Đê kè xói lở nặng, gây ảnh hưởng đến vùng nuôi tôm và khu dân cư

Trải qua thời gian dài sử dụng và do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ lớn vào cuối tháng 10/2020 cùng với việc bị tác động bởi tình trạng khai thác cát sạn nên tuyến đê kè ngăn mặn dọc sông Hiếu đoạn qua thôn Tường Vân và An Xuân, xã Triệu An, huyện Triệu Phong bị xói lở nghiêm trọng, trực tiếp uy hiếp vùng nuôi tôm và khu vực dân cư sinh sống tại địa phương.

 Các điểm sạt lở của tuyến đê kè Tường Vân - An Xuân, xã Triệu An, huyện Triệu Phong cần sớm được khắc phục để bảo vệ khu dân cư và sản xuất nông nghiệp cho các địa phương - Ảnh: Đ.V

Các điểm sạt lở của tuyến đê kè Tường Vân - An Xuân, xã Triệu An, huyện Triệu Phong cần sớm được khắc phục để bảo vệ khu dân cư và sản xuất nông nghiệp cho các địa phương - Ảnh: Đ.V

Chúng tôi theo ông Trần Văn Sằn, Phó Trưởng thôn Tường Vân đi khảo sát thực tế tuyến đê kè ngăn mặn Tường Vân - An Xuân qua thôn này. Ông Sằn vừa chỉ tay vào những hàm ếch đã ăn sâu vào tận một nửa thân đê vừa lo lắng nói, nếu không được sửa chữa, gia cố kịp thời thì chắc chắn sớm muộn toàn tuyến đê kè ngăn mặn này cũng sẽ sụp lún, đứt gãy.

Ông Sằn cho biết, tuyến đê kè ngăn mặn Tường Vân - An Xuân có tổng chiều dài khoảng 3,2 km (đoạn qua thôn Tường Vân dài 2 km và thôn An Xuân khoảng 1,2 km, bề mặt thân đê rộng 5m), được xây dựng vào năm 2009. Tuyến đê kè này có chức năng hết sức quan trọng đó là ngăn mặn xâm nhập để bảo vệ toàn bộ diện tích đồng ruộng, vùng nuôi tôm và hàng trăm hộ dân các khu dân cư bên trong đê thuộc thôn Tường Vân, thôn An Xuân. Ngoài ra, tuyến đê kè cũng phục vụ việc đi lại, giao thương, mua bán hải sản, nông sản của người dân địa phương. Theo ước tính, có tổng cộng khoảng 150 ha diện tích gồm đất trồng lúa, vùng nuôi tôm và hàng trăm hộ dân của các thôn nói trên được bảo vệ từ tuyến đê kè ngăn mặn Tường Vân - An Xuân.

“Tuy nhiên, đợt mưa lũ lớn vào cuối năm 2020 cộng với nạn khai thác cát sạn diễn ra thường xuyên ngay ngoài sông trước tuyến đê và trải qua thời gian dài sử dụng nên tuyến đê đã bị hư hỏng, xuống cấp nặng. Toàn tuyến đê qua thôn Tường Vân ghi nhận bị xói lở nghiêm trọng ở 5 điểm và 4 điểm khác nhẹ hơn với tổng chiều dài khoảng 50m. Tại các điểm hư hỏng nặng, xói lở đã tạo các hàm ếch ăn sâu vào nửa thân đê (hơn 2m); một số đoạn dầm giằng thân đê đã bị gãy, bị kéo xô lệch ra khỏi thân đê… Nếu những điểm hư hỏng ở tuyến đê kè này không sớm khắc phục thì toàn tuyến sẽ xói lở nghiêm trọng hơn, mặt đê sẽ bị sụp lún”, ông Sằn nói.

Theo ông Sằn, thôn Tường Vân là vùng đất lấn sông nên diện tích canh tác lúa hạn chế, toàn thôn có 86 ha nhưng những năm qua đã có đến hơn 28 ha bị nhiễm mặn hoàn toàn không thể canh tác lúa được. Thôn Tường Vân cũng du nhập nghề nuôi tôm từ năm 2002. Đến nay toàn thôn có 68 hộ nuôi với tổng diện tích 42 ha, đây cũng là sinh kế và thu nhập cho nhiều hộ gia đình tại địa phương. “Đất nhiễm mặn xem như bỏ, chỉ có thể trồng đay dệt chiếu hoặc trồng lúa chiêm gạo đỏ, nhưng hiệu quả kinh tế cũng thấp. Bởi vậy việc bảo vệ vùng ruộng còn lại chỉ trông chờ vào tuyến đê kè này”, ông Sằn khẳng định.

Có diện tích nuôi tôm hơn 500 m2 nằm ngay sát tuyến đê kè bị xói lở nặng, ông Trần Văn Trường, hộ nuôi tôm lâu năm của thôn Tường Vân than vãn: “Đợt lụt bão năm 2020 toàn bộ diện tích nuôi tôm của gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác ở đây bị nước ngoài đê tràn vào cuốn trôi hết, thiệt hại khá lớn. Chúng tôi ở đây nên biết rõ, ngoài do bão lụt thì nguyên nhân khiến tuyến đê kè bị sạt lở nặng thêm là do tình trạng hút cát sạn ngoài sông ngay sát tuyến đê kè này diễn ra thường xuyên. Vì vậy đề nghị cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý tình trạng hút cát tại khu vực này để hạn chế sạt lở nhằm bảo vệ tuyến đê, bảo vệ cuộc sống và sản xuất cho người dân chúng tôi”.

Theo một số hộ dân nuôi tôm ở thôn Tường Vân, việc sạt lở tuyến đê kè ngày càng nặng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc mua bán tôm vào mùa thu hoạch. Nếu trước đây xe đông lạnh thu mua tôm của thương lái chạy dọc theo tuyến đê ra tận hồ để thu mua thì thời gian gần đây do mặt tuyến đê bị xói lở ngày càng nặng nên không thể chạy ra được. Thay vào đó, các hộ nuôi tôm phải vận chuyển tôm bằng đường thủy vào đến nơi an toàn mới cân bán được cho thương lái nên vừa tốn thêm chi phí vừa đi lại bất tiện…

Trưởng thôn An Xuân Võ Văn Xanh cho biết, tuyến đê đi qua thôn An Xuân cũng đã bị sạt lở rất nghiêm trọng, đặc biệt là từ cuối năm 2020 trở đi. Đã xuất hiện nhiều điểm xói lở nặng phía dưới chân kè; các tấm bê tông đắp thân đê kè đã bị nứt gãy kết nối dẫn đến bị xô lệch và dần trôi tuột xuống sông. Đặc biệt, đoạn đê kè qua thôn An Xuân nằm ngay một đoạn eo của hạ nguồn sông Hiếu nên bị tác động của dòng chảy mạnh hơn, dẫn đến sạt lở diễn ra khó lường hơn.

“Tuyến đê kè Tường Vân - An Xuân đi qua thôn chúng tôi được xem là vành đai che chắn sóng gió bảo vệ trực tiếp, hữu hiệu cho khu dân cư của địa phương phía trong đê nhưng giờ bị sạt lở như thế này khiến mọi người rất lo lắng. Người dân sinh sống gần tuyến đê kè này liên tục phản ánh và chúng tôi cũng chỉ biết kiến nghị lên cấp trên. Qua đây chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng liên quan cần sớm có biện pháp sửa chữa, gia cố tuyến đê để bảo vệ đất đai, nhà cửa, cuộc sống sinh hoạt và sản xuất cho Nhân dân. Vì nếu để thực trạng sạt lở kéo dài thêm nữa, đặc biệt là tuyến đê kè lại nằm ở vùng xung yếu như thế này thì sớm muộn sẽ có nguy cơ làm hư hỏng toàn tuyến”, anh Xanh kiến nghị.

Theo ông Sằn, trước thực trạng tuyến đê kè Tường Vân - An Xuân sạt lở ngày càng nghiêm trọng, các thôn đã kiến nghị và vừa qua được Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ trồng giống cây bần chua phía trước một số điểm xói lở nặng của tuyến đê kè. “Để phát huy hiệu quả chức năng của tuyến đê, về lâu dài chúng tôi kiến nghị các điểm sạt lở của tuyến đê kè trọng yếu này cần phải được khắc phục sớm. Nếu không khắc phục, chỉ cần xảy ra những đợt mưa bão lớn tiếp theo nữa thì toàn tuyến đê sẽ hư hỏng nặng thêm và bị sụp gãy là điều khó tránh khỏi”, ông Sằn nói thêm.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=164024&title=de-ke-xoi-lo-nang-gay-anh-huong-den-vung-nuoi-tom-va-khu-dan-cu