Để Hậu Lộc đạt chuẩn huyện nông thôn mới
Cùng các đồng chí lãnh đạo UBND xã Phú Lộc - xã điển hình của huyện Hậu Lộc trong thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất quy mô lớn đi thăm những mô hình sản xuất nông nghiệp, chúng tôi được chứng kiến và nghe những câu chuyện xây dựng nông thôn mới (XDNTM) kiểu mẫu gắn với phát triển sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân ở vùng quê này.
Mô hình trồng rau cải bó xôi của nông dân xã Phú Lộc cho hiệu quả kinh tế cao.
Chủ tịch UBND xã Phú Lộc Đoàn Văn Nga cho biết: Phú Lộc có 430 ha đất sản xuất nông nghiệp. Quá trình dồn điền, đổi thửa đã tạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển đổi đất lúa màu và một số diện tích đất 2 lúa sang sản xuất cây hàng hóa với tổng diện tích hơn 200 ha. Đồng thời, việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp đã làm giảm lao động trực tiếp sản xuất trong nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động công nghiệp và dịch vụ, tạo ra sự phân công lao động hợp lý ở địa phương. Mỗi năm, xã chuyển được từ 5 - 7% lao động nông nghiệp sang làm công nghiệp, dịch vụ. Những thay đổi trong sản xuất nông nghiệp đã đưa tổng giá trị năm 2020 ước đạt bình quân 195 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, có gần 200 ha sản xuất cây hàng hóa tập trung cho thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm. Các sản phẩm hàng hóa được nhập cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân.
Từ những kết quả đạt được, năm 2021, xã tiếp tục thực hiện tích tụ đất đai, xây dựng mô hình sản xuất cây hàng hóa, chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp sang mô hình sản xuất, chăn nuôi, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm. Từ đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị hiệu quả trên đơn vị diện tích canh tác.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM, cấp ủy, chính quyền huyện Hậu Lộc đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động mọi nguồn lực, phấn đấu đến năm 2022 đạt huyện chuẩn NTM. Do làm tốt công tác tuyên truyền, cán bộ và Nhân dân trên địa bàn nhận thức rõ cơ chế vận hành của chương trình XDNTM là “dân làm, dân hưởng thụ, lấy sức dân để lo cho dân”. Các cấp ủy đảng, chính quyền đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn chỉ đạo và hỗ trợ triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, ban chỉ đạo XDNTM huyện luôn sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, động viên các xã chủ động khắc phục khó khăn, huy động mọi nguồn lực XDNTM. Cùng với cơ chế hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, của huyện, tạo điều kiện cho các xã khắc phục khó khăn, thực hiện có hiệu quả chương trình XDNTM gắn với triển khai thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Huyện Hậu Lộc đã cơ cấu lại ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm, xác định các lĩnh vực mũi nhọn, các sản phẩm chủ lực, có lợi thế và tiềm năng phát triển nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Trong XDNTM, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân luôn được huyện Hậu Lộc xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Nổi bật là giai đoạn từ 2011-2020, huyện đã tập trung chỉ đạo áp dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa trong nông nghiệp. Huyện có 737 máy làm đất các loại, 115 máy gặt đập liên hợp, 34 máy gieo hạt và máy cấy,... đang phát huy hiệu quả trong sản xuất. Toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 1.500 ha đất kém hiệu quả sang trồng, chăn nuôi các loại cây, con có giá trị kinh tế cao. Mở rộng diện tích cây có giá trị kinh tế cao như ớt xuất khẩu, ngô ngọt, dưa các loại, khoai tây, cải bó xôi... với diện tích gần 1.450 ha. Phát triển được các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ cho 1.430 ha cây trồng hàng hóa cho giá trị kinh tế cao. Liên kết với doanh nghiệp ký hợp đồng theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm. Giá trị các loại cây trồng theo chuỗi liên kết sản xuất đạt bình quân cả năm từ 300 đến 500 triệu đồng/ha. Cá biệt có diện tích đất chuyên màu cơ cấu 4 vụ/năm cho thu nhập từ 800 đến 900 triệu đồng/ha.
Toàn huyện đã phát triển được 395 trang trại và gia trại, trong đó có 105 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, nổi bật là có 76 trang trại gà và lợn đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Nhìn chung, các mô hình trang trại sau khi chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 10 lần so với trồng lúa.
Đến nay, huyện Hậu Lộc đã hoàn thành 388 tiêu chí (tăng 16 tiêu chí so với năm 2019), bình quân đạt 18,5 tiêu chí/xã, cao hơn bình quân chung của tỉnh 1 tiêu chí/xã. Toàn huyện sau khi sáp nhập còn 21 xã thuộc diện XDNTM. Hậu Lộc đã có 15 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 82 thôn đạt chuẩn NTM và 4 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hiện tại huyện Hậu Lộc đang đề nghị Hội đồng thẩm định NTM tỉnh thẩm định, trình UBND tỉnh công nhận 1 xã đạt NTM kiểu mẫu (Phú Lộc) và 2 xã đạt NTM nâng cao, 3 xã NTM.
Để phấn đấu đến hết năm 2021 Hậu Lộc có 21/21 xã đạt chuẩn NTM; năm 2022, huyện đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 xã đạt NTM nâng cao, 2 xã đạt NTM kiểu mẫu, huyện đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó huy động các nguồn lực, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu. Ngay từ những ngày đầu năm 2021, toàn huyện đã tập trung dồn lực để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các nghị quyết chuyên đề, nhằm cụ thể hóa các chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, tiếp tục thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng 2030 gắn với XDNTM theo Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, góp phần thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Từng xã, thị trấn tập trung chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí cơ cấu hợp lý ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương gắn với thị trường tiêu thụ. Rà soát, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các cây trồng có giá trị kinh tế cao. Cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia súc, gia cầm, trong đó ưu tiên phát triển gia cầm; chuyển từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi tập trung, nuôi công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, làm cho nông thôn văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc.