Để giữ nhịp tăng trưởng cao
Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư đã thống nhất 15 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó đáng chú ý là Quốc hội đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; tốc độ tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 1-1,5%...
Đây là những chỉ tiêu tương đối cao, nhất là đặt trong bối cảnh tăng trưởng 3 quý đầu năm 2022 của nước ta ở mức tốt nhưng bước sang quý IV-2022 có nhiều dấu hiệu chững lại theo xu hướng chung của kinh tế toàn cầu. Trong đó nổi lên những khó khăn do giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất của nhiều ngành kinh tế tăng mạnh và bất ổn chưa có điểm dừng; chính phủ nhiều nước phá giá tiền nội tệ để chống lạm phát; thị trường tài chính - bất động sản, xăng dầu trong nước chịu tác động mạnh bởi kinh tế toàn cầu… Những yếu tố này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của nước ta trong năm 2023.
Cùng với mục tiêu đề ra, Quốc hội đã đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao quát tất cả các lĩnh vực, đồng thời đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt. Trong đó, yêu cầu đầu tiên là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Dưới góc độ cử tri, một nội dung khác cũng cần được chú ý là các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhằm tạo điều kiện để nền kinh tế, đặc biệt là ngành Du lịch tăng trưởng trở lại, đóng góp nguồn thu cho ngân sách như năm 2019 trở về trước (thời điểm chưa có dịch Covid-19).
Đặc biệt, cần quyết tâm thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây có thể coi là “dư địa” có thể làm tốt hơn, bởi thực tế còn nhiều “điểm nghẽn”.
Do đó, mục tiêu không có điểm dừng là cần phải thường xuyên rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ lập pháp, bảo đảm phù hợp với chủ trương, định hướng được đề ra trong các văn kiện mới của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân, tập trung tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm chất lượng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2023. Chính quyền các cấp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2026; chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh giai đoạn 2020-2025 đã đề ra…
Đi đôi với đó là cần triển khai các giải pháp để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc.
Cử tri cả nước đặt niềm tin rằng sự linh hoạt, chủ động trong điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ là “bàn đạp” để đất nước ta giữ được nhịp độ tăng trưởng, hoàn thành mục tiêu phát triển giai đoạn 2021-2025 như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.