Để không ai đứng trên luật pháp

Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia theo mô hình chính thể tổng thống quy định về thủ tục luận tội người đứng đầu. Cùng với Mỹ, quy định này trong Hiến pháp Hàn Quốc nhằm bảo đảm không có cá nhân nào đứng trên luật pháp và mọi quan chức đều phải tuân theo pháp quyền. Tuy nhiên, thủ tục luận tội Tổng thống cần thông qua ba bước khá ngặt nghèo. Việc quy định chặt chẽ như vậy nhằm bảo đảm các phe phái không lợi dụng quy trình luận tội để phục vụ những mục đích chính trị.

 Các nghị sĩ đảng cầm quyền không tham dự cuộc bỏ phiếu luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol ngày 7.12. Ảnh: Korea Times

Các nghị sĩ đảng cầm quyền không tham dự cuộc bỏ phiếu luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol ngày 7.12. Ảnh: Korea Times

Thủ tục luận tội được quy định trong Hiến pháp thứ 10 của Hàn Quốc năm 1987. Theo Điều 65 Khoản 1, nếu Tổng thống, Thủ tướng hoặc các thành viên hội đồng nhà nước khác vi phạm Hiến pháp hoặc các luật khác về nhiệm vụ chính thức, Quốc hội có thể tiến hành luận tội.

Kiến nghị luận tội: Khoản 2 của Hiến pháp nêu rõ, kiến nghị luận tội tổng thống phải nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên tán thành để trình ra Quốc hội.

Bỏ phiếu tại Quốc hội: Hiến pháp quy định, kiến nghị này sau đó sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội trong vòng 72 giờ. Và để được thông qua, kiến nghị luận tội phải được đa số tuyệt đối 2/3 tổng số thành viên của Quốc hội chấp thuận, nghĩa là 200 trong số 300 thành viên của Quốc hội phải bỏ phiếu để thông qua kiến nghị trong khi việc luận tội các thành viên khác của Chính phủ chỉ cần đa số quá bán.

Hiến pháp cũng nêu rõ rằng nếu kiến nghị luận tội đối với tổng thống được Quốc hội thông qua, tổng thống sẽ bị tước mọi quyền lực hành pháp cho đến khi được xét xử; đồng thời quyết định luận tội sẽ không vượt qua việc cách chức khỏi chức vụ công. Tuy nhiên, việc luận tội sẽ không miễn trừ người bị luận tội khỏi trách nhiệm dân sự hoặc hình sự đối với những hành vi vi phạm đó.

Tòa án Hiến pháp: Sau khi được thông qua, kiến nghị luận tội được Quốc hội chuyển lên Tòa án Hiến pháp. Trong thời gian chờ Tòa án Hiến pháp ra phán quyết, Tổng thống phải trao lại mọi quyền cho Thủ tướng. Đây là điểm khác biệt cơ bản trong quá trình luận tội ở Hàn Quốc và Mỹ.

Quyết định cuối cùng về việc có nên bãi nhiệm Tổng thống hay không thuộc về Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc. Theo Đạo luật Tòa án Hiến pháp năm 1988, Tòa án Hiến pháp phải đưa ra quyết định cuối cùng trong vòng 180 ngày sau khi tiếp nhận bất kỳ vụ án nào để xét xử, bao gồm cả các vụ án luận tội. Nếu bị đơn đã rời khỏi chức vụ trước khi tuyên bố quyết định, vụ án sẽ bị bác bỏ.

9 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp sẽ nghe lập luận từ Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Quốc hội và biện hộ của người bị luận tội hoặc đại diện pháp lý của họ trước khi bỏ phiếu. Tổng thống sẽ bị phế truất nếu ít nhất 6 trên 9 thẩm phán Tòa án Hiến pháp ủng hộ luận tội và Hàn Quốc sẽ tổ chức tổng tuyển cử trong vòng 60 ngày để bầu ra lãnh đạo mới.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/de-khong-ai-dung-tren-luat-phap-post399325.html