Khởi sắc Mường Mìn

Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, xã Mường Mìn (Quan Sơn) đã có nhiều khởi sắc trong phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Đây là tiền đề để địa phương phấn đấu đạt chuẩn xã NTM vào cuối năm 2024.

Một góc bản Luốc Làu, xã Mường Mìn.

Một góc bản Luốc Làu, xã Mường Mìn.

Về Mường Mìn chúng ta thấy rõ sự đổi thay của một xã vùng cao. Dọc hai bên Quốc lộ 217 là những thửa ruộng vừa mới được bà con thu hoạch, rơm rạ còn vàng óng. Thỉnh thoảng lại bắt gặp những nhóm người ngồi vót nan, bốc luồng lên xe.

Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Bá Lập hồ hởi, cho biết: "So với mặt bằng chung của huyện Quan Sơn, Mường Mìn là địa phương còn nhiều khó khăn bởi nằm cách xa trung tâm, hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, dân cư thưa thớt, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp. Song, nhờ sự nỗ lực trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, nhận thức của bà con được nâng lên, kinh tế - xã hội đang có những chuyển biến rõ rệt".

Theo ông Lập, Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM đã khuyến khích bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển từ tư duy sản xuất độc canh cây lúa bản địa sang trồng các loại giống lúa mới cho năng suất cao. Với tổng diện tích đất nông nghiệp là 221,67ha, trong đó diện tích lúa nước hơn 86ha. Năm 2021 bà con cấy giống lúa Nhật Bản (J02), sau hơn 3 năm gieo cấy, giống lúa này được đánh giá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cho năng suất, chất lượng và chất lượng cao hơn so với các giống lúa truyền thống tại địa phương.

“Hiện trên địa bàn xã đã trồng được hơn 5ha giống lúa Nhật Bản J02, tập trung chủ yếu ở bản Mìn, với hơn 80% hộ dân trồng; năng suất bình quân đạt hơn 50 tạ/ha. Mường Mìn đang phát triển giống lúa này trở thành sản phẩm thế mạnh của xã, làm hồ sơ gắn sao OCOP với tên gọi Gạo sạch suối Yên”, ông Lập chia sẻ.

Bên cạnh cây lúa thì lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương. Mường Mìn có diện tích rừng lớn, tỷ lệ che phủ rừng đạt 94,78%. Kinh tế của người dân nơi đây chủ yếu từ rừng với sản phẩm đặc trưng là cây nứa, vầu, luồng. Trên địa bàn xã có 6 doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ lâm sản cho bà con. Ngoài phát triển kinh tế rừng, bà con còn xây dựng các mô hình trang trại chăn nuôi dưới tán rừng.

Song song với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, Mường Mìn cũng là địa phương thuận lợi về giao thương khi có các tuyến Quốc lộ 217, Quốc lộ 16, đường hành lang nối các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa chạy qua, lại gần Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, giúp thúc đẩy giao lưu, buôn bán, huy động các nguồn lực cho sự phát triển của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Bá Lập cho biết, hưởng ứng phong trào XDNTM, các thành viên ban chỉ đạo XDNTM xã đã cùng với các tổ chức đoàn thể trực tiếp hướng dẫn Nhân dân thực hiện tốt các phong trào như: “Mỗi hộ dân một vườn rau an toàn”, “Trồng hoa, tường rào xanh”, “Di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư", “Thắp sáng đường quê”... Đến nay, hạ tầng địa phương đã có nhiều thay đổi, với 5/5 bản tự xây dựng hệ thống đèn điện chiếu sáng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa; tu sửa, làm mới trên 2,5km đường giao thông nội bản, liên bản; phát quang hơn 10km tuyến đường giao thông. Cả 5 bản của xã Mường Mìn đã được công nhận bản NTM, trong đó có 1 bản NTM kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng triển khai tích cực; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo... Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 31,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 33,44%.

"Là xã vùng cao khó khăn nên trình độ, sự hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn nhiều hạn chế. Đảng bộ, chính quyền xã luôn xác định, mấu chốt để Mường Mìn khởi sắc chính là chuyển biến về nếp nghĩ, cách làm của bà con. Do đó, xã đã tăng cường tuyên truyền, “cầm tay chỉ việc” giúp người dân thay đổi tập quán canh tác lạc hậu. Đồng thời, phát huy vai trò nêu gương trong cán bộ, đảng viên để bà con học tập và làm theo", ông Lập nói.

Bài và ảnh: Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/khoi-sac-muong-min-33464.htm