Để không còn những câu chuyện thương tâm do sinh con tại nhà
Vợ trở dạ, theo phong tục của người Mông, anh Mua Mí Pó, 25 tuổi, người dân tộc Mông ở xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, đã để vợ ở nhà tự sinh con. Thai nhi ngôi ngược, cả hai mẹ con rơi vào tình trạng nguy kịch.
Khi anh Pó đưa được vợ đến bệnh viện huyện, dù đã rất nỗ lực nhưng các bác sĩ cũng chỉ có thể cứu được mẹ, còn thai nhi đã tử vong khi chưa kịp chào đời. Kể lại khoảnh khắc ấy, anh Pó vẫn còn chưa hết bàng hoàng: "Vợ đã sinh 2 đứa con ở nhà, nên đứa thứ 3 cũng để như vậy. Cán bộ đã đến vận động mấy lần nhưng mình nghĩ mấy đứa trước có sao đâu nên quyết định không thay đổi.
Nhưng lần này vợ đau nhiều, mấy tiếng mà con vẫn không ra được. Tôi không biết phải làm thế nào cả. Đến lúc vợ khó thở, tôi mới nhờ người chở vợ đi viện."
May mắn hơn vợ chồng anh Mua Mí Pó, với chị Vàng Thị May, 16 tuổi, ở xã Mường Lý, huyện Mường Lát đã giữ lại được đứa con đầu lòng của mình. Vì ngại xấu hổ với bạn bè, sợ gặp người quen khi đến viện sinh, nên dù chi hội trưởng phụ nữ thôn đã đến tận nhà để vận động nhiều lần, nhưng May vẫn quyết định tự sinh ở nhà.
Khi thấy thai phụ trở dạ cả đêm vẫn chưa sinh được, May mới được người thân đưa đến bệnh viện. "Em xuống đến bệnh viện thì được đưa vào phòng mổ luôn, bác sĩ nói con nằm ngôi ngược nhưng may đến viện kịp nên cả 2 mẹ con đều được an toàn. Từ giờ nếu có sinh nữa thì em cũng nghe lời cán bộ phụ nữ, y tế bản, đi viện sinh thôi" - May tâm sự.
Thay vì tìm đến các cơ sở y tế, nhiều phụ nữ ở các xã vùng cao trên địa bàn huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa vẫn lựa chọn hình thức sinh con tại nhà. Theo lời bác sĩ Hà Thị Phúc, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, câu chuyện như của gia đình anh Pó hay gia đình May không phải là hiếm gặp ở huyện vùng cao biên giới xứ Thanh này.
Đường sá xa xôi, đi lại khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số ở xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn lựa chọn sinh con tại nhà.
Hơn 10 năm công tác tại Mường Lát, có những câu chuyện đã trở thành nỗi ám ảnh suốt cuộc đời đối với một bác sĩ sản khoa như bà Phúc: "Trung bình mỗi năm trên địa bàn huyện Mường Lát có khoảng 300 sản phụ sinh con, trong đó vẫn còn một số trường hợp sinh con tại nhà. Thời gian trước đây, làm bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát, tôi đã chứng kiến rất nhiều cảnh đau lòng.
Có những trường hợp ngôi ngang, em bé sa tay ra ngoài, họ kéo mà đứt cả tay. Khi đến bệnh viện, người nhà còn cầm theo cả tay em bé. Lúc đó, con thì mất rồi, mình bắt buộc phải mổ để cứu mẹ. Đó là một thứ quá kinh khủng đối với bác sĩ."
Cũng theo bác sĩ Hà Thị Phúc, những trường hợp tai biến sản khoa do sinh con tại nhà xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, như điều kiện địa lý, có những nhà cách xa trung tâm y tế, cách xa cơ sở y tế cả ngày đường, chỉ có thể đi bộ, leo đồi núi. Thứ 2 là về văn hóa. Bản thân người phụ nữ cũng có nhận thức tiến bộ, muốn đến cơ sở y tế để sinh. Tuy nhiên, họ bị phụ thuộc rất nhiều vào chồng và gia đình chồng, thậm chí là cả bố mẹ đẻ cũng không tán thành việc tới cơ sở y tế để sinh.
"Đối với chị em người dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Mông khi thăm khám thai cho họ, tôi luôn đưa ra lời khuyên. Tôi luôn động viên chị em phải mạnh mẽ, khẳng định, thuyết phục chồng, bố mẹ rằng bác sĩ bảo cần phải đến bệnh viện sinh con thì mới an toàn. Thực tế đã có nhiều trường hợp có thể gây hư nguy hiểm đến tính mạng vì sinh con tại nhà, không được chăm sóc y tế đầy đủ" - chị Phúc nhấn mạnh.
Theo chị Hà Thị Nhơn, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, cán bộ phụ nữ xã, chi hội trường phụ nữ của các thôn đã thường xuyên phối hợp với nhân viên y tế thôn bản, trạm y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân nơi đây về việc sinh con tại nhà, đặc biệt là đối với mẹ chồng, mẹ đẻ và người chồng.
"Chị em cán bộ cơ sở thường xuyên thăm các hộ gia đình, nhắc nhở người phụ nữ nhận biết sớm các dấu hiệu chuyển dạ để đến cơ sở y tế kịp thời. Đồng thời, huyện hội cũng đã tận dụng nguồn kinh phí từ một số dự án liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, hỗ trợ kinh phí đi lại, ăn uống cho những trường hợp sinh con tại trạm để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho người dân, khuyến khích họ lựa chọn cơ sở y tế để sinh con, hạn chế tình trạng sinh tại nhà." - chị Nhơn cho biết.
Nhằm giảm thiểu tình trạng sinh con tại nhà, gây nguy hiểm cho cả mẹ và con, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều hoạt động quan trọng. Trong quá trình triển khai 04 gói hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em theo chương trình Mục tiêu Quốc Gia, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã đề xuất bổ sung thành công chế độ hỗ trợ đi lại cho bà mẹ khi đến khám thai tại cơ sở y tế 4 lần trong suốt thời gian thai kỳ theo Hướng dẫn của Bộ Y tế: 100.000 đ/người/lần và hỗ trợ gói vật tư chăm sóc khi sinh đối với trường hợp bà mẹ sinh từ 02 bé trở lên hỗ trợ thêm 300.000 đ/gói/em bé.
Năm 2023, tổ chức 03 lớp tập huấn với sự tham gia của 150 cán bộ Hội LHPN các cấp, cán bộ y tế ở 10 tỉnh trong cả nước có tỷ lệ sinh con tại nhà cao. Năm 2024, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức chuỗi sự kiện truyền thông mẫu vận động phụ nữ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em với sự tham gia của khoảng 2.000 hội viên, phụ nữ tại 8 tỉnh có tỷ lệ sinh con tại nhà cao (Quảng Nam và Quảng Ngãi, Hà Giang, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Sơn La, Lai Châu).
Hội LHPN cấp tỉnh, huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát, đồng hành, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết những vấn đề liên quan đến chế độ chính sách của gói hỗ trợ sinh đẻ an toàn ngay tại cơ sở.
Theo báo cáo của Hội LHPN 10 tỉnh, tính đến tháng 8/2024, các tỉnh đã hỗ trợ chi trả chế độ các gói chính sách cho gần 7.000 bà mẹ với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 9 tỷ đồng.
Theo bác sĩ Trần Thị Hải Hà, Khoa Phụ sản, Bệnh viện E (Hà Nội), ở giai đoạn cuối thai kỳ, thì người phụ nữ cần phải biết được những dấu hiệu chuyển dạ, bao gồm đau bụng cơn, ra máu âm đạo, ra nước âm đạo.
Ngoài ra nếu như vào giai đoạn cuối của thai kỳ mà có các bất thường khác, ví dụ như mệt mỏi, đau thượng vị, đi tiểu buốt, dắt, hoặc là sốt, tất cả các dấu hiệu bất thường đó cần phải được thăm khám.
Bác sĩ Hà khuyến cáo, riêng đối với người phụ nữ ở vùng cao do điều kiện đi lại khó khăn, chị em nên đến cơ sở y tế gần nhất, ví dụ trạm y tế xã khi có các dấu hiệu như đau bụng lâm râm, đau bụng tăng dần, không nên đợi tới khi đau nhiều mới di chuyển.
Để tránh được các nguy cơ rủi ro về sức khỏe, sản phụ và người nhà cần lưu ý:
- Chị em tốt nhất không tự sinh con tại nhà. Thai phụ cần phải tuân thủ nghiêm túc việc khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình mang thai. Đồng thời tuân thủ tái khám, để bác sĩ có những phát hiện sớm nhất về các bất thường, từ đó tiên đoán các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra trong quá trình mang thai và sinh con.
- Các dấu hiệu nguy hiểm nếu sinh tại nhà đầu tiên là chảy máu và chảy máu không ngừng. Nếu sau sinh, lượng máu vẫn tiếp tục chảy ra nhanh, chảy ra nhiều, máu đỏ tươi hoặc thậm chí có những máu cục hay là nhau không bong thì ngay lập tức phải đến cơ sở y tế.
- Nếu như trong trường hợp cơ sở y tế xa và tiên đoán khả năng tới cơ sở y tế mất nhiều thời gian, thì sản phụ hoặc người thân cần phải gọi điện cho nhân viên y tế hoặc những người có kinh nghiệm ở gần đó nhất để hỗ trợ và sơ cứu.