Để hội giảng không thành… hội diễn
Hội thi giáo viên dạy giỏi (hội giảng) là một hoạt động chuyên môn đã được tổ chức từ lâu. Để có 1 tiết hội giảng, giáo viên dự thi phải chuẩn bị rất công phu nhằm khẳng định bản thân. Hội giảng cũng là dịp để các đồng nghiệp học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, nâng cao tay nghề.
Tuy vậy, để hội giảng đi vào thực chất, không mang tính hình thức, phô diễn thì cách thức tổ chức, sự “cầm cân nảy mực” của giám khảo hội thi là điều rất quan trọng. Đây cũng là điều mà Hội thi giáo viên dạy giỏi bậc tiểu học TP.Biên Hòa đang thực hiện.
* Nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức
Trong tháng 2, Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi thành phố cấp tiểu học, năm học 2022-2023. Đây là dịp để ngành Giáo dục phát hiện, công nhận, tôn vinh giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi và nhân rộng những điển hình tiên tiến; tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp. Hoạt động này còn góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn và đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy và học trong trường học…
Mỗi giáo viên tham gia hội thi phải trải qua 2 phần thi với sự theo dõi, chấm thi của 3 giám khảo. Phần thi trình bày biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy có thời lượng 30 phút, trong đó phần trình bày báo cáo biện pháp không quá 20 phút, 10 phút còn lại dành cho việc trao đổi giữa Ban giám khảo và giáo viên. Các câu hỏi của giám khảo không nhằm “làm khó”, đánh đố giáo viên mà nhằm làm rõ các vấn đề, xác định rõ tính mới, tính hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, phù hợp với đối tượng học sinh và thực tiễn nhà trường, địa phương.
Đối với phần thi thực hành, các thành viên trong Ban giám khảo sẽ về từng trường để chấm thi. Giáo viên dạy tại lớp theo kế hoạch giáo dục (thời khóa biểu) và chỉ được thông báo không quá 2 ngày trước khi thi. Giáo viên không được dạy trước (dạy thử) tiết dạy tham gia hội thi.
Cách làm này nhằm hạn chế thấp nhất những tiêu cực như: giáo viên “gà” bài, “mớm lời” cho học sinh; mượn lớp, mượn học sinh khá giỏi để dạy… Với cách thức này, giáo viên không còn chuẩn bị “kịch bản trước”, không chọn lớp để dạy, các giám khảo sẽ quan sát hoạt động của cả giáo viên lẫn học sinh. Sau khi giáo viên hoàn thành phần thực hành tiết dạy, giám khảo nhận xét, đánh giá rút kinh nghiệm với giáo viên dự thi.
Cô Vũ Thị Hậu, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn An Ninh, thí sinh tham gia hội thi cho biết, khi được dạy tại lớp của mình, biết năng lực của học sinh để xây dựng giáo án, đưa ra các hoạt động phù hợp với năng lực của học sinh, kích thích sự tìm tòi, khám phá của học sinh một cách tốt nhất. Về phía học sinh, các em có được tâm thế tự nhiên khi trao đổi, tương tác với giáo viên và các bạn; thoải mái trong các hoạt động học tập để tiếp thu bài một cách hiệu quả. Cách làm này cũng phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay là phát huy năng lực của từng học sinh.
* Cơ hội để giáo viên học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp
Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học của TP.Biên Hòa thu hút hơn 1 ngàn giáo viên đăng ký dự thi. Đây là số lượng thí sinh cao nhất trong các lần tổ chức hội thi của TP.Biên Hòa. Điều đó cho thấy giáo viên các trường thực sự xem đây là một đợt sinh hoạt chuyên môn bổ ích, là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm từ các bạn đồng nghiệp.
Năm nay, ngoài giáo viên các trường công lập, hội thi cũng thu hút được cả giáo viên của các trường ngoài công lập. Điều đó cho thấy hội thi có sức lan tỏa và có chất lượng, được giáo viên tin tưởng.
Bà Lưu Thị Hằng, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, Trưởng ban tổ chức hội thi cho biết: “Hội thi năm nay thu hút đông giáo viên dự thi, trong đó có cả giáo viên các trường ngoài công lập. Điều đó cho thấy phong trào thi đua dạy tốt học tốt đang được các trường quan tâm; giáo viên coi hội thi là “sân chơi”, diễn đàn để thể hiện và học hỏi kỹ năng sư phạm, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm phát triển chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng đổi mới giáo dục”.
Ban tổ chức hội thi đã huy động gần 70 giám khảo tham gia chấm thi. Thành viên Ban giám khảo là giáo viên cốt cán, hiệu trưởng, hiệu phó của các trường. Ban giám khảo làm việc trên tinh thần công tâm, khách quan, công bằng. Phần trao đổi, nhận xét đối với thí sinh đều nhằm làm sáng tỏ vấn đề, giúp giáo viên nhận ra điểm mạnh để phát huy, điểm hạn chế để khắc phục, nâng cao chuyên môn; tránh triệt để các “hình thức” đánh giá, nhận xét tiêu cực, triệt tiêu ý chí vươn lên của người dạy.
Trong quá trình chấm thi, giám khảo được quán triệt chú trọng phát triển năng lực học sinh, tùy theo từng đối tượng học sinh.
Sau Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học của TP.Biên Hòa, dự kiến trong tháng 3, Sở GD-ĐT tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc tiểu học.