Để Hà Nội trở thành cứ điểm mới trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu

Hà Nội có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển, thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, để trở thành một cứ điểm, một mắt xích mới trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đòi hỏi TP phải có chính sách đặc thù, linh hoạt trong bối cảnh mới.

Chưa khai thác hết lợi thế, tiềm năng

Ngành bán dẫn được coi là “xương sống” của kỷ nguyên công nghệ mới. Trong hơn 30 năm qua, chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã định hình. Bước chân vào chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành công nghiệp bán dẫn là cơ hội để Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng bước vào một kỷ nguyên mới, phát triển hoặc tiếp nhận chuyên môn công nghệ tiên tiến nhất của loài người.

Trên thực tế, Hà Nội luôn là địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã rót vốn vào đầu tư vào thành phố. Hiện, trên địa bàn thành phố có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, đã và đang thu hút trên 700 dự án đầu tư với 302 dự án FDI, số vốn đăng ký khoảng 6,7 tỷ USD. Các nước có số dự án đầu tư lớn vào Hà Nội là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu và Mỹ... Dự án tập trung vào các lĩnh vực như kinh doanh bất động sản; công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng; dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống; y tế và giáo dục...

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn.

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn.

Đồng thời, với đặc thù và vị thế của Thủ đô, Hà Nội là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế. Do đó, Hà Nội hội tụ nhiều yếu tố để có trở thành mẫu hình tiêu biểu của cả nước về thí điểm mô hình tổ chức, quản lý và cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá cho thu hút đầu tư vào công nghệ cao, công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, kết quả đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ của TP còn hạn chế. Việc thu hút các dự án FDI có sử dụng đất gặp nhiều khó khăn do thủ tục chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án kéo dài. Quỹ đất sạch, nhà xưởng đáp ứng điều kiện cho thu hút đầu tư mới, mở rộng nhà máy rất hạn chế. Quy mô vốn đầu tư, dự án có xu hướng giảm xuống. Mức vốn thực hiện chỉ chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngoài ra, việc xây dựng và thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư của thành phố tại nước ngoài gặp khó khăn.

Hiện nay, các chính sách ưu đãi đầu tư của Hà Nội về cơ bản đã bám sát tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, liên tục hoàn thiện, góp phần quan trọng trong khuyến khích đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, giải pháp và chính sách ưu đãi đầu tư của Hà Nội chưa tương thích với bối cảnh mới. Cụ thể, chính sách chưa đa dạng, chỉ phụ thuộc vào các hình thức ưu đãi dựa trên thu nhập (miễn, giảm thuế); ưu đãi về tiền thuê đất, hầu như chưa có các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí, do đó đang giảm dần tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư và chưa khuyến khích các hoạt động đầu tư lâu dài; chưa bắt kịp với các chính sách tiên tiến, thông lệ quốc tế; chưa phù hợp với yêu cầu trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, đặc biệt với việc ra đời của chính sách thuế.

Trong khi, pháp luật về ngân sách chưa có quy định về chi ngân sách cho các hình thức hỗ trợ đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư nên chính sách trên chưa áp dụng được trên thực tế.

Điều này dẫn đến tình trạng nhiều tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại các địa phương ở Việt Nam trong đó có Hà Nội, nhưng do pháp luật chưa có quy định cụ thể về hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước nên họ đã chuyển sang quốc gia khác.

Cần thể chế, chính sách đặc thù, linh hoạt

Thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường và khó dự báo. Đại dịch Covid-19, khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự, thiên tai, biến đổi khí hậu, lạm phát diện rộng ở nhiều nền kinh tế lớn... đang làm thay đổi cục diện thương mại và kinh tế thế giới.

Để trở thành một cứ điểm mới trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đòi hỏi Hà Nội phải có chính sách đặc thù, linh hoạt.

Để trở thành một cứ điểm mới trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đòi hỏi Hà Nội phải có chính sách đặc thù, linh hoạt.

Hạ thuế suất đã trở thành công cụ của các quốc gia trong cuộc cạnh tranh thu hút và giữ chân doanh nghiệp. Nhiều quốc gia tham gia vào “cuộc đua xuống đáy” nhằm giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp về mức thấp nhất để thu hút đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, các nước cũng thiết kế chính sách riêng để theo kịp xu thế trên, như: ưu đãi đầu tư đa dạng; áp dụng song song cả ưu đãi về thu nhập (miễn, giảm thuế) và ưu đãi về chi phí để kết hợp hiệu quả, tạo sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Với chính sách ưu đãi linh hoạt, nhiều nước đã thu hút được các dự án có quy mô rất lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tham gia nhiều tổ chức quốc tế và khu vực, ký kết các hiệp định song phương và đa phương, do vậy, việc thực hiện chính sách cải cách thuế toàn cầu là không tránh khỏi.

Để Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng có thể trở thành cứ điểm, mắt xích mới trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, giải pháp quan trọng đầu tiên đó là phải xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Đặc biệt, Việt Nam cần có thể chế, chính sách đặc thù để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn. Các hướng chính sách đặc thù bao gồm: cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động R&D trong công nghiệp vi mạch bán dẫn, trong đó xem xét quy định về tỷ lệ hợp lý phân bổ từ tổng chi ngân sách hàng năm để thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ về bán dẫn.

Song song với đó, cần có chính sách đặc thù, vượt trội về ưu đãi về thuế, đất đai, hỗ trợ tài chính. Thiết lập cơ chế một cửa quốc gia để hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục hành chính, đầu tư và các vấn đề liên quan khác tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn. Thiết lập cơ chế làn xanh cho các doanh nghiệp trong nước xuất, nhập khẩu hàng hóa, linh kiện trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trên địa bàn Thủ đô.

Mặt khác, cần thúc đẩy tầm nhìn chung về phát triển hệ sinh thái vi mạch bán dẫn Thủ đô và thiết lập mạng lưới. Một hệ sinh thái bán dẫn cơ bản bao gồm: quy mô thị trường; các khách hàng chủ yếu trong hiện tại và tiềm năng; có sẵn các nhà cung cấp và cạnh tranh về chi phí của nguyên vật liệu, các loại chất bán dẫn, khí ga và các chất hóa học chuyên dụng. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn, phát triển năng lực bán dẫn nội địa và hạ tầng cho ngành bán dẫn trên địa bàn Thủ đô.

Với tầm nhìn xa về chiến lược, chính phủ cần nắm bắt các xu thế mới, thông qua quy hoạch các không gian phát triển, cơ sở hạ tầng mới phù hợp với tiêu chuẩn cao trong sản xuất bán dẫn.

TS. Hà Huy Ngọc - Viện Kinh tế Việt Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-ha-noi-tro-thanh-cu-diem-moi-trong-nganh-cong-nghiep-ban-dan-toan-cau.html