Để học sinh được khám phá, chia sẻ
Theo TS Đặng Đức Long – Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu & Đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng, để việc dạy – học online hiệu quả, thay vì giảng bài liên tục, GV cần đặt câu hỏi lớn, truyền tài liệu online để các em tự tìm câu trả lời hay đưa ra suy nghĩ của mình và chia sẻ kết quả online với thầy cô và bạn bè.
Nhận xét về hiệu quả việc giảng dạy online, TS Đặng Đức Long cho rằng: Ở Việt Nam, việc giảng dạy online không còn xa lạ nhưng hiệu quả và tác động của hoạt động này còn là một câu hỏi. Chính vì thế, học online chưa thể thay thế học chính khóa tại nhà trường. Bên cạnh đó, bản thân nhiều thầy cô giáo còn nghi ngại “theo dõi học sinh tại lớp còn khó nữa là giờ học qua máy tính”.
Lý giải băn khoăn này, TS Long trao đổi: Học qua máy tính dù hiện đại thì khoảng cách giữa thầy cô với học sinh vẫn khác xa trên lớp. Môi trường sư phạm thay đổi, kỷ luật lớp học, sự tập trung của học sinh đều khác. Nếu thầy cô muốn giảng dạy như trên lớp học bình thường đúng là một việc làm không thể. “Nhưng thực hiện Chương trình GDPT mới cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, đây là lúc thầy cô và ngành Giáo dục thúc đẩy sự thay đổi về phương pháp giảng dạy thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học” – TS Đặng Đức Long khẳng định.
Theo TS Đặng Đức Long, với việc giảng dạy trực tuyến, GV thay vì lấy từng bài học, từng trang trong sách giáo khoa là pháp lệnh, hãy coi đó là tấm bảng chỉ đường. “Việc có nhiều bộ sách giáo khoa khi triển khai Chương trình GDPT mới chính là sự phát triển theo hướng này. Đây là lúc thay thế “cô đọc trò ghi” bằng việc hướng các em tự đọc, tự có ý kiến, tự tưởng tượng. Hãy bắt đầu cung cấp cho các em các tài liệu hay, các “viên gạch” để các em tự xây lên “ngôi nhà” kiến thức mới của mình”, TS Đặng Đức Long nêu quan điểm.
“Sẽ có người nói việc này chỉ có thể áp dụng đối với học sinh ở mức độ THPT hay đại học. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, kỹ năng tự học, tự tìm hiểu và đặc biệt là trí tưởng tượng cần được nuôi dưỡng vun đắp từ lớp nhỏ nhất. Nếu được khuyến khích, các em có thể tự làm những điều khiến người lớn ngạc nhiên. Có nhiều kỹ thuật cụ thể, cách làm hay đã được đúc rút qua phương pháp “dạy học qua dự án”. Nhưng quan trọng hơn là các thầy cô nên được dùng và hãy dùng sự tưởng tượng, sáng tạo của mình để học sinh thấy việc học không phải là bắt buộc, là việc làm theo giờ mà đó là niềm vui khám phá và chia sẻ” - TS Đặng Đức Long gợi mở.
Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/de-hoc-sinh-duoc-kham-pha-chia-se-4067849-b.html