Để hương vị xoài An Giang bay xa hơn

An Giang là một trong 2 địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất khu vực ĐBSCL, chỉ đứng sau Ðồng Tháp; với diện tích hơn 10.000 ha xoài các loại như: xoài keo, xoài ba màu, xoài cát Hòa Lộc…

Mặc dù xoài An Giang đa dạng về giống, trong đó một số loại xoài đặc biệt thơm ngon như: xoài keo, xoài hạt lép; thế nhưng xoài này lại chủ yếu tiêu thụ nội địa, số lượng xuất khẩu lại rất khiêm tốn. Mấy năm trở lại đây, các vùng trồng xoài của địa phương đã và đang hướng đến tiêu chuẩn chất lượng, liên kết trong sản xuất… để chinh phục nhiều thị trường trên thế giới.

Huyện An Phú, địa phương có diện tích trồng xoài lớn thứ 2 tỉnh An Giang, với diện tích xoài sản xuất theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp đạt trên 600 ha, trong đó có hơn 60 mã số vùng trồng và có vùng trồng xoài keo theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích hơn 360 ha.

Ngành nông nghiệp địa phương hương dẫn nông dân chăm sóc xoài

Ngành nông nghiệp địa phương hương dẫn nông dân chăm sóc xoài

Ông Huỳnh Thanh Minh, Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp Long Bình, một trong những HTX sản xuất xoài Keo lớn nhất huyện cho biết: HTX nông nghiệp Long Bình được thành lập từ năm 2017, đến nay đã có 25 thành viên. Hiện nay, HTX có khoảng 90ha diện tích liên kết trồng xoài Keo trên địa bàn huyện An Phú. Các nông dân tham gia liên kết với HTX đều tuân thủ tốt quy trình canh tác an toàn, đảm bảo trái xoài không nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hoạt chất cấm, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng để xuất khẩu.

“Trong hoạt động sản xuất, chúng tôi luôn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật. Hiện giờ chúng tôi đang ứng dụng mô hình phun mưa cục bộ; sử dụng các loại phân bón hữu cơ, giảm các loại thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng tưới nhỏ giọt và sử dụng nước sông… nhằm giảm thấp nhất dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng người tiêu dùng trong nước cũng như ngoài nước.

Chúng tôi đang nâng cao tay nghề của bà con thành viên, nâng cao chất lượng, hướng đến làm sao sản xuất ra đơn hàng vừa chất lượng và nâng cao giá trị trên 1 ha xoài” - ông Huỳnh Thanh Minh nói.

Để có những vùng nguyên liệu xoài đủ tiêu chuẩn xuất khẩu qua các thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, Hàn Quốc… và chinh phục các thị trường khó tính khác trên thế giới, các cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đã nỗ lực phấn đấu rất lớn với quá trình hơn 10 năm đàm phán gian nan và thử thách.

Hiện trái xoài đã đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu khắt khe của đối tác như hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, côn trùng gây hại, truy xuất nguồn gốc, chiếu xạ…

Xoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Xoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Ông Nguyễn Minh Hiền, Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc HTX GAP Cù lao Giêng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang chia sẻ: “Hợp tác xã cũng có kế hoạch, thứ nhất là tuyên truyền trong các thành viên và thứ hai là các thành viên liên kết; tiếp đó thì phía HTX sẽ phối hợp với UBND, nành nông nghiệp của huyện… tuyên truyền cho tất cả bà con nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu. Sản xuất làm sao đáp ứng được: thứ nhất là chất lượng, thứ 2 là sản lượng đầy đủ cho các công ty liên kết”.

Còn đối với huyện Chợ Mới, địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất tỉnh An Giang, với tổng diện tích khoảng 6.500 ha các loại xoài như: xoài tượng da xanh, xoài hạt lép, xoài cát Hòa Lộc… trong đó xoài tượng da xanh là hơn 4.200 ha. Cây xoài tượng da xanh được nông dân trồng vào 2001. Năm 2009, được phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm này, địa phương đã làm lễ công bố xuất khẩu 2 lô xoài đầu tiên sang các thị trường khó tính: lô thứ nhất là xoài tượng da xanh xuất sang thị trường Úc và Hoa Kỳ và lô thứ 2 là xoài hạt lép xuất sang thị trường Hàn Quốc; với tổng số lượng của 2 lần này lên đến hàng chục tấn.

Ông Lâm Anh Tú, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho biết, cũng như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, bên cạnh việc hỗ trợ nông dân không ngừng đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, ngành nông nghiệp còn hỗ trợ tích cực cho nông dân trong việc xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển vùng sản xuất xoài, tập huấn, tuyên truyền vận động người dân sản xuất theo hướng an toàn, Vietgap, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng… nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các thị trường.

Chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp và doanh nghiệp kiểm tra xoài trước khi xuất khẩu

Chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp và doanh nghiệp kiểm tra xoài trước khi xuất khẩu

Ông Lâm Anh Tú cho biết thêm: “Để nâng cao năng lực của các HTX, trong năm 2024 này và cũng như trong thời gian tới, Phòng nông nghiệp sẽ phối hợp với các sở, ngành của tỉnh… tập huấn, nâng cao năng lực cho HTX về quản trị bộ máy cũng như các kỹ năng về kinh doanh, đàm phán về kinh doanh khi ký kết hợp đồng; bên cạnh đó, hỗ trợ HTX xây dựng thêm các vùng nguyên liệu rộng mở, chất lượng, cụ thể như là xây thêm các mã số vùng trồng…từ đó để xuất khẩu sang thị trường của nhiều nước; để có thêm nhiều thị trường xuất khẩu, giúp việc thu thụ sản phẩm rộng và ổn định hơn”.

Trong hoạt động sản xuất xoài xuất khẩu, ngoài việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, bà con nông dân còn thúc đẩy mạnh mẽ việc liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa tổ chức nông dân, hợp tác xã với các doanh nghiệp; sản xuất theo đúng quy trình, kỹ thuật, theo yêu cầu doanh nghiệp liên kết.

Ông Nguyễn Đình Mười, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH XNK Vina T&T, đơn vị liên kết với nông dân sản xuất xoài xuất khẩu của tỉnh An Giang cho rằng: “Chúng tôi đánh giá rất là cao về trái xoài của tỉnh An Giang. Chúng tôi cũng mong muốn kết nối với An Giang mang tính bền vững, lâu dài hơn nữa trong tương lai. Chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối với nông dân, kết nối với tổ hợp tác; để chúng tôi có những hợp đồng liên kết để chúng tôi mở rộng vùng trồng. Mỗi nước nhập khẩu đều có những rào cản kỹ thuật khác nhau, chúng tôi phải tuân thủ rào cản của họ; cho nên khi bà con nông dân tham ra chương trình này cần phải tuân thủ kỹ thuật. Hiện nay, chúng tôi cũng đang có định hướng mở rộng thêm thị trường, để chúng tôi tiếp tục đua trái xoài sang nhiều nước hơn”.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết: hiện nay, diện tích cây ăn trái của tỉnh đạt hơn 13.000ha, chủ yếu là xoài, chuối, bưởi, cam, quýt… Trên thực tế, nông dân canh tác xoài đạt lợi nhuận cao hơn nhiều mô hình khác. Ðối với những vùng chuyên canh xoài như cù lao Giêng ở huyện Chợ Mới, tỉnh hỗ trợ hạ tầng, hệ thống thủy lợi, hướng nông dân trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ nông dân đạt chứng nhận chất lượng để xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ…

Ðồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến, liên kết tiêu thụ xoài theo hướng bền vững, hạn chế rủi ro khi lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Đến thời điểm này, diện tích xoài trong toàn tỉnh An Giang khoảng 12.000 ha; trong đó diện tích xoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 200 ha, sản lượng khoảng 1.900 tấn/năm. Hiện vùng xoài tại An Giang đã được cấp mã code đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là trên 20 mã, với tổng diện tích gần 300 ha. Tuy nhiên, thời gian qua việc tiêu thụ xoài phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nội địa và Trung Quốc. Gần đây xoài An Giang có thêm thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Úc… nhưng số lượng không đáng kể.

Để phát triển thương hiệu xoài An Giang xuất khẩu, thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng xoài (mã code) tại những nơi chưa có mã code và các vùng cần cấp tại các huyện: Chợ Mới, An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, thị xã Tân Châu và TP Long Xuyên...

“Với diện tích 12.000ha, ngành nông nghiệp cũng đang khuyến cáo các địa phương đi vào cái hướng chất lượng, trồng những giống xoài mà doanh nghiệp người ta yêu cầu; để từ đó vận động bà con nông dân tham gia vào HTX nơi tiểu vùng mình trồng xoài; thông qua HTX để thương thảo với các doanh nghiệp, mà UBND tỉnh, Ngành nông nghiệp và HTX đã ký kết; để từ đó, có đủ vùng nguyên liệu thuận lợi nhất, để đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu, theo từng thị trường các nước khó tính mà doanh nghiệp đang mong muốn” - ông Nguyễn Sĩ Lâm nói.

Việc phát triển vùng xoài chất lượng cao, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, xuất khẩu bền vững, bước đầu khẳng định vị thế trái xoài An Giang trên thị trường quốc tế khó tính. Đây là bước ngoặt, có ý nghĩa quan trọng đối với ngành nông nghiệp địa phương, không chỉ mang lại cơ hội kinh tế lớn mà còn giúp thúc đẩy hình ảnh và uy tín của nông sản địa phương trên thị trường quốc tế.

Đây cũng là điều kiện thuận lợi để ngành nông nghiệp tiếp tục tổ chức lại sản xuất, phát triển HTX, tổ hợp tác gắn với vùng nguyên liệu xoài; để từ đó liên kết được ngày càng nhiều hơn diện tích xoài của địa phương; đồng thời, góp phần đẩy mạnh thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, nhằm chuyển đổi sản xuất, thích nghi với điều kiện thực tế, khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp.

Phan Ánh/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/de-huong-vi-xoai-an-giang-bay-xa-hon-post1101468.vov