Để Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu

Chương trình 06-CTr/TU về 'phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025' là một trong 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII. Sau gần 5 năm, các tiêu chí đề ra đã được hoàn thành một cách ấn tượng. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của cộng đồng doanh nghiệp, văn nghệ sĩ, nghệ nhân và quần chúng nhân dân.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Đến nay, Chương trình 06-CTr/TU về “phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đã hoàn thành 18/18 chỉ tiêu hằng năm. Trong đó 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Thành phố Hà Nội triển khai hiệu quả các mô hình văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tạo môi trường văn hóa trong cộng đồng, cơ quan, trường học.

Phóng viên Tạp chí Văn hóa và Phát triển đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về ý nghĩa và tác động của chương trình đến sự phát triển văn hóa Thủ đô.

PV: Thưa PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Chương trình 06-CTr/TU về “phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” là một trong 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII. Sau 5 năm triển khai, các tiêu chí đề ra đã được hoàn thành một cách ấn tượng. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả mà chương trình này mang lại?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi cho rằng, Chương trình 06-CTr/TU như một luồng gió mới thổi vào đời sống văn hóa - xã hội của Thủ đô, không chỉ hiện diện trên những con số, chỉ tiêu hoàn thành, mà còn lặng lẽ chuyển hóa sâu sắc trong nếp nghĩ, cách sống và khát vọng của người Hà Nội hôm nay. Sau 5 năm triển khai, chúng ta không khó để cảm nhận được những bước chuyển tích cực, từ những không gian văn hóa, công trình nghệ thuật công cộng xuất hiện ngày một nhiều hơn, đến những đổi thay trong cách ứng xử nơi công sở, học đường hay giữa chốn đô thị đông đúc.

Hiệu quả của chương trình không chỉ nằm trong báo cáo tổng kết, mà ở chính sự "gần gũi hóa" của các giá trị văn hóa, để mỗi người dân Thủ đô - từ người bán hàng rong đến những bạn trẻ khởi nghiệp - đều có thể thấy mình trong đó. Văn hóa không còn là điều gì xa vời, mà trở thành nền tảng tinh thần, là cái gốc để xây nên sự thanh lịch, văn minh trong từng hành vi, lời nói.

Điều đáng quý nhất chính là việc Hà Nội đã biết “đánh thức” nguồn lực con người, khơi dậy nội lực của cộng đồng để cùng chung tay vun đắp cho giá trị văn hóa Thủ đô. Tôi nhận thấy, từ những lớp tập huấn đạo đức công vụ cho cán bộ, đến các chương trình giáo dục nếp sống văn minh cho học sinh - sinh viên, hay việc phát triển không gian sáng tạo, khởi nghiệp cho giới trẻ - tất cả đều góp phần hình thành một diện mạo mới cho Hà Nội: hiện đại mà vẫn đậm đà cốt cách văn hóa Thủ đô.

Hà Nội hôm nay là một thành phố không chỉ phát triển về kinh tế - hạ tầng, mà còn là nơi văn hóa được “sống dậy”, lan tỏa, làm mềm những góc cạnh xô bồ của đô thị hóa. Những nếp sống thanh lịch dần được gìn giữ và khôi phục, không áp đặt, không giáo điều, mà được gieo mầm một cách tinh tế trong từng cộng đồng cư dân.

Chương trình 06 không chỉ là một kế hoạch hành động, mà đã trở thành một hành trình xây dựng bản sắc - một cuộc trở về đầy kiêu hãnh với những giá trị tốt đẹp của người Hà Nội. Đó là hiệu quả lớn nhất, sâu xa nhất: Làm cho văn hóa trở lại vị thế trung tâm trong phát triển con người và xã hội - như chính kỳ vọng mà Thủ đô đặt ra từ những ngày đầu của nhiệm kỳ.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 đã thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 đã thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

PV: Với tiềm năng di sản phong phú, nền nghệ thuật đa dạng và nguồn nhân lực dồi dào, theo ông, Hà Nội cần làm gì để tiếp tục lan tỏa giá trị của mình - một đô thị vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc, xứng tầm là một thành phố toàn cầu?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi nghĩ, muốn Hà Nội trở thành một thành phố toàn cầu đúng nghĩa, điều quan trọng trước tiên không phải là những tòa cao ốc vươn cao đến đâu, mà là bản sắc của thành phố ấy thấm sâu đến mức nào trong đời sống người dân và sức lan tỏa của nó ra thế giới mạnh mẽ ra sao. Hà Nội đang có tất cả những điều kiện cần: một kho tàng di sản trầm tích qua ngàn năm, một nền nghệ thuật sống động và đầy nội lực, cùng một lực lượng nhân lực sáng tạo trẻ trung, bản lĩnh hay một thương hiệu trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Vấn đề còn lại là làm thế nào để đánh thức và kết nối những tiềm năng ấy thành sức mạnh mềm có tầm vóc toàn cầu.

Hà Nội cần đặt văn hóa vào vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển đô thị. Chúng ta không thể để di sản chỉ là thứ để tham quan, ngắm nhìn, mà phải khiến nó “sống” lại và hấp dẫn hơn - trong đời sống cộng đồng, trong giáo dục, trong sáng tạo nghệ thuật, và cả trong du lịch thông minh. Khi một di tích không chỉ là nơi lưu giữ quá khứ mà còn trở thành không gian của hiện tại - nơi người trẻ biểu diễn âm nhạc, nghệ sĩ kể chuyện bằng công nghệ thực tế ảo, và du khách được tương tác sống động với lịch sử - thì lúc đó, di sản mới thật sự lan tỏa.

Cùng với đó, nghệ thuật phải được thở bằng nhịp đập đương đại. Hà Nội cần những chính sách mạnh mẽ để hỗ trợ các không gian sáng tạo, nuôi dưỡng các nghệ sĩ trẻ, đưa nghệ thuật vào trường học và vào đời sống hằng ngày. Một thành phố toàn cầu không thể thiếu sự góp mặt của những biểu tượng nghệ thuật - những dấu ấn văn hóa mới do chính thế hệ hôm nay tạo nên. Hà Nội cần khuyến khích cái mới, cái táo bạo, dám thử nghiệm - bởi chỉ khi nghệ thuật được tự do phát triển, bản sắc mới có cơ hội biến hình, lan xa mà không mất gốc.

Điều cốt lõi vẫn là con người. Hà Nội cần một thế hệ công dân toàn cầu có căn cước văn hóa mạnh mẽ - những người trẻ hiểu và tự hào về văn hóa mình, đồng thời có đủ kỹ năng, tư duy và cảm hứng để kể câu chuyện Hà Nội bằng ngôn ngữ của thế giới. Việc đầu tư cho giáo dục văn hóa, ngoại ngữ, kỹ năng số và tinh thần sáng tạo chính là cách để Hà Nội vươn mình ra biển lớn mà không đánh mất cái hồn ngàn năm.

Một đô thị toàn cầu không chỉ được đo bằng bản đồ kinh tế hay vị trí địa lý, mà bằng chiều sâu của văn hóa, bằng sự giao thoa tinh tế giữa cái xưa cũ và hơi thở đương đại. Tôi tin, Hà Nội có đủ tiềm lực để trở thành một hình mẫu của sự hòa quyện ấy - nếu biết nhìn văn hóa như nền móng, và con người như chủ thể trung tâm của mọi sự phát triển. Khi ấy, Hà Nội không chỉ giữ được vẻ đẹp “rất riêng”, mà còn trở thành nguồn cảm hứng chung cho cả thế giới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phụng Thiên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/de-ha-noi-tro-thanh-thanh-pho-ket-noi-toan-cau-a28177.html