Hôm qua Trung Thu
Trước nhà tôi có cái trường mẫu giáo. Mọi năm sẽ tổ chức rất to cho các cháu chơi, nhưng năm nay thấy họ tổ chức rất ngắn. Các cháu được đưa ra sân có mái che, xem múa lân, rồi tự mình biểu diễn vài tiết mục, rồi về lớp.
Nhiều trường như thế.
Có trường còn tổ chức cho các cháu ủng hộ các bạn vũng bão lũ.
Tôi ngơ ngẩn: Vùng bão lũ ấy, trung thu của các cháu như thế nào? Câu hỏi có vẻ viển vông, nhưng cứ day dứt mãi.
Và đọc cái tus này của nhà văn nhà báo Lưu Trọng Văn càng day dứt. Ông viết: "CẦU NGUYỆN CHO BÉ THẢO NG. Ở LÀNG NỦ.
Hôm nay trung thu, bé Thảo Ng. 11 tuổi ở Làng Nủ đang vật lộn giữa sống và chết.
Bé bị lũ cuốn vùi, mọi người kéo lên từ bùn đất. Tín hiệu duy nhất của sự sống là hơi thở không đủ làm lay một sợi chỉ.
Bé bị đa chấn thương - Gãy xương đòn phải - Đụng gập gan phải; sốc nhiễm khuẩn suy đa tạng; Rối loạn đông máu; Hội chứng tiêu cơ vân cấp, viêm phổi do đuối nước và hít bùn đất, biến chứng ARDS.
Và điều khủng khiếp nhất sau 4 ngày điều trị, tình trạng của bé vẫn rất trầm trọng do ứ nước, hít phải quá nhiều bùn đất, có nguy cơ "ăn" thẳng vào phổi.
Suốt 4 ngày các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai rửa phổi, dịch vẫn ra đục ngầu bùn cát…
Hôm nay trung thu, các bác sĩ hàng đầu của Bạch Mai trong đó có cả TS Hashimoto, chuyên gia Hô hấp người Nhật nữa đang cùng hội chẩn quyết cứu bé khỏi Thần chết.
Cầu nguyện!
Gã nghe như hàng triệu đứa trẻ Việt Nam mình đang cầu nguyện:
"Ông Giăng ơi chúng con chấp nhận đêm nay ông đi vắng, không cần ông sáng tỏ đâu, đổi lại bạn Thảo Ng. của chúng con qua khỏi cơn nguy kịch rồi trở về Làng Nủ của bạn ấy".
Và, điều này mới đau đớn, không chỉ mình cháu Thảo bị như thế. Hôm qua ngành giáo dục đã thống kê sơ bộ, có 52 học sinh, trẻ em bị tử vong, 3 học sinh bị mất tích, 8 học sinh bị thương; 3 giáo viên tử vong, 1 giáo viên mất tích do bão và lũ số 3.
Và nhiều cháu bị thương đang điều trị nữa.
Và hàng ngàn học sinh vẫn chưa có trường học, huống gì trung thu.
Nhưng, người Việt Nam ta luôn có tấm lòng sẻ chia, luôn hướng về nỗi đau, luôn tràn đầy tình người...
Chỉ riêng giới nhà văn cả nước, bằng tình yêu thương vốn sẵn của mình đã có những việc làm rất thiết thực cho học sinh vùng bão lũ.
Hội Nhà Văn Việt Nam phát động trong hội viên và bạn đọc yêu văn chương cả nước, trong mấy ngày đã được hơn 700 triệu, và số tiền hy vọng sẽ tăng lên trong các ngày tới.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chủ tịch hội Nhà Văn VN thông báo: "Làng Nủ và Nguyên Bình sẽ là hai địa chỉ đặc biệt trong "Dự án sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu vùng xa" của Hội Nhà văn thực hiện từ năm 2021. Hội Nhà văn sẽ mang những cuốn sách chất lượng nhất cho các em từ nay về sau và tìm cách trợ giúp các em bằng nhiều hình thức khác sau này".
Trong khi đó, anh chị em ở hội Nhà Văn Tp.HCM cũng có những việc làm hết sức thiết thực. Hai mươi ngàn cuốn vở đã được quyên góp để chuyển ra ủng hộ các cháu học sinh ở Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn...
Sáng sớm hôm qua, nhà văn Tống Ngọc Hân đang sống ở Phú Thọ viết trên facebook: "Trong lúc kết nối với điểm nhận vùng lũ lụt, một chị bạn liền nói, Hân ơi, có ai cho gạo thì em xin cho các cháu một ít nhé. Anh bạn chị làm ở đoàn kinh tế quốc phòng quân khu 2 nhờ xin mấy tháng nay rồi nhưng chị đang đi mua nhu yếu phẩm cho bà con lũ lụt chưa xin được.
Người bạn chị Liễu nhắc là Trung tá Bùi Công Hoan, trưởng ban kỹ thuật Đoàn KT - QP 356. Đoàn 356 đứng trên 7 xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ, nơi có tỉ lệ hộ nghèo rất cao...
Là chỗ dựa cả về vật chất cũng như tinh thần cho bà con trong địa bàn, Đoàn 356 có trách nhiệm chủ động phối hợp với chính quyền các xã chăm lo cho đời sống của bà con nhân dân. Đặc biệt là chăm lo cho độ tuổi mầm non. Cho nên các anh ấy không xin gạo để chia cho đồng bào, mà là gửi đến các bếp ăn bán trú của các cơ sở mầm non. Hoạt động vận động xã hội hóa này được thống nhất giữa chính quyền sở tại và Đoàn 356, do ban dân vận của Đoàn triển khai thực hiện.
Trong cuộc trao đổi, trung tá Phong xin phép vận động các doanh nghiệp, tập thể, nhà hảo tâm ủng hộ cho hơn 300 cháu mầm non của xã biên giới Tung Qua Lìn. Mỗi tháng các cháu ăn ở trường 22 bữa trưa, tạm tính là 2,2kg gạo/ 1 cháu, nhân lên cho 300 cháu, mỗi tháng hết khoảng 6,5 tạ gạo.
Quy định mỗi cháu 160.000 - 180.000/ tháng, phụ thuộc vào lứa tuổi. Chia ra cho 22 bữa trưa ( lúc 11h) và 22 bữa phụ ( lúc 14h ) thì mỗi ngày, một cháu được 7.200 đến 8.100 đồng cho 2 bữa. Và cô giáo phải tự nấu cho các cháu ăn, chứ không có kinh phí thuê. Muốn bữa ăn của các cháu có chút thịt xay, có quả trứng hay miếng thịt gà thì hai bữa đó tối thiểu phải là 10.000 đồng. Như thế, nghĩa là thiếu hơn 2000 đồng, bằng đúng một lạng gạo.
Vì tương lai thế hệ mầm non nơi phên giậu Tổ Quốc, em chỉ mong muốn mọi người chung tay phối hợp với các đồng chí ở đoàn KTQP 356 và UBND xã Tung Qua Lìn hỗ trợ cho các cháu chút nào hay chút ấy".
Trong vòng một buổi sáng, đã nhận được hàng chục triệu đồng mua gạo cho các cháu, có cả những nhà văn sức khỏe rất yếu, bị tật bẩm sinh, nằm một chỗ cũng ủng hộ như nhà thơ Trần Hồng Giang, Viên Nguyệt Ái...
Rất nhiều các cháu có điều kiện trung thu nhưng năm nay cũng nhín bớt lại, ủng hộ các bạn vùng bão lũ. Chưa lúc nào, ở đâu, tinh thần lá lành đùm lá rách lại hiện rõ như lúc này. Và chúng ta trân trọng điều ấy, xúc động vì điều ấy.
Và hy vọng, những nỗi đau sẽ qua, cuộc sống sẽ trở lại như cũ. Và cũng hy vọng, sẽ có những quyết sách để chúng ta, "đất nước bên bờ sóng" ấy, sống chung, sống an toàn bình an với bão lũ.
Và nếu bão lũ xảy ra, bên cạnh sự tương trợ đồng bào như vẫn, chúng ta có cách để giảm thấp nhất thiệt hại và không lúng túng trong việc cứu trợ cứu nạn.
Để những trung thu mãi tròn.
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hom-qua-trung-thu-204240917152625812.htm