Để hàng không Việt Nam lấy lại vị thế trên bầu trời

Sau những thiệt hại lớn mà đại dịch COVID-19 gây ra, hàng không Việt Nam đang dần phục hồi với những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên sự phục hồi ở các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng không là chưa đồng đều và còn những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Hàng không Việt Nam dần phục hồi sau “phép thử COVID-19”

Báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho thấy, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới trong năm 2022. Ngay từ tháng 4/2022, thị trường vận chuyển hàng không quốc nội đã ở mức tương đương cùng kỳ năm 2019.

Với 69 đường bay nội địa đã được các hãng hàng không tái khai thác, mở mới và tăng tần suất; cùng với sự bùng nổ nhu cầu di chuyển trong giai đoạn cao điểm hè, sản lượng khách nội địa đã hồi phục hoàn toàn và tăng trưởng 40 - 42% so với cùng kỳ năm 2019 trong các tháng 6 - 8/2022.

 Sản lượng vận tải hành khách ngành hàng không đang ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ. Ảnh: Kỳ Hoa.

Sản lượng vận tải hành khách ngành hàng không đang ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ. Ảnh: Kỳ Hoa.

Ở thị trường quốc tế, các hãng hàng không đã khôi phục 118 đường bay, kết nối từ 9 sân bay Việt Nam đến 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, vận chuyển 11 triệu lượt khách quốc tế.

Bên cạnh tăng cường công suất, các hãng hàng không cũng nhanh chóng đón đầu thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không cũng như xây dựng các dòng sản phẩm mới, hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu hành khách. Nhờ những nỗ lực này, các hãng bay Việt đã ghi nhận doanh thu liên tục đạt mức cao kỷ lục thời gian qua.

Trong năm 2022, hãng hàng không Vietjet đã vận chuyển 20,5 triệu lượt khách với trên 116 ngàn chuyến bay. Quý IV/2022, Vietjet ghi nhận doanh thu thuần 7.352 tỷ đồng (Công ty mẹ), tăng 175% so với quý IV/2021, lợi nhuận đạt 902 tỷ đồng.

Thông tin từ ông Uông Việt Dũng - Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, sản lượng vận tải tăng trưởng ấn tượng là một trong những điểm nổi bật của ngành GTVT trong quý I/2023. Lũy kế 3 tháng vận tải hành khách ước đạt 1.115 triệu lượt khách, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trong quý I/2023 đạt 27,5 triệu khách tương ứng với mức tăng 71,6% so với cùng kỳ 2022. Lượng khách Quốc tế đạt 7,02 triệu khách và khách nội địa đạt 20,5 triệu khách.

Vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam đã đạt 13,5 triệu khách; tăng 69% so với cùng kỳ 2022 với khách nội địa đạt 10,2 triệu khách và khách quốc tế đạt 3,3 triệu khách.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết, với việc các chính sách hạn chế do ảnh hưởng của dịch COVID-19 được gỡ bỏ và việc chủ động tích cực trao đổi, đàm phán với các nhà chức trách hàng không các nước đã góp phần làm cho thị trường vận chuyển hàng không quốc tế Việt Nam đang dần hồi phục.

Hơn 77 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel với trên 170 đường bay đã kết nối 31 quốc gia, vùng lãnh thổ.

“Trong điều kiện các đường bay đi/đến Nga đang tạm dừng, các hãng hàng không đã triển khai các thị trường mới giữa Việt Nam và Kazakhstan (Vietjet Air khai thác đường bay Almaty - Cam Ranh), Uzbekistan (Uzbekistan Airways khai thác đường bay Tashkent - Phú Quốc/Cam Ranh), Turkmenistan (Turmenistan Airlines khai thác đường bay Turkmenabat/Ashgabat - Hà Nội.

Thị trường hàng không Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch COVID-19. Quý I/2023, dù là thời điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán với sự gia tăng nhu cầu đi lại của người dân; các chỉ số an toàn vẫn được duy trì tốt...”, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết thêm.

Tháo gỡ vướng mắc, lấy lại vị thế trên bầu trời

Tuy nhiên giữa bức tranh khởi sắc chung của toàn ngành, nhiều ý kiến cho rằng sự phục hồi ở các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng không là chưa đồng đều. Đặc biệt khi các hãng bay vẫn phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi mới nảy sinh.

Giá nhiên liệu bay (Jet A1) liên tục tăng vọt trong năm 2022, có thời điểm đạt mức trên 160 USD/thùng. Bình quân cả năm 2022, giá nhiên liệu bay đạt 130 USD/thùng, tăng khoảng 80% so với mức trung bình của năm 2021. Trong giai đoạn trước mắt, giá Jet A1 vẫn được dự báo dao động ở mức 110 - 130USD/thùng gây bất lợi lớn cho các hãng hàng không, trong bối cảnh chi phí nhiên liệu chiếm tới hơn 40% tổng chi phí khai thác.

Ngoài ra, USD tăng giá khoảng 9% so với VND trong năm 2022 cũng gây áp lực tài chính lớn cho các hãng bay, khi đây là đồng ngoại tệ được sử dụng phổ biến nhất để thanh toán các chi phí hoạt động, như: phí mua nhiên liệu, thuê mua tàu bay, dịch vụ thuê ngoài phục vụ hành khách,...

 Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện để hàng không Việt Nam lấy lại vị thế. Ảnh minh họa.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện để hàng không Việt Nam lấy lại vị thế. Ảnh minh họa.

Theo Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Ngọc Thành, đến tháng 12/2022, bay quốc tế mới bằng 50% thời điểm trước dịch. Thị trường quốc tế chiếm 40% lượng khách nhưng lại đem về 60% doanh thu. Thế nên, nói hàng không phục hồi chưa hẳn đúng.

Các hãng bay nội địa bị áp thêm thuế nhập khẩu xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường, thuế nhà thầu, dẫn tới đầu vào cao hơn mặt bằng giá quốc tế. Chính sách giá vé quốc tế tự do nhưng nội địa lại bị kiểm soát nên hiệu quả bay quốc tế đang tốt hơn nội địa.

Đánh giá của IATA cho thấy, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tốc độ phục hồi hàng không chậm nhất, dự kiến lạc quan phải đến cuối năm 2024 mới trở về trạng thái trước dịch.

Liên quan đến những yếu tố ảnh hưởng đến ngành hàng không nói chung, TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, tình hình thế giới rất bất định và khó dự báo trước, không thể tác động mà chỉ có thể theo dõi.

Những biến động cũng kéo theo giá dầu bất ổn, không dự báo được xu hướng tăng hay giảm. Bối cảnh này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các hãng hàng không, đặc biệt là khi các hãng bay đang phải kết nối với nhiều đối tác quốc tế.

Để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các hãng bay, Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân cho rằng, nâng cao cạnh tranh điểm đến, hỗ trợ ngành du lịch thông qua chính sách visa; bỏ giá trần trong dài hạn và điều chỉnh giá trần trong ngắn hạn là những giải pháp.

Xem xét về yếu tố quyền lợi của người tiêu dùng, lãnh đạo Bamboo Airways khẳng định, việc bỏ hoặc nâng giá trần không ảnh hưởng vì các hãng có cơ hội xây dựng đa dạng chính sách giá. Các hãng không thể bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng trong quá trình xây dựng, cung ứng sản phẩm.

Việt Nam có 90 triệu dân, nhu cầu di chuyển trong và ngoài nước đều lớn, đầy đủ điều kiện để các hãng bay Việt Nam trở thành thế lực trong khu vực. Để làm được điều này, cần đảm bảo cơ chế bình đẳng, minh bạch để các hãng phát triển. Đồng thời đảm bảo quyền lợi của người dân, được tiếp cận giá dịch vụ chấp nhận được.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-hang-khong-viet-nam-lay-lai-vi-the-tren-bau-troi-post244296.html