Để GV đạt 0,6 công trình/năm, trường ĐH phải xây dựng văn hóa nghiên cứu đủ mạnh
Với những giảng viên không đạt 0,6 công trình/năm, cơ sở giáo dục đại học cần có chính sách để tạo điều kiện cho giảng viên phấn đấu đạt mục tiêu.
Quyết định số 1705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31/12/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 đối với giáo dục đại học là: “Số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ tính bình quân trên 01 giảng viên toàn thời gian đạt 0,6 công trình/năm”.
Theo ghi nhận, mục tiêu này đang nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học.
Tạo động lực ổn định cho giảng viên nghiên cứu khoa học
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, hiệu trưởng một trường đại học ở Hà Nội chia sẻ, nhìn chung, việc đặt mục tiêu về số lượng công bố khoa học, công trình ứng dụng khoa học công nghệ tính bình quân đối với giảng viên nhằm thúc đẩy ổn định hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.
Vị này cho rằng, đối với mỗi cơ sở giáo dục đại học, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học có ý nghĩa quan trọng. Quyết định số 1705 đặt mục tiêu số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ tính bình quân trên 01 giảng viên toàn thời gian đạt 0,6 công trình/năm là hợp lý. Mục tiêu trên giúp giảng viên tham gia tích cực hơn nữa trong hoạt động nghiên cứu khoa học, góp phần đáp ứng những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bắt nhịp với các tiến bộ của khoa học công nghệ.
Đánh giá về con số bình quân 0,6 công trình/năm/giảng viên, vị lãnh đạo nhà trường chia sẻ, đối với nhiều trường đại học vốn đã có thế mạnh về nghiên cứu khoa học, đủ tiềm lực về cơ sở vật chất thì không quá khó khăn để đạt mục tiêu, thậm chí hiện nay đã vượt. Nhưng đối với không ít trường, hoạt động nghiên cứu khoa học chưa được quan tâm đầu tư, đội ngũ nghiên cứu chưa đủ mạnh để đạt được con số bình quân 0,6 công trình/năm/giảng viên cần phải nỗ lực rất nhiều.
Cùng chia sẻ về nội dung này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, căn cứ vào tình hình công bố khoa học thực tế những năm gần đây, nhà trường đạt được mục tiêu trên.
“Chỉ tính riêng số lượng bài báo đăng tải trên tạp chí khoa học được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu của Scopus, Web of Science (WoS), nhà trường đã đạt bình quân 0,6 công trình/năm/giảng viên. Vì vậy, nếu cộng thêm số lượng bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước thì con số bình quân trên 01 giảng viên toàn thời gian vượt 0,6 công trình/năm”, thầy Thắng cho biết.
Thầy Thắng bày tỏ, để bài báo đăng tải trên tạp chí khoa học được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu của Scopus/Web of Science không dễ. Đôi khi, tính từ thời điểm tác giả gửi bài về địa chỉ của tạp chí khoa học thuộc danh mục Scopus/Web of Science phải chờ 1 năm, thậm chí 1,5 năm mới được đăng tải. Chính vì thế, lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học phải hiểu rõ những rủi ro để tạo điều kiện cho giảng viên cố gắng làm nghiên cứu và có công bố.
Động lực để giảng viên vừa hoàn thành tốt công tác giảng dạy, vừa tham gia tích cực hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học là cơ sở giáo dục đại học phải có sự thống nhất từ chỉ đạo cho đến quyết liệt triển khai. Về nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế, nhà trường quy định định mức, KPI cụ thể đến từng khoa, đơn vị và tạo điều kiện để các thầy cô đăng ký thực hiện.
Theo thầy Thắng, đầu năm, nhà trường làm việc với các khoa, xem xét chỉ tiêu đăng ký bao nhiêu bài báo khoa học trong nước, bài báo quốc tế/năm/khoa. Trong nhà trường, không phải khoa nào cũng có thế mạnh về công bố công trình nghiên cứu vì còn tùy vào ngành đào tạo và năng lực nghiên cứu của giảng viên.
Để đạt số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ tính bình quân trên 01 giảng viên toàn thời gian đạt 0,6 công trình/năm, nếu chỉ dừng lại ở lời động viên, khích lệ thì sẽ rất khó để giảng viên đạt được mục tiêu. Do đó, cơ sở giáo dục đại học cũng nên trích kinh phí để chi thưởng cho giảng viên có công bố khoa học, nhằm khích lệ, tạo động lực thiết thực để giảng viên tích cực nghiên cứu khoa học, nhất là có công bố quốc tế.
“Quyết định số 1705 đặt mục tiêu số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ tính bình quân trên 01 giảng viên toàn thời gian đạt 0,6 công trình/năm có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực ổn định cho cơ sở giáo dục đại học nói chung, cho giảng viên nói riêng. Bởi, để có công bố khoa học, công trình ứng dụng khoa học công nghệ thì buộc các giảng viên phải tham gia nghiên cứu khoa học, từ đó thúc đẩy kết quả thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học”, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang nhận định.
Cơ sở giáo dục đại học phải xây dựng được văn hóa nghiên cứu
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, nhà trường triển khai nhiều chính sách trong đầu tư cho khoa học và công nghệ.
Trong năm 2024, bình quân mỗi giảng viên trình độ tiến sĩ toàn thời gian của nhà trường đạt 2,4 bài báo/năm (Scopus/Web of Science); còn nếu tính thêm những xuất bản ở trong nước thì con số này khoảng 3 bài báo/năm/giảng viên trình độ tiến sĩ.
Cũng theo thầy Trình, với Quyết định số 1705 đặt mục tiêu số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ tính bình quân trên 01 giảng viên toàn thời gian đạt 0,6 công trình/năm, nhà trường không gặp vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, trong thời gian tới, bên cạnh bảo đảm số lượng, nhà trường quan tâm nhiều đến bài toán nâng cao chất lượng công trình nghiên cứu khoa học. Theo đó, sản phẩm nghiên cứu khoa học không chỉ dừng lại ở việc xuất bản ở trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, đóng góp vào nền tri thức khoa học công nghệ thế giới mà còn phải phục vụ cho đời sống khoa học và công nghệ, xã hội tại Việt Nam.
Chia sẻ thêm, thầy Trình cho rằng, đối với nhiều cơ sở giáo dục đại học, việc thực hiện mục tiêu bình quân trên 01 giảng viên toàn thời gian đạt 0,6 công trình/năm một cách đều đặn là một khó khăn. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học phải xây dựng được văn hóa làm việc, đào tạo và nghiên cứu khoa học ở đơn vị.
“Tại Trường Đại học Công nghệ, nhà trường yêu cầu sinh viên, giảng viên, khi hết giờ giảng, trong giờ hành chính thì di chuyển đến phòng thí nghiệm để làm việc, làm khoa học.
Thời gian vừa qua, nhà trường quyết tâm xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để cán bộ giảng viên khi làm nghiên cứu - đồng hành với nhà trường 100% thời gian thì vẫn có đủ kinh phí để trang trải sinh hoạt phí cho bản thân, gia đình. Bên cạnh đó, với những cán bộ giảng viên đến sinh hoạt chuyên môn tại nhà trường, họ sẽ có thêm cơ hội để làm các đề tài, làm việc với doanh nghiệp, từ đó gia tăng nguồn thu cho cán bộ giảng viên”, thầy Trình cho biết.
Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ cho rằng, việc xây dựng văn hóa làm việc, làm khoa học trong một cơ sở giáo dục đại học phải cần có thời gian và quyết liệt thực hiện vì mỗi khoa, đơn vị, giảng viên lại có những thế mạnh, tiềm năng khác nhau. Song, để tạo dựng được văn hóa nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục đại học thì tài chính phải đủ mạnh, hạ tầng nghiên cứu, cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu.
Cụ thể, văn hóa nghiên cứu trong cơ sở giáo dục đại học bao gồm: điều kiện làm việc, phòng nghiên cứu cho giảng viên; xây dựng cộng đồng giao lưu giữa các nhà khoa học trên thế giới; tổ chức hội thảo trao đổi và học tập kinh nghiệm. Từ đó, giảng viên được phát triển đề tài, hợp tác doanh nghiệp, nhận nguồn đầu tư lớn hơn nhiều so với mức lương mà nhà trường chi trả.
Nhấn mạnh thêm, thầy Trình cho rằng, Quyết định số 1705 đặt mục tiêu số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ tính bình quân trên 01 giảng viên toàn thời gian đạt 0,6 công trình/năm một mặt tạo động lực nhưng cũng là nhiệm vụ mà các cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện.
“Con số 0,6 công trình/năm/giảng viên không phải là cao, các cơ sở giáo dục đại học làm được nhưng phải có quyết tâm”, thầy Trình chia sẻ.
Thực tế, có nhiều giảng viên không đạt số lượng công trình/năm do nhiều nguyên nhân như công trình nghiên cứu không cho ra kết quả, áp lực cơm áo gạo tiền khiến cho động lực nghiên cứu giảm đi. Chính vì vậy, với những giảng viên không đạt 0,6 công trình/năm, thầy Trình cho rằng, cơ sở giáo dục đại học cần có chính sách để tạo điều kiện cho giảng viên nghiên cứu khoa học, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể như ưu tiên dành kinh phí nghiên cứu khoa học của nhà trường cho những giảng viên đang gặp khó khăn trong quá trình nghiên cứu để họ tập trung phát triển, góp phần tạo dựng văn hóa nghiên cứu toàn diện.