Đê Hà Nội - Đê cấp đặc biệt đủ khả năng chống lũ, bảo vệ Thủ đô

Những ngày qua mưa lũ dồn dập xảy ra ở các tỉnh, thành phố phía Bắc đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhà nước và nhân dân. Mưa lũ đồng thời còn gây ra hàng loạt các sự cố đê điều, nguy cơ gây vỡ đê, đặc biệt với các tuyến đê trọng yếu. Vấn đề bảo vệ an toàn hệ thống đê điều có ý nghĩa vô cùng quan trọng tới bảo vệ người dân và bảo vệ cơ sở hạ tầng, bảo vệ sản xuất phía trong đê.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân vừa có cuộc phỏng vấn ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (PCTT, Bộ NN-PTNT) xung quanh vấn đề này.

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống Thiên tai .

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống Thiên tai .

Phóng viên ( PV): Thưa ông, hiện mực nước các sông ở miền Bắc đều đang mức cao (báo động 2, báo động 3 - BĐ2, BĐ3). Khả năng chống lũ của hệ thống đê ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc như thế nào?

Ông Phạm Đức Luận: Những năm qua, hệ thống đê điều nói chung, nhất là các tuyến đê ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã được Nhà nước quan tâm tu bổ, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu chống lũ thiết kế. Tuy nhiên, do hệ thống đê có chiều dài rất lớn, đi qua nhiều khu vực có địa chất phức tạp, thân đê chủ yếu bằng đất đắp thủ công qua nhiều thời kỳ nên tiềm ẩn nhiều ẩn họa (hang cầy, tổ mối, lỗ rỗng…). Qua đánh giá hiện trạng trước mùa lũ bão năm 2024, trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn tồn tại 299 trọng điểm xung yếu (ở miền Bắc là 260 trọng điểm) cần xây dựng phương án bảo vệ trong mùa lũ; 270 km đê còn thiếu cao trình so với thiết kế; gần 300km đê còn nhỏ, hẹp; 185km đê thường xuất hiện đùn, sủi khi có lũ; 396 cống và 223,1km kè bị hư hỏng, xuống cấp.

Với mực nước lũ ở mức BĐ2, BĐ3 như hiện nay, về cơ bản vẫn còn thấp hơn mực nước lũ thiết kế của các tuyến đê (trừ các tuyến đê bối có cao trình thấp nằm ngoài đê chính). Tuy nhiên, đây cũng là mức nước lũ cao được cảnh báo rất nguy hiểm đối với hệ thống đê điều, nguy cơ rất cao xảy ra các sự cố.

Thực tế, những ngày vừa qua, trên hệ thống đê cũng đã xảy ra trên 60 sự cố; các sự cố đều đã được lực lượng quản lý đê điều kịp thời phát hiện và phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan xử lý ngay từ giờ đầu nên đến nay các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt vẫn đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình mưa lũ đang diễn ra hết sức phức tạp, trên diện rộng ở toàn bộ các tuyến sông khu vực miền Bắc như hiện nay, trong khi nhiều năm hệ thống đê chưa trải qua thử thách trước lũ lớn, thì các cấp chính quyền cần phải hết sức cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan lơ là, tập trung cao độ cho công tác phòng, chống lũ, ứng phó hộ đê.

PV: Mực nước sông Hồng tại Hà Nội những ngày qua có những thời điểm lên trên BĐ2. Vậy khả năng chống lũ của hệ thống đê điều của Hà Nội, đặc biệt là đê sông Hồng ở khu vực nội thành như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Đức Luận: Như đã nói ở trên, hơn 20 năm nay qua trên sông Hồng mới lại xuất hiện đợt lũ vượt mức BĐ 2 (có thời điểm đã xấp xỉ BĐ 3) là mức lũ cảnh báo cao rất nguy hiểm cho hệ thống đê điều, tuy nhiên vẫn thấp hơn mực nước lũ thiết kế của đê. Trong đó, đối với tuyến đê hữu sông Hồng bảo vệ bảo vệ khu vực trung tâm thành phố Hà Nội là đê cấp đặc biệt, với tiêu chuẩn chống con lũ có chu kỳ 500 năm xuất hiện một lần, tương ứng với mực nước lũ +13,4m (có mức đảm bảo an toàn cao nhất trong toàn bộ hệ thống sông có đê) nên đủ khả năng chống với lũ ở mức báo động 2, báo động 3 như hiện nay, đảm bảo an toàn bảo vệ Thủ đô. Tuy nhiên, trên tuyến đê vẫn còn một số vị trí xung yếu cần hết sức chú ý, đặc biệt là tại vị trí cống Liên Mạc là cống lớn được xây dựng từ rất lâu hiện đã bị xuống cấp nhưng chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp.

PV: Để đảm bảo an toàn đê và khả năng chống lũ cho Thủ đô ở thời điểm hiện nay, Hà Nội cần làm gì, thưa ông?

Ông Phạm Đức Luận: Để đảm bảo an toàn cho hệ thống đê, bao gồm các tuyến đê bảo vệ Thủ đô, thành phố Hà Nội và các địa phương cần tổ chức thực hiện nghiêm công tác tuần tra canh gác, bảo vệ đê điều tương ứng với từng cấp báo động lũ theo quy định, theo dõi sát diễn biến mưa lũ và tình trạng các tuyến đê; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, nhân lực để hộ đê theo các phương án đã phê duyệt; kịp thời phát hiện và xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều có thể xảy ra tại bất cứ thời điểm, vị trí nào trên các tuyến đê theo phương châm “4 tại chỗ”.

Bộ đội tham gia chống tràn đê sông Bùi, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Bộ đội tham gia chống tràn đê sông Bùi, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

PV: Thưa ông, hơn 20 năm qua, hệ thống đê điều, đặc biệt các tuyến đê bảo vệ Hà Nội, chưa được “thử sức” với lũ lớn. Vậy theo ông hiện hệ thống đê của chúng ta phải đối mặt với những nguy cơ nào có thể xảy ra?

Ông Phạm Đức Luận: Trước bối cảnh hơn 20 năm qua, hệ thống đê điều, trong đó có các tuyến đê bảo vệ Hà Nội chưa được “thử sức” với lũ lớn, công tác đảm bảo an toàn đê điều đang đối mặt với một số nguy cơ, thách thức:

Thứ nhất, trước hết là xuất hiện tư tưởng, tâm lý chủ quan của người dân và thậm chí là ở một số cấp chính quyền địa phương “cho rằng các hồ chứa hiện nay đã đủ năng lực cắt lũ nên không còn xảy có lũ lớn trên sông Hồng”. Từ đó dẫn tới chủ quan, lơ là trong công tác bảo vệ đê điều và hộ đê.

Thứ hai, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều ngày càng xảy ra phổ biến ở nhiều nơi, gây ảnh hưởng đến an toàn công trình đê điều và công tác hộ đê như sử dụng xe quá tải trọng đi trên đê, xây dựng công trình lấn chiếm trong phạm vi bảo vệ đê điều, xây dựng lấn chiếm bãi sông, lòng sông gây cản trở thoát lũ, …

Thứ ba, mặc dù công tác đánh giá hiện trạng đê điều, xác định các khu vực, vị trí xung yếu đã được Bộ NN và PTNT chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện bài bản, nề nếp nhiều năm; nhưng do đê lâu ngày không được thử thách với lũ lớn, chưa bộ lộ hết các nguy cơ rủi ro nên việc đánh giá, xác định nguy cơ, ẩn họa còn gặp khó khăn.

Đồng thời, tình trạng các tuyến đê bị khô do lâu ngày không tiếp xúc với nước, khi có lũ như hiện nay, nguy cơ xảy ra sạt trượt rất lớn, nhất là khi lũ rút. Đồng thời, nhiều ẩn họa trong thân đê, nền đê như vết nứt, hố sụt, tổ mối, đùn sủi, thẩm lậu, rò rỉ, xói ngầm mang cống… rất khó phát hiện bằng mắt thường hoặc thiết bị thô sơ, chỉ bộc lộ và phát sinh sự cố khi có lũ lớn. Các sự cố này thường xảy ra bất ngờ, phát triển nhanh và khó xử lý.

Thứ tư là về nhân lực trực tiếp tham gia công tác tuần tra, canh gác và xử lý sự cố, hộ đê ở các địa phương: Mặc dù trước mùa mưa lũ các địa phương đều lập danh sách cụ thể lực lượng này, nhưng lực lượng này thường lại là những lao động chính của các gia đình nên nhiều người đi lao động, làm việc ở nơi khác, khi xảy ra sự cố thì rất khó huy động được; ngoài ra, do nhiều năm chưa trải qua thử thách với lũ lớn nên kinh nghiệm, kỹ năng của lực lượng tham gia xử lý sự cố, hộ đê còn hạn chế, dễ dẫn tới lúng túng, xử lý không đúng kỹ thuật.

Thứ năm, đó là về công tác dự báo: Những năm gần đây, công tác dự báo thiên tai, thời tiết đã có những tiến bộ đáng kể; tuy nhiên, trước diễn biến thiên tai bão lũ ngày càng cực đoan, bất thường thì việc dự báo vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, từ đó sẽ dẫn đến khó khăn cho công tác chủ động ứng phó.

Kiểm tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng cống Liên Mạc (phường Thụy Phương), quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Kiểm tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng cống Liên Mạc (phường Thụy Phương), quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

PV: Để đảm bảo an toàn và khả năng chống lũ cho các tuyến đê, đặc biệt đê trên địa bàn Hà Nội, giải pháp trước mắt cũng như về lâu dài chúng ta sẽ cần phải tiếp tục làm gì, thưa ông?

Ông Phạm Đức Luận: Để đảm bảo an toàn và khả năng chống lũ cho các tuyến đê, trong đó kể cả các tuyến đê trên địa bàn Hà Nội, trước mắt cần thực hiện đầy nghiêm công tác quản lý, bảo vệ đê điều tuân thủ quy định của Luật Đê điều; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị theo các phương án hộ đê; thực hiện nghiêm công tác tuần tra canh gác theo quy định để kịp thời phát hiện và xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều; tổ chức kiểm tra, đánh giá để tu sửa kịp thời các hư hỏng của đê điều sau mỗi đợt lũ, bão.

Về lâu dài, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp theo quy định pháp luật về đê điều, quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó cần ưu tiên đầu tư củng cố, nâng cấp đê điều theo quy hoạch và tiêu chuẩn thiết kế; dần xóa các trọng điểm đê điều, các vị trí đê điều xung yếu; đáp ứng yêu cầu phòng, chống lũ trước mắt cũng như lâu dài.

Kiên quyết ngăn chặn và xử lý các hành vi phạm pháp luật về đê điều như lấn chiếm thân đê, hành lang bảo vệ đê, không gian chứa lũ, thoát lũ; sử dụng xe quá tải đi trên đê gây mất an toàn đê… Quan tâm, chú trọng công tác duy tu bảo dưỡng hàng năm tránh để đê điều bị xuống cấp, hư hỏng. Tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ khoa học trong công tác xây dựng và quản lý đê điều.

Nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội để tham gia, phối hợp tham gia công tác quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê. Nghiên cứu và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống lũ để cùng với hệ thống đê điều đảm bảo an toàn chống lũ thiết kế như: Thanh thải vật cản, làm thông thoáng dòng chảy của sông; xây dựng mới và vận hành phù hợp hệ thống công trình điều tiết lũ ở thượng nguồn; phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn…

Xin trân trọng cám ơn ông!

NGUYỄN KIỂM (Thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/de-ha-noi-de-cap-dac-biet-du-kha-nang-chong-lu-bao-ve-thu-do-794103