Để không bị cuốn theo những cơn sốt
Cũng như nhiều tín đồ của Apple trên thế giới, có biết bao người Việt đã ngóng chờ sự kiện diễn ra vào ngày 7/9/2022 khi hãng sẽ công bố các phiên bản của iPhone 14 trong buổi ra mắt có tên là Far Out. Ngay lập tức, các tin tức (có thể được cố tình) rò rỉ đã tạo nên cơn sốt thực sự.
Trên trang của Thegioididong, có bài giới thiệu còn cho rằng: “iPhone không đơn thuần là một chiếc smartphone nữa mà là một món đồ thời trang xa xỉ để mọi người bàn tàn về nó. Như chiếc iPhone 13 thì đảm bảo cầm ra đường ai cũng trầm trồ và không hề đụng hàng với bất cứ smartphone nào trên thị trường”… Sức mạnh của một sản phẩm được cụ thể hóa bằng các phiên bản, mỗi phiên bản lại tạo ra một cơn sốt.
Không phải ngẫu nhiên mà có người đã thú nhận rằng: Tôi mua iPhone để khẳng định đẳng cấp. Đó là sự thật. Hiện tại, tôi không còn sử dụng điện thoại nhiều. Nhưng việc lấy số của một ai đó trên iPhone nghe vẫn thật tuyệt. Với một số lý do, mọi người nhìn nhận những người sử dụng iPhone thành một tầng lớp cụ thể. Apple biết điều này và đã cố gắng duy trì nó trong nhiều năm qua. Họ gần như đã trở thành vua trong chiến lược tiếp thị: bán địa vị xã hội.
Nhưng, cũng vào buổi sáng ngày 7/9 đó, đập ngay vào mắt tôi trên mạng xã hội Facebook là một bài viết đầy tâm trạng của một cô gái sau 5 năm với những lần ra mắt của iPhone. Đại ý, cô kể rằng trong lúc mọi người nín thở chờ đợi hoặc háo hức chờ đơn đặt hàng thì cô lại lặng lẽ đi mua những chiếc laptop có cấu hình cao để phục vụ cho công việc của mình. Trong bốn lần liên tiếp như thế, đã có lúc cô băn khoăn bởi là phụ nữ ai cũng muốn có một chiếc điện thoại sang chảnh, nhưng rồi cô vẫn kiên định với suy nghĩ của mình.
Sau bốn năm, một người như thế đã có những gì? Cô đã có một văn phòng nhỏ với chục chiếc máy tính đem lại thu nhập tốt cho mình và nhiều bạn trẻ khác. Hẳn đã có không ít người “né” được cơn sốt công nghệ ấy bằng một hướng đi khác. Họ lập dị so với cộng đồng, họ tỉnh táo so với bạn bè hay họ đã tìm thấy hướng đi riêng cho mình? Giáo sư Michael Porter từng chỉ ra: “Cạnh tranh là làm điều độc đáo, khác biệt. Bạn có thể kiếm tiền bằng cách bắt chước nhưng như thế không lâu dài được vì sớm muộn bạn cũng sẽ bị bắt chước. Khi mọi người đều cùng làm một thứ thì không ai thắng cả”. Điều đó càng chứng minh những cơn sốt đôi khi là lực cản đối với chính bạn.
Nếu đặt chiếc iPhone vào góc nhìn của nhiều người già, có lẽ họ sẽ chép miệng: “Chỉ là cái điện thoại mà sao bọn trẻ phải tốn quá nhiều tiền và háo hức như thế?”. Nếu đặt chiếc iPhone vào góc nhìn của những người hoài niệm, họ thấy nó ồn ào và nhạt nhẽo so với những “cục gạch” huyền thoại. Còn, nếu đặt câu hỏi với những bà nội trợ đang lo từng ngày xăng tăng giá hay cái bánh mỳ, mớ rau tăng vài ngàn thì họ sẽ dửng dưng, một sự “miễn nhiễm” đầy thuyết phục. Sản phẩm có trở nên “hot” hay không phụ thuộc vào lựa chọn của mỗi người.
Thực ra, ngay cả những người dùng chiếc iPhone cũng hiểu được cái giá đắt đỏ của nó khi vừa ra mắt và cú lao dốc về giá mỗi khi có mẫu mới hơn ra đời. Cái giá mà những người đón đầu dòng điện thoại mới của Apple có thể là vài chục triệu đồng để đổi lại là được trải nghiệm sớm và vẻ sành điệu, sự hãnh diện với người xung quanh, chứng minh đẳng cấp của mình. Người viết nghĩ rằng không phải tất cả mọi người đều vì mục đích ấy, thực ra việc tận hưởng chất lượng sản phẩm và cảm nhận giá trị sáng tạo cũng là một điều thú vị chứ đâu chỉ là khoe của, là thước đo về vật chất. Có nhiều vật dụng, trang sức đắt tiền khác nhưng tại sao chỉ có những chiếc smart phone mới tạo ra cơn sốt? Đó chính là giá trị của phiên bản vượt trội.
Có người từng hỏi tôi: Sau buổi chiều của rằm Trung thu hàng năm, những chiếc bánh nướng, bánh dẻo ấy sẽ đi về đâu? Vì biết rằng tuy chúng còn hạn sử dụng, còn đảm bảo chất lượng nhưng không ai còn nhìn thấy chúng. Đó là ví dụ cho thấy yêu cầu nghiêm ngặt nhất để đảm bảo chất lượng hay phản ánh quy luật. Những “mùa” truyền thống chỉ còn đọng lại trong “ngày”, thú chơi tao nhã một thời chuyển hóa thành cơn sốt. Có phải cách chúng ta tạo ra văn hóa tinh thần cho mình đã biến đổi?
Nếu bạn để ý kĩ, nhiều giá trị ngày nay đã được quy đổi ra các phiên bản. Việc đi tìm một lá thăm may mắn cho con vào trường mầm non, việc xếp hàng mua vàng trong ngày vía thần tài hay tranh cãi về một cuộc tình tay ba của một người nổi tiếng nào đó tưởng như rời rạc không chút liên quan nhưng xâu chuỗi lại đang tạo ra một dấu hỏi về ứng xử? Đó là cách chúng ta đang ứng xử với chính mình. Việc muốn tiếp cận với những gì tốt nhất có phải là cách tôn trọng bản thân, có phải là cách tiếp cận với cuộc sống hiện đại bằng con đường ngắn nhất.
Thật ra, xu hướng (trend) không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà nhan nhản ở nhiều nước. Ví dụ như giới trẻ Hàn Quốc từng “phát cuồng” với Bài kiểm tra tính cách Myers-Briggs Type Indicator (MBTI); giới trẻ Nhật Bản phát cuồng với trào lưu xăm hình những nhân vật game, manga, anime; Giới trẻ Trung Quốc từng phát cuồng với dịch vụ “làm giả sự giàu có” khi chỉ mất 6 nhân dân tệ (khoảng 20.000 đồng) để “sống ảo” với đồ hiệu, siêu xe… Để phản biện lại những “cơn sốt” đã từng có những lời khuyên cho rằng bạn nên hạn chế dùng mạng xã hội, dũng cảm đưa ra quyết định của mình và hăng hái làm việc… Nhưng đó chỉ là những giải pháp trước mắt chứ chưa thật sự hữu hiệu, bởi trong cuộc sống hôm nay, khi từ bỏ kết nối và chia sẻ, có thể bạn sẽ mất nhiều hơn được.
Có lẽ, điều cơ bản nhất vẫn là cần có một chủ thể văn hóa đủ sức kháng thể trước những cơn sốt đó. Chuyện của cô gái từng đi mua 10 chiếc máy tính cấu hình cao sau 5 lần iPhone ra mắt phiên bản mới mà người viết đã nói ở trên có thể chỉ là thiểu số. Nếu bạn đang là một người trẻ tuổi, có điều kiện kinh tế, bạn có thể lựa chọn một phiên bản của chiếc smart phone mà bạn cảm thấy phù hợp với điều kiện kinh tế, công việc cũng như hình thức bề ngoài. Nó có thể không là phiên bản cao nhất, mới nhất nhưng được bạn lựa chọn và yêu quý. Không quá lời khi cho rằng đó cũng là cách để test về cách nghĩ, cách sử dụng đồng tiền mình làm ra và cách tạo ra cuộc sống hạnh phúc.
Dodinsky cho rằng: "Bí quyết để hạnh phúc là biết bạn có quyền lựa chọn những gì nên chấp nhận và những gì nên buông tay". Phải chăng biết chấp nhận giới hạn của mình, theo khả năng của mình mới là thử thách lớn nhất của mỗi người khi bạn biết lựa chọn hướng đi của mình thay vì bạn đổ xô, chen lấn để giành lấy những gì khuôn sáo y hệt như người khác. Hạnh phúc là gì nếu không phải là sự phù hợp với chính mình? Hạnh phúc phải đến từ bản chất tự có chứ đâu phải phiên bản mới nhất, từ những cơn sốt nhất thời.
Người Anh có câu ngạn ngữ: “Mỗi người là một kiến trúc sư cho hạnh phúc của chính mình”. Để trở thành “kiến trúc sư” của chính mình bạn phải trả lời được câu hỏi: Mình cần gì? Mỗi người chắc chắn sẽ có cả một ngàn lẻ một ước muốn, nhưng để thực hiện được bạn sẽ phải lựa chọn mục tiêu nào và phải dẹp bỏ dự định nào.
Có lẽ không phải bạn cần thêm điều gì, mong muốn phép màu nào mà bạn phải biết buông bỏ, từ chối, khi ấy bạn sẽ thấy hạnh phúc đến với bạn. Không phiên bản nào tối ưu bằng chính sự sáng tạo và lựa chọn của bạn. Chuyên gia tâm lý Martin Seligman đưa ra với 5 yếu tố tạo nên trạng thái hạnh phúc: Positive Emotion (Cảm giác tốt lành, những cảm xúc tích cực, lạc quan về cuộc sống); Engagement (Cảm giác gắn kết với công việc đang làm, những sở thích thú vị, nuôi dưỡng bản thân); Relationships (Những mối quan hệ xã hội, tình cảm, tình thân, những tương tác giàu cảm xúc); Meaning (Mục đích sống rõ ràng, nhận ra được ý nghĩa của cuộc sống); Accomplishments (Những thành quả bản thân trân quý, niềm tự hào về bản thân). Biết lựa chọn để không bị cuốn theo cơn sốt, hãy tin ở mình từ những việc nhỏ nhất, trân quý những gì đang có để hào hứng vươn lên trong cuộc sống…