Để khai thác tốt cơ hội thu hút FDI, chuyển giao công nghệ từ các nước CPTPP
Để khai thác triệt để cơ hội thu hút FDI cũng như chuyển giao công nghệ từ các nước thành viên CPTPP, hoạt động xúc tiến đầu tư cần chuyển trọng tâm từ hội nghị, hội thảo sang tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn.
Biến rào cản thành lợi thế thu hút FDI
Thu hút FDI là một lợi ích trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Ngoài ý nghĩa gia tăng trao đổi hàng hóa, dịch vụ, còn là cơ hội để Việt Nam thu hút FDI từ các đối tác CPTPP, do gỡ bỏ 95% sắc thuế hải quan của thị trường trên 500 triệu người, tổng GDP vượt trên 10 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và khoảng 14% tổng thương mại thế giới; với các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Australia.
Việc đầu tư trong các nước thành viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn của thương mại và đầu tư bền vững, phù hợp với kinh tế xanh, ít phát thải khí nhà kính. Song những điều kiện tưởng như là rào cản này lại có sức hút đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam.
Về đầu tư, CPTPP đặt ra yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, các quy định về sở hữu trí tuệ, cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. CPTPP quy định những tiêu chuẩn cao về thể chế, luật pháp, quản lý nhà nước đã tạo áp lực và cơ hội để Việt Nam cải cách thể chế theo chuẩn mực quốc tế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo lợi thế thu hút FDI.
Tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng ta đã xác định; hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của ta, đồng thời giúp ta có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài.
Trên thực tế, kể từ khi CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ tháng 1/2019, qua mỗi năm, thu hút FDI từ khối này ngày càng khả quan hơn. Nếu năm 2019, Việt Nam thu hút FDI xấp xỉ 9,5 tỷ USD từ các nước CPTPP, đến năm 2022, Việt Nam thu hút FDI được khoảng gần 11,5 tỷ USD từ các nước CPTPP, tăng 2,6 tỷ USD so với năm 2021. Số dự án cấp mới đạt 577 dự án, tăng 77 dự án so với năm 2021. Các Thành viên CPTPP có tổng vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất là Singapore với 6,4 tỷ USD, Nhật Bản với 4,7 tỷ USD.
Trong 9 tháng đầu năm 2023 có 2.254 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư (tăng 66,3% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,23 tỷ USD, thì riêng 2 thành viên CPTPP đã đóng góp 67%: Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,98 tỷ USD, Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,9 tỷ USD.
Trong những năm tới, thu hút FDI từ các nước CPTPP sẽ tiếp tục tăng lên, nhờ Brunei, Malaysia, Singapore, Nhật Bản và Australia vốn là những đối tác truyền thống về thương mại và đầu tư; Canada và Mehico là 2 thị trường có tiềm năng lớn. Hơn thế nữa, với 16 FTA đã ký kết, Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết trong mắt các nhà đầu tư CPTPP, nhất là các nước đối tác đã tham gia nhiều FTA, hoặc cùng tham gia vào những FTA trong đó có Việt Nam, như Singapore (cùng Việt Nam gia RCEP, và các FTA của ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ); hoặc như Nhật Bản, Australia (cùng Việt Nam tham gia RCEP, các FTA của ASEAN với Australia, New Zealand, Nhật Bản). Đây cũng là các nước có truyền thống buôn bán với Việt Nam.
Chuyển giao công nghệ
Cùng với dòng vốn FDI là chuyển giao công nghệ. Singapore là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam với hơn 3.000 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký lên tới hơn 70 tỷ USD. Các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) chính là biểu tượng của sự hợp tác kinh tế, chuyển giao công nghệ giữa hai nước.
Hoạt động thu hút đầu tư từ Singapore vào Việt Nam dựa trên chiến lược hợp tác kinh tế và chuyển giao công nghệ thuộc 5 trụ cột, bao gồm: kết nối năng lượng; phát triển bền vững; cơ sở hạ tầng; kỹ thuật số và đổi mới sáng tạo; kết nối (bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, tài chính, công nghệ thông tin và viễn thông, du lịch, đầu tư, thương mại và dịch vụ, giao thông vận tải.
Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam cho biết, thúc đẩy FDI vào Việt Nam trong thời gian tới tiếp tục theo hướng tăng cường hợp tác và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế số và đổi mới sáng tạo; hạ tầng; phát triển bền vững, đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu; và đẩy mạnh kết nối nhiều mặt về thương mại, đầu tư, tài chính, giao thông - vận tải, du lịch.
Với Nhật Bản, đi theo dòng vốn FDI, hai nước có nhiều kế hoạch hợp tác chuyển giao công nghệ hết sức cụ thể. Trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Năng lượng, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) để lên kế hoạch triển khai hoạt động hợp tác thuộc lĩnh vực công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ trong những năm tới. Phía Nhật Bản sẽ triển khai các dự án hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt nam, như: Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” (SME Promotion & Industrial Development project) do JICA thực hiện; Chương trình “Đào tạo cho các nhà sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô Việt Nam” do tổ chức hợp tác kỹ thuật nước ngoài và đối tác bền vững (The Association for Overseas Technical Cooperation and Sustainable Partnerships -AOTS) thực hiện. Bên cạnh đó, Nhật Bản cử một số chuyên gia hỗ trợ các Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp trong công tác vận hành và nâng cao nguồn nhân lực.
Trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo Quyết định sửa đổi nội dung Chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam – Nhật Bản tại văn bản số 296/CN-CNHT ngày 28 tháng 8 năm 2020; trong đó, Chiến lược cần tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ cho 6 ngành ưu tiên (Điện tử; Máy nông nghiệp; Chế biến nông, thủy sản; Đóng tàu; Môi trường và tiết kiệm năng lượng; Sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô) thông qua việc hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách ưu đãi tín dụng, ... và tổ chức thực hiện các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cụ thể cho 6 ngành ưu tiên.
Để khai thác triệt để cơ hội thu hút FDI từ các nước thành viên CPTPP, hoạt động xúc tiến đầu tư cần chuyển trọng tâm từ hội nghị, hội thảo sang tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn; tận dụng FTA thế hệ mới để doanh nghiệp lớn của các nước OECD, châu Âu, Mỹ thực hiện dự án đầu tư FDI để xuất khẩu vào thị trường CPTPP; đơn giản hóa thủ tục thẩm định; chuyển sang công nghệ số, qua mạng internet để cấp giấy chứng nhận đầu tư trong thời gian ngắn nhất.