Để học sinh ham học sử
Buổi tham quan Đền tưởng niệm các Vua Hùng (quận 9) của học sinh tiêu biểu khối tiểu học TP Hồ Chí Minh diễn ra sôi nổi và ý nghĩa. Các em được nghe giới thiệu khái quát về các đời Vua Hùng, truyền thuyết con Lạc, cháu Hồng và lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Tiếp sau đó, học sinh được tham quan bia đá khắc tên các đảo, điểm đảo ở Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trưng bày tại đền tưởng niệm và tham gia các hoạt động “về nguồn” bổ ích. Em Trần Thị Phương Thảo, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Bạch Đằng (quận Bình Thạnh) cho biết: “Trong chương trình học tập, chúng em nhiều lần được tham quan, tìm hiểu tại các di tích, địa danh lịch sử. Hoạt động này giúp chúng em có thêm kiến thức sâu hơn bổ sung cho nội dung học tập; đồng thời kích thích tinh thần tự học hỏi về lịch sử dân tộc”.
Thời gian qua, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh đã quan tâm chỉ đạo các trường đẩy mạnh giáo dục truyền thống, bồi đắp lý tưởng cho học sinh, sinh viên. Theo đó, bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với điều kiện của từng trường cũng như tình hình thực tế tại địa phương, nhiều trường học đã tổ chức cho các em học sinh học tập, tham quan thực tế tại các địa danh, di tích lịch sử-văn hóa, căn cứ cách mạng… Hằng năm, 100% các liên đội, Đoàn thanh niên trường học triển khai các hoạt động giáo dục nhằm giúp học sinh hiểu thêm lịch sử truyền thống của Đảng, Đoàn, Đội, LLVT nhân dân… Đây được coi là một cách giáo dục truyền thống sinh động, hiệu quả, nhằm bồi đắp tình cảm, niềm tự hào dân tộc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho học sinh, sinh viên thông qua tư liệu, hình ảnh tái hiện thực tiễn.
Những câu chuyện về truyền thống dựng nước, giữ nước và tinh thần quật khởi của cha ông giúp các em học sinh nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước và có cảm nhận xác thực. Cô Nguyễn Thị Yến Phương, Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Bên cạnh việc tổ chức các cuộc thi viết, thi rung chuông vàng, trắc nghiệm kiến thức... thì các buổi tham quan trải nghiệm thực tế được đông đảo học sinh ưa thích. Chúng tôi khuyến khích các trường phối hợp với Ban Thanh-Thiếu niên Thành đoàn hoặc quận đoàn, huyện đoàn, nhà thiếu nhi để tổ chức các chương trình “về nguồn” thật bổ ích, có giá trị giáo dục truyền thống tốt nhất cho thế hệ trẻ”.
Thông qua các buổi tham quan thực tế, các em học sinh không chỉ có cơ hội tìm hiểu, mở mang kiến thức mà còn rèn luyện thói quen tự lập, tự chuẩn bị tư trang và học cách chăm sóc bản thân, phát triển kỹ năng giao tiếp, biết chia sẻ, tăng cường giao lưu, đoàn kết với các bạn cùng trang lứa. Thầy Đặng Hồ Tuyền, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), chia sẻ: “Bằng hình thức tổ chức những chuyến tham quan trải nghiệm thiết thực vừa học tập, vừa vui chơi, hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử trong nhà trường trở nên gần gũi và sinh động hơn với học sinh, qua đó, giúp các em nâng cao nhận thức, tích lũy hành trang cho tương lai”.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/de-hoc-sinh-ham-hoc-su-591959