Vẫn còn không ít những tâm tư và lo lắng, những thiệt thòi và thậm chí là oan uổng. Những lúc như vậy, hãy nhìn về phía học trò thân yêu, lẽ phải cao nhất và sự bù đắp lớn nhất nằm ở đó. Đó là nguồn cảm hứng và nguồn năng lượng sáng tạo bất tận của nhà giáo chúng ta. Cả ở tầng nguyên lý lẫn thực tiễn, cuộc sống luôn công bằng, nếu chất lượng giáo dục dần nâng cao thêm, người học thấy hạnh phúc, thông tin tới xã hội đầy đủ, quản trị hiệu quả và với tinh thần cống hiến... niềm tin của xã hội với ngành và nghề của chúng ta chắc chắn sẽ tăng theo. Khi mỗi bài giảng, cuốn sách mà chúng ta soạn đều hướng tới học sinh, mỗi đổi mới chúng ta thực hiện đều vì những điều mà phụ huynh học sinh kỳ vọng và phụng sự cho sự phát triển của đất nước, thì không có lý do gì để chúng ta không có vị thế xứng đáng trong xã hội”.
Những lời tâm huyết của tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn - cũng là người thầy của tôi - dường chính là một mã khóa hóa giải những băn khoăn của xã hội về nền giáo dục của nước nhà.
Lâu nay, giáo dục được dư luận quan tâm như một điểm nóng đáng lo ngại. Từ những vụ giáo viên bạo hành học sinh gây chấn động đến sự việc học sinh, phụ huynh xúc phạm, hành hung giáo viên đã báo động sự thiếu tôn trọng đối với người thầy và người giáo viên thiếu tôn trọng chính bản thân mình.
Ở một góc khác, chúng ta lại có những nhà giáo sáng tạo, tâm huyết, cưu mang giúp đỡ học trò và trở thành tấm gương đạo đức có sức lan tỏa trong cộng đồng. Hai mảng màu trong một bức tranh giáo dục đòi hỏi một sự thay đổi, điều chỉnh mạnh mẽ. Có điều, sự thay đổi ấy cũng cần dựa trên những mục tiêu, dựa trên chủ trương, đường lối và giá trị cốt lõi của dân tộc.
Đặc thù của giáo dục so với các lĩnh vực khác chính là ở người thầy. Hiển nhiên, giáo dục cũng cần sự đầu tư về kinh phí hoạt động, hạ tầng, công nghệ, giáo trình, tài liệu, phương pháp, kĩ năng… nhưng suy cho cùng phải là vai trò của người thầy. Người thầy có quyền lợi, nghĩa vụ như mọi viên chức trong bộ máy của Nhà nước, người thầy cũng phải lo mưu sinh và có đủ ái, ố, hỷ, nộ… như bất kì một con người nào. Nhưng, người thầy còn cần có một chữ “nhẫn”. Chữ nhẫn ấy không chỉ để giúp họ kiên định, bền bỉ, mà còn là sự minh tỏ con đường của mình.
Từ góc nhìn này, chúng ta có được những cảm nhận về một hướng đi cho giáo dục, đó cũng là cơ sở cho nguồn cảm hứng giáo dục:
1. Giáo dục là câu chuyện sáng tạo từ nhiều phía, “Thầy là tác giả của các giờ dạy, nhưng học sinh là tác giả của chính sự hiểu biết của các em” (theo Nguyễn Khánh Trung, Tạp chí Tia sáng). Để có được sự sáng tạo đó, chính người thầy phải là sự khởi đầu của nguồn cảm hứng bắt nguồn từ sự tâm huyết và trí tuệ của mình. Một sự tâm huyết có bài bản, chiến lược chứ không chỉ sự nỗ lực chung chung…
Đó phải chăng cũng là điều mà trong bức thư của mình, tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: “Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo chúng ta cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn. Điều này cần nhiều phía và liên quan nhiều yếu tố, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta. Chỉ có thể bằng sự cố gắng, gương mẫu, bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề, yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn, chúng ta mới dần làm cho nghề giáo của chúng ta tôn nghiêm thêm”.
Điều này có thể không mới, có thể đã được vận dụng qua những sáng kiến, đổi mới, có thể trong tương lai gần sẽ được ngành giáo dục thực hiện một cách bài bản, hiệu quả hơn, phù hợp với đặc thù đối tượng học sinh, vùng miền.
Nguồn cảm hứng mà những nhà giáo truyền cho học trò có sức lan tỏa trong toàn xã hội đôi khi còn đến từ chính con người họ. Sáng tạo trong việc vượt qua khó khăn của trường lớp, sáng tạo trong lòng yêu nghề, yêu trò để đóng góp cho sự nghiệp trồng người. Câu chuyện về thầy giáo Đào Văn Nguyên, điểm trường Xà Phìn (xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), vượt qua hoàn cảnh gia đình (vợ mất, ba con thơ) để quyết bám lớp, bám trường cũng như bao thầy, cô giáo “cắm bản” vượt đèo, lội suối, bám trụ, góp một chấm nhỏ vô cùng quý giá trên bản đồ giáo dục nước nhà.
2. Nguồn cảm hứng của giáo dục đến từ sự trân trọng của các bậc phụ huynh với sự nghiệp giáo dục. Trong mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình - xã hội, vai trò của gia đình rất lớn. Đặc biệt, khi xuất hiện đại dịch COVID-19, phụ huynh phải đảm nhiệm vai trò người giám sát, thậm chí như một người thầy với chính con em mình. Có thể, những người cha, người mẹ không thể trực tiếp hướng dẫn con mình học tập nhưng sự quan tâm đến sự nghiệp trồng người, cũng như chính sự vượt khó của họ trong cuộc đời cũng là một bài học thuyết phục và ý nghĩa nhất.
Tấm gương những người cha như ông Ngô Việt Thành (43 tuổi), ở thôn 1B, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế, ông Hoàng Văn Hồng (xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh); người mẹ như bà Nguyễn Thị Phúc (SN 1959), thôn Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội… tuy họ đều bị tàn tật nhưng vẫn vượt lên hoàn cảnh để gắng nuôi con ăn học.
3. Nguồn cảm hứng của giáo dục cũng đến từ việc phát huy chính năng lực sáng tạo của người học trò - những người thụ hưởng thành quả giáo dục, người nghiệm thu khách quan nhất những chương trình đổi mới. Nếu việc tiếp nhận kiến thức là sự đón nhận chủ động thì sự tương tác chính là sự sáng tạo. Mỗi người học phải chăng là tác phẩm của ngành giáo dục, học trò cũng là niềm vui, sự an ủi, là phần thưởng lớn nhất đối với tâm huyết và nỗ lực của thầy cô.
Chúng ta hãy cùng cố gắng tạo ra cơ hội để những người học trò phát huy được đúng vai trò của mình trong hệ thống giáo dục quốc dân. Có thể người thầy sẽ được giảm tải những gánh nặng, được có thêm nhiều thời gian xây dựng giáo án để đầu tư cho ý tưởng của mình nhưng để làm được điều này vẫn là một thách thức không hề nhỏ.
Giáo dục là một lĩnh vực quan trọng và đầy thách thức. Sự đổi mới nào cũng cần hướng đến sản phẩm đào tạo là học vấn và nhân cách con người. Bởi thế, ngay từ mục tiêu đến phương thức cần có một minh triết nhân văn. Đó vừa là động lực, vừa là nguồn cảm hứng để mỗi thầy cô, học trò và toàn xã hội đạt được thành quả. Chúng ta tin tưởng ngành giáo dục, tin ở lòng yêu nghề, ở sự say mê của người học trò, niềm tin ấy rất quan trọng, nó có sức lan tỏa đến từng bước đi của giáo dục.
Dạy học chính là truyền cảm hứng, mỗi người thầy cô là người tạo ra những chân trời. Sự thiếu thốn, bất cập… có thể bủa vây, lòng tin của nhiều người vào giáo dục có thể suy giảm sau những sự việc đáng tiếc nhưng không ai khác, chính các nhà giáo mới là người có thể tháo gỡ, có thể lấy lại niềm tin bằng sự nhiệt huyết, kiên định và sáng tạo của mình. Đó cũng là một bài học quý giá nhất với chính những học trò của mình và cho toàn xã hội…