Để Hà Nội không còn ai bị chết oan vì cháy
Hơn nửa năm kể từ khi Hà Nội tổng rà soát toàn thành phố sau vụ cháy chung cư mini làm 56 người tử vong, hỏa hoạn thương tâm lại xảy ra tại cơ sở thuê trọ.
Tháng 9/2023, cả nước rúng động trước thông tin 56 người tử vong trong vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội. UBND TP Hà Nội sau đó yêu cầu tổng kiểm tra chung cư mini, nhà trọ trên địa bàn.
Đến ngày 24/5, vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính xảy ra, làm 14 người tử vong. Câu hỏi về việc giám sát cũng như thực hiện thực hiện chỉ đạo của thành phố được đặt ra.
Vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính khiến 16 người tử vong. Ảnh: VietNamNet.
Hồi tháng 9/2023, cả nước rúng động khi hỏa hoạn ở chung cư mini ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân làm 56 người chết, 37 người bị thương. Theo giấy phép được UBND quận Thanh Xuân cấp năm 2015, đây là công trình nhà ở riêng lẻ, cao 6 tầng, diện tích xây dựng tầng 1 là 167,4 m², trên thửa đất 240m².
Tuy nhiên, thực tế tòa nhà này cao 9 tầng, diện tích xây dựng tầng 1 khoảng 200 m². Sau khi đưa vào sử dụng, tòa nhà này trở thành chung cư mini với 45 căn hộ, khoảng 150 người dân sinh sống.
Quá trình điều tra cùng với việc xác định nguyên nhân vụ cháy do chập mạch điện ở xe tay ga, cơ quan chức năng xác định chủ chung cư mini và nhiều cán bộ sở tại có trách nhiệm liên quan nên áp dụng biện pháp xử lý.
Sau sự cố cháy nổ thương tâm nhất từ trước đến nay, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện tổng kiểm tra, rà soát tất cả cơ sở nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trên địa bàn, đặc biệt là chung cư mini; hướng dẫn chủ hộ gia đình, chủ cơ sở khắc phục ngay các tồn tại vi phạm về phòng cháy chữa cháy.
Cổng vào ngôi nhà trước khi xảy ra hỏa hoạn.
Tại Cầu Giấy, Chủ tịch quận này là ông Bùi Tuấn Anh cũng ký quyết định thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành để tổng kiểm tra, rà soát. Quận Cầu Giấy cũng chỉ đạo UBND các phường báo cáo danh sách nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini), nhà trọ, nhà cho thuê để rà soát phương châm: "Vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng việc, không để sót lọt đối tượng".
Tưởng rằng, với hàng loạt chỉ đạo của thành phố cùng sự yêu cầu vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Hà Nội sẽ ngăn được những vụ cháy thảm khốc. Tuy nhiên, 8 tháng sau hỏa hoạn ở Khương Hạ, vụ cháy ngày 24/5 tại ngõ 119 Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, lại khiến nhiều người giật mình. 14 người đã tử vong, 6 người khác bị thương khi hỏa hoạn xảy ra ở khu nhà trọ cao 3 tầng, ở giữa là khoảng sân để phương tiện và sửa chữa xe điện của gia đình chủ nhà.
Khoảng sân để khoảng 20-30 chiếc xe máy, xe đạp điện cùng nhiều đồ đạc khác đã chặn lối thoát hiểm duy nhất của những người sống trong khu trọ, gây khó khăn cho việc dập lửa và cứu nạn.
Theo chính quyền sở tại đợt kiểm tra cách đây 2 tháng, UBND phường đã đưa cơ sở sửa chữa xe máy, xe đạp điện vào diện có nguy cơ cao xảy ra cháy nổ do không đáp ứng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, trong khi lại kết hợp với dịch vụ kinh doanh cho thuê nhà trọ với số lượng lên đến 13 phòng. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nào hay không thì không được đề cập.
Hiện trường vụ cháy tại Trung Kính. Ảnh: VietNamNet.
Giống hồi xảy ra vụ cháy ở Khương Hạ, lãnh đạo Hà Nội đã yêu cầu tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà trọ trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao UBND quận Cầu Giấy chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với UBND các phường trên địa bàn tổ chức rà soát đối với cơ sở nhà trọ đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Dứt khoát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong quá trình kiểm tra đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm, kỹ năng xử lý tình huống chữa cháy ban đầu cho người dân.
UBND các quận, huyện, thị xã cũng được yêu cầu thành lập các tổ công tác để tổ chức rà soát, kiểm tra 100% cơ sở nhà trọ trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 15/6, báo cáo kết quả thành phố.
Tuy nhiên, kỳ vọng của người dân về hiệu quả thực hiện các chỉ đạo không giống như hồi tháng 9/2023. Dư luận mong muốn cơ quan chức năng sau các đợt tổng rà soát, cần duy trì kiểm tra, giám sát. Việc tuyên truyền, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm về PCCC cần liên tục, để hình thành phản xạ về bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người.
Lực lượng chức năng quận Cầu Giấy tổng rà soát, kiểm tra các nhà trọ trên địa bàn. Ảnh: Báo nhân dân.
Theo số liệu từ Bộ công an, quá nửa trong số gần 178.200 lượt cơ sở nhà trọ và nhà ở nhiều căn hộ vi phạm về trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy, điện lực. Khả năng xảy ra cháy đối với đối tượng là nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp kinh doanh hiện hữu là rất cao, có thể xảy ra bất kể khi nào, nhất là nhà ở tại các thành phố lớn có khu nhà trọ, nhà cho người lao động, cho học sinh, sinh viên thuê.
Khi nhu cầu thuê nhà tại các thành phố vẫn quá lớn, còn việc chấp hành quy định về PCCC không được thực hiện đầy đủ, người dân đang phải đối mặt với rủi ro mỗi ngày.
Việc rút kinh nghiệm và xử lý cán bộ sai phạm không giúp khắc phục hậu quả những vụ cháy thương tâm. Để hạn chế các vụ việc đau lòng như thời gian quan, chỉ đạo của thành phố về quản lý xây dựng, cấp phép kinh doanh, kiểm tra, tuyên truyền và xử lý vi phạm về PCCC cần được thực hiện quyết liệt một cách liên tục.
Nếu chỉ đạo của thành phố từ vụ cháy lần trước ở Thanh Xuân được thực thi nghiêm túc, có thể không xảy ra vụ cháy khiến 14 người chết tại Trung Kính vừa qua. Hy vọng lần này Hà Nội đã có thêm kinh nghiệm trong việc giám sát, nghiệm thu việc thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, để không ai phải chết oan vì những vụ cháy như trên!