Để Khánh Sơn phát triển nhanh, bền vững

Từ nguồn vốn của Trung ương và địa phương, trong đó có nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, thời gian qua, huyện Khánh Sơn đã đầu tư nhiều công trình hạ tầng thiết yếu. Bên cạnh đó, địa phương còn có nhiều dự án kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi.

Đầu tư nhiều công trình thiết yếu

Sau thời gian gấp rút thi công, đến thời điểm này, công trình cầu Sơn Trung có tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành khối lượng xây lắp, khẩn trương hoàn thiện để đưa vào khai thác. Nhìn cây cầu đang hoàn thiện, nhiều người dân ở thị trấn Tô Hạp và xã Sơn Trung bày tỏ, việc Nhà nước đầu tư xây dựng cầu Sơn Trung là rất cần thiết, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông của huyện.

Cùng với công trình này, những công trình trọng điểm khác với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi đã được huyện đồng loạt khởi công trong năm 2023. Năm 2024, Khánh Sơn tiếp tục đầu tư thêm nhiều công trình để hoàn thiện cơ sở hạ tầng với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Các dự án được người dân kỳ vọng nhiều như: Xây dựng cầu Tà Lương, thị trấn Tô Hạp (nguồn vốn đầu tư 12 tỷ đồng); giai đoạn 2 đường từ cầu tràn Suối Lớn, xã Ba Cụm Nam đến xã Ba Cụm Bắc (15 tỷ đồng); xây dựng tuyến đường từ thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp đi thôn Xóm Cỏ, xã Sơn Bình (21 tỷ đồng); xây dựng đường từ thị trấn Tô Hạp đi thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp (18 tỷ đồng); đường liên xã Sơn Lâm đi xã Thành Sơn (17 tỷ đồng); xây dựng cầu Hợp tác xã Ba Cụm Bắc (14 tỷ đồng); xây dựng nhà ở cho hộ nghèo thuộc Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi có tổng mức đầu tư 69 tỷ đồng...

Đường từ thôn Tha Mang, xã Ba Cụm Bắc đi thôn Tà Lương (thị trấn Tô Hạp) đã cơ bản hoàn thành.

Đường từ thôn Tha Mang, xã Ba Cụm Bắc đi thôn Tà Lương (thị trấn Tô Hạp) đã cơ bản hoàn thành.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Khánh Sơn, các công trình, dự án trọng điểm đã và đang được huyện triển khai sẽ thúc đẩy sự phát triển KT-XH của huyện. Nhiều dự án phát triển hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, kết nối giữa các vùng sản xuất, đảm bảo sự phù hợp về quy hoạch, kết nối hài hòa giữa đường tỉnh, đường huyện và đường xã giúp giao thông thuận tiện, giảm chi phí vận tải, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh. Điều này góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương, nâng cao đời sống của người dân, nhất là ĐBDTTS trên địa bàn huyện…

Thu hút vốn ngoài ngân sách

Theo lãnh đạo UBND huyện Khánh Sơn, để địa phương phát triển trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng như định hướng tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện sẽ tập trung phát triển KT-XH theo hướng nhanh, bền vững, gắn với phát huy bản sắc văn hóa, giá trị tài nguyên bản địa. Bên cạnh nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, huyện, địa phương còn nỗ lực kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách để xây dựng Khánh Sơn trở thành vùng du lịch sinh thái, với những giá trị sinh thái cảnh quan và văn hóa đặc trưng, độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc, lồng ghép không gian sinh thái nông - lâm nghiệp… Khánh Sơn phát triển theo mô hình tiểu vùng sinh thái rừng trên cơ sở hình thành các đô thị có mật độ cây xanh, sinh thái cao, thân thiện với thiên nhiên, kiến tạo các vành đai xanh, hạ tầng xanh… nhằm từng bước đưa Khánh Sơn trở thành điểm đến độc đáo của tỉnh.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Sơn có 17 dự án thuộc danh mục dự án trọng điểm kêu gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách. Cụ thể lĩnh vực dịch vụ, du lịch có các dự án: Khu du lịch sinh thái Tà Gụ (xã Sơn Hiệp) quy mô khoảng 15ha; Khu du lịch Đồi Thông (xã Sơn Hiệp) với quy mô khoảng 15ha; điểm dừng chân Đỉnh Đèo (xã Ba Cụm Bắc); Khu du lịch suối Giá (còn gọi là suối Đá - xã Ba Cụm Bắc), quy mô khoảng 41,9ha; trekking Tà Giang (xã Thành Sơn), quy mô khoảng 50ha; Khu du lịch Đồi thông xã Ba Cụm Nam có quy mô khoảng 50ha; Khu du lịch sinh thái sân golf & resort Đông Nam Khánh Sơn (xã Ba Cụm Nam) có quy mô khoảng 150ha; Khu du lịch sinh thái Đỉnh Đèo vào hồ Katơ có quy mô khoảng 110ha. Lĩnh vực bất động sản có các dự án như: Khu đô thị sinh thái Tô Hạp Central Park (Khu vực bãi bồi gần cầu Sơn Trung) có quy mô khoảng 12ha; Khu đô thị sinh thái bắc thị trấn Tô Hạp (đường Đinh Tiên Hoàng) có quy mô khoảng 20ha; Khu đô thị sinh thái bắc Sơn Trung có quy mô khoảng 20ha; Khu đô thị sinh thái nam Sơn Trung có quy mô khoảng 5ha. Lĩnh vực văn hóa có Dự án Khu di tích Hang Tỉnh ủy (xã Sơn Bình) có quy mô khoảng 3ha. Lĩnh vực cơ sở hạ tầng có Dự án Cụm Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Dốc Trầu (xã Ba Cụm Bắc) có quy mô khoảng 15ha. Lĩnh vực công nghiệp có Dự án Nhà máy bảo quản nông sản sau sản xuất ở xã Sơn Bình, có quy mô khoảng 0,1ha. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ có các dự án: Trung tâm Dịch vụ thương mại Khánh Sơn có quy mô khoảng 0,5ha; Trung tâm Thương mại dịch vụ, du lịch Ko Róa (xã Sơn Lâm) có quy mô khoảng 100ha.

Cùng với đó, các công trình như: Mở rộng, cải tạo đường cong trên Tỉnh lộ 9 sắp hoàn thành; đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận đang được triển khai sẽ kết nối với hệ thống tỉnh lộ, đường huyện, quốc lộ trong khu vực, tạo thành mạng lưới đường bộ đa dạng, cơ động. Đường kết nối liên vùng này sẽ mở ra không gian phát triển mới, tạo động lực để thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương với mục tiêu trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng như Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đã định hướng.

HẢI LĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202406/de-khanh-sonphat-trien-nhanh-ben-vung-a975370/