Để kéo khán giả đến rạp xem phim
Những năm gần đây, việc tạo nên hiệu ứng truyền thông cho các bộ phim Việt ngày càng được chú trọng. Đây là bước đi cần thiết không chỉ tạo doanh thu “khủng” cho những bộ phim thương mại, mà còn có thể xem là cách để nghệ thuật thứ 7 đóng góp cụ thể vào nền công nghiệp văn hóa đang được quan tâm xây dựng ở nước ta.
Tạo hiệu ứng truyền thông
Dịp cuối tuần vừa qua, ê kíp bộ phim “Nụ hôn bạc tỷ” gồm: Diễn viên, đạo diễn Thu Trang; nghệ sĩ Tiến Luật và các diễn viên Đoàn Thiên Ân, Lê Xuân Tiền, Ma Ran Đô… đã có mặt tại các rạp phim ở TP. Nha Trang để giao lưu với khán giả phố biển. Nha Trang là một trong những điểm đến nhằm quảng bá, thu hút khán giả của ê kíp làm phim “Nụ hôn bạc tỷ” trong những ngày qua. Thật nhanh chóng, hoạt động này đã mang đến hiệu quả tích cực về suất chiếu, số lượng vé bán ra và doanh thu cho bộ phim. Bởi theo số liệu tham khảo từ trang Box Office Vietnam, từ ngày 10 đến 16-2, bộ phim “Nụ hôn bạc tỷ” đã dẫn đầu doanh thu phòng vé, đạt hơn 27 tỷ đồng với 5.050 suất chiếu tại các rạp trên toàn quốc, nâng tổng doanh thu của phim tính từ ngày khởi chiếu (mùng 1 Tết Ất Tỵ) đến nay lên hơn 196 tỷ đồng - lọt vào tốp 10 những bộ phim Việt có doanh thu cao hàng đầu từ trước đến nay. Việc phim “Nụ hôn bạc tỷ” giành ngôi đầu phòng vé, bất chấp sự cạnh tranh gay gắt từ các “bom tấn” nước ngoài được tung ra trong dịp lễ tình nhân như: Captain America: Thế giới mới, Rider: Giao hàng cho ma… hay những bộ phim trong nước cùng được ra rạp dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua với Đèn âm hồn, Bộ tứ báo thủ… đã minh chứng sinh động cho hiệu quả truyền thông quảng bá cho bộ phim. Cứ nhìn cảnh khán giả Nha Trang xếp hàng dài để mua vé xem phim, rồi cảm xúc vỡ òa khi được trực tiếp gặp mặt các nghệ sĩ, diễn viên đã nói lên phần nào sức hút của bộ phim này. “Đây là lần thứ 3 tôi mua vé để xem phim “Nụ hôn bạc tỷ”. Sở dĩ tôi xem nhiều lần như vậy vì thấy đây là bộ phim tâm lý gia đình, có yếu tố hài hước nhẹ nhàng, dàn diễn viên đẹp, nổi tiếng…, phù hợp với nhu cầu giải trí của bản thân. Mặt khác, trên các nền tảng mạng xã hội, bộ phim được giới thiệu rất nhiều nên thu hút tôi. Bạn bè của tôi có khá nhiều người đã xem phim nhiều lần như tôi”, Thu Uyên (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) cho biết.
![Các thành viên phim “Nụ hôn bạc tỷ” giao lưu với khán giả ở TP. Nha Trang.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_18_435_51508926/389d8bd8a5964cc81587.jpg)
Các thành viên phim “Nụ hôn bạc tỷ” giao lưu với khán giả ở TP. Nha Trang.
Được ra rạp đúng vào ngày mùng 1 Tết Ất Tỵ, cùng thời điểm với phim “Bộ tứ báo thủ” của Trấn Thành, nhưng lúc đó, doanh thu của “Nụ hôn bạc tỷ” chỉ bằng 1/10 phim “Bộ tứ báo thủ”. Vậy nhưng, sau kỳ nghỉ Tết, phim “Nụ hôn bạc tỷ” từng bước chiếm lĩnh phòng vé với một chiến dịch truyền thông bài bản. Trên các nền tảng mạng xã hội hoạt động ở Việt Nam, thông tin về phim ngập tràn. Các tờ báo đồng loạt tham gia với những bài viết khen, chê khác nhau. Tất cả tạo nên hiệu ứng truyền thông với tốc độ lan tỏa chóng mặt, kích thích trí tò mò của khán giả, nhất là khán giả trẻ.
Cần nâng cao chất lượng các bộ phim
Trên thực tế, việc tạo hiệu ứng truyền thông cho những bộ phim điện ảnh, nhất là dòng phim thương mại đã được áp dụng từ rất lâu. Đây được xem là đường đi chính để quảng bá phim đến với khán giả. Nếu mùa phim Tết năm nay chứng kiến sự cạnh tranh của 3 bộ phim trong nước là “Bộ tứ báo thủ”, “Nụ hôn bạc tỷ”, “Đèn âm hồn” thì mùa phim Tết năm trước là sự cạnh tranh của “Đào, phở, piano” với “Mai”. Những cuộc đua như thế đã phần nào tạo nên sự sôi động cho thị trường phim Việt. Rất nhiều khán giả lựa chọn việc đến rạp xem phim bắt nguồn từ chính việc làm truyền thông quảng bá quá tốt của những nhà sản xuất phim. Chính vì thế, cũng có nhiều người sau khi xem phim có cảm giác như vừa được nhận “một cú lừa”, bởi nội dung, chất lượng nghệ thuật trong phim không như quảng cáo. Nhưng nhìn nhận từ góc độ làm công nghiệp văn hóa thì việc tạo nên hiệu ứng đám đông như trên của các nhà sản xuất phim là điều cần thiết. Bởi đó không chỉ trực tiếp mang đến doanh thu, lợi nhuận tốt cho các bộ phim, mà còn có thể xem là những bước đi chập chững của điện ảnh trong hành trình góp phần xây dựng công nghiệp văn hóa Việt Nam. Nhìn đến những đất nước có nền điện ảnh, nền công nghiệp văn hóa phát triển như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc… có thể thấy, quy trình đưa một bộ phim đến với khán giả cũng cơ bản tạo nên những hiệu ứng truyền thông. Tất nhiên, để tránh mang đến cảm giác “đánh lừa” khán giả, những đơn vị sản xuất của các nước cũng không ngừng nâng cao chất lượng các tác phẩm điện ảnh từ nội dung cốt truyện đến diễn xuất của diễn viên, kỹ xảo điện ảnh… Có như thế mới mang đến niềm tin cho khán giả để khán giả tiếp tục bỏ thời gian, tiền bạc đến rạp xem phim ngày càng nhiều hơn, thường xuyên hơn.
![Khán giả xếp hàng mua vé tại một rạp chiếu phim ở TP. Nha Trang.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_18_435_51508926/42d9ec9cc2d22b8c72c3.jpg)
Khán giả xếp hàng mua vé tại một rạp chiếu phim ở TP. Nha Trang.
Vậy nên chăng, sau những hiện tượng, trào lưu ban đầu đã tạo dựng được, những nhà sản xuất phim trong nước cần quan tâm, chú trọng nhiều hơn đến việc đầu tư vào chất lượng cho những “đứa con tinh thần” của mình. Để những bộ phim không chỉ mang lại giá trị thương mại mà còn mang giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn. Từ đó, dần thu hẹp khoảng cách giữa phim thương mại với phim nghệ thuật, để góp phần xây dựng nên một nền điện ảnh Việt Nam vừa có nhiều tác phẩm chất lượng, vừa tạo nên được sức hút mạnh mẽ với khán giả. Bởi hơn hết, khán giả đến rạp xem phim không chỉ đơn thuần để giải trí, mà còn được tiếp nhận những giá trị cao đẹp từ thông điệp của các bộ phim.
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202502/de-keokhan-gia-den-rap-xem-phim-a8b1d7b/