Để không còn những bước chân tha hương

Nay đây mai đó, không mảnh đất cắm dùi, không tài sản giá trị… là cuộc sống đã thành quen của một số hộ dân di cư tự do ở huyện vùng cao Mường Chà. Nhận thức còn hạn chế, họ rời quê hương, đi theo tiếng gọi của 'miền đất hứa' nhưng chỉ là ảo vọng. Để ổn canh ổn cư, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương thì việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quan trọng không kém nhằm thay đổi nhận thức của những người di cư.

Gia đình anh Vừ A Tùng, bản Huổi Mí 2, xã Huổi Mí có 15 nhân khẩu.

Gia đình anh Vừ A Tùng, bản Huổi Mí 2, xã Huổi Mí có 15 nhân khẩu.

Ảo vọng “miền đất hứa”

Trời vừa nhá nhem tối cũng là lúc gia đình anh Vừ A Tùng (sinh năm 1988) gồm 15 nhân khẩu dắt díu trở về bản Huổi Mí 2, xã Huổi Mí (huyện Mường Chà). Dù mệt nhoài sau quãng đường di chuyển dài về nơi “chôn rau cắt rốn” song ai nấy đều vui mừng, phấn khởi. Trong ngôi nhà tạm của người chú để lại, anh Vừ A Tùng kể lại những tháng ngày vất vả: “Có người rủ đi làm ăn xa sẽ được nhiều tiền, cuộc sống sung sướng, tôi về bàn với gia đình bỏ nhà cửa, ruộng nương đi theo. Từ năm 2015 đến nay, cuộc sống của gia đình cứ thế nay đây mai đó. Tôi cùng mẹ, vợ và 12 đứa con, cháu đi khắp các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông tìm cuộc sống mới”.

Không nhà, không hộ khẩu, con cái không được học hành, tài sản của gia đình vỏn vẹn 6 cái chăn, 3 bao tải quần áo và vài chiếc bát, đũa. Số tiền dành dụm ít ỏi rồi cũng cạn, việc làm thuê kiếm sống qua ngày không đủ nuôi 15 miệng ăn. Giờ trở về bản, dù tay trắng song gia đình anh Tùng phần nào yên tâm hơn bởi trước mắt đã được chính quyền xã Huổi Mí và huyện Mường Chà hỗ trợ nhu yếu phẩm, tạm thời ở nhờ nhà người thân.

Giai đoạn 2017 - 2018, trên địa bàn xã Huổi Mí có nhiều hộ di cư tự do như gia đình anh Vừ A Tùng. Những hộ này chủ yếu là người dân tộc Mông; trước khi di cư, họ đều bán hết đất đai, nhà cửa, tài sản để làm chi phí đến nơi ở mới làm ăn, sinh sống. Khi đi không cắt khẩu, chuyển khẩu, địa phương sở tại không biết. Đến nơi ở mới cũng không nhập khẩu, không khai báo nên chính quyền nơi đó cũng không hay.

Chính quyền địa phương đón gia đình anh Vừ A Tùng, bản Huổi Mí 2, xã Huổi Mí trở về nơi ở cũ.

Chính quyền địa phương đón gia đình anh Vừ A Tùng, bản Huổi Mí 2, xã Huổi Mí trở về nơi ở cũ.

Ông Giàng A Tàng, Trưởng bản Huổi Mí 2 cho biết: “Những hộ di cư đều là vợ chồng trẻ tuổi lại đông nhân khẩu, hoàn cảnh khó khăn, dễ bị dụ dỗ, rủ rê mà bỏ nhà cửa, bỏ anh em đi tìm cuộc sống mới. Thương nhất là những đứa trẻ nhỏ phải bỏ học theo bố mẹ. Chỉ mong sao bà con sớm nhận ra việc di cư là sai mà nhanh chóng trở về bản, với anh em, họ hàng”.

Đến vùng đất mới khi đất bạc màu, làm ăn khó khăn những hộ di cư lại di chuyển đến vùng đất khác. Không ít người cuộc sống ngày càng khốn khó hơn đã phải quay trở về tay trắng. Đó là chưa kể nơi đất khách quê người phải sống chui lủi vì không có giấy tờ tùy thân, khi ốm đau bệnh tật không có thuốc men chăm sóc, thậm chí còn bị kẻ xấu lợi dụng.

Thay đổi nhận thức

Ông Giàng A Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Huổi Mí cho biết: Sau khi xác minh thông tin hộ dân di cư tự do, huyện Mường Chà và xã Huổi Mí đã thành lập đoàn công tác đến đón người dân trở về. Điều đáng mừng là người dân ở bản Huổi Mí 2 sẵn sàng nhường một phần đất nương cho gia đình anh Tùng canh tác. Ông Thào Vảng Chớ (chú của anh Vừ A Tùng) cũng sẵn lòng cho gia đình anh Tùng căn nhà tạm để ở. Tình trạng di cư tự do của một số hộ dân ở xã Huổi Mí không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền địa phương mà tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp gây mất an ninh trật tự.

Lực lượng chức năng tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân bản Pú Múa, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà.

Lực lượng chức năng tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân bản Pú Múa, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà.

Những năm qua, thực hiện chính sách dân tộc, huyện Mường Chà đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, dành nhiều nguồn lực nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người dân các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn để người dân yên tâm sinh sống, hạn chế tình trạng di cư tự do.

Thượng tá Vũ Đình Nghi, Trưởng Công an huyện Mường Chà cho biết: Tình trạng di cư trái phép trên địa bàn huyện dù đã được kiềm chế song đến nay vẫn chưa chấm dứt. Từ năm 2023 đến nay, huyện Mường Chà có 9 hộ, 56 nhân khẩu di cư tự do đi nước ngoài và các tỉnh, thành trong nước. Lực lượng công an đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho bà con hiểu. Bên cạnh đó, thường xuyên bám cơ sở, nắm chắc tình hình, giúp dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đồng thời phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ để vận động, thuyết phục từng gia đình, từng người dân không vượt biên trái phép, không du canh du cư.

Khó khăn chung của những hộ di cư là không đủ đất sản xuất dẫn tới nghèo đói, nhà cửa tạm bợ lại đông con… Để chấm dứt tình trạng di cư tự do ở một số xã vùng cao, cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời huyện Mường Chà cần phát huy vai trò của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; bám sát cơ sở nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân; phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc vận động người dân không nghe theo kẻ xấu, di cư tự do... Tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất của người dân các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện tốt chính sách tín dụng, tạo điều kiện giúp bà con có nhu cầu được vay vốn phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.

Bài, ảnh: Mai Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/219587/de-khong-con-nhung-buoc-chan-tha-huong