Để không 'sập bẫy' các tổ chức lừa đảo nơi xứ người
Mặc dù các thông tin về lừa đảo 'việc nhẹ, lương cao', về những cạm bẫy chực chờ những người lao động được các phương tiện truyền thông, báo chí và các cơ quan chức năng tuyên truyền, liên tục cảnh báo, nhưng vẫn có nhiều người Việt Nam sang Campuchia làm việc cho các tổ chức lừa đảo dưới nhiều hình thức và hậu quả là bị hành hạ dã man, thậm chí bị giết hại, nếu không làm được việc.

Một nạn nhân bị đánh gãy chân phải nhờ người hỗ trợ. Ảnh: Đơn vị cung cấp
Vào ngày 5 và 6/2, tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, BĐBP Tây Ninh, các lực lượng chức năng của BĐBP Tây Ninh; Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) BĐBP; Công an tỉnh Tây Ninh đã phối hợp tiếp nhận tổng số 210 công dân (184 nam, 26 nữ) do Đại sứ quán Việt Nam và lực lượng chức năng Campuchia trao trả. Sau khi tiếp nhận, các lực lượng đã tiến hành rà soát, sàng lọc, xác định tội phạm và nạn nhân bị mua bán để có biện pháp xử lý.
Khi đi khỏe mạnh, khi về tàn phế
Theo một cán bộ điều tra của BĐBP Tây Ninh, trong số 210 công dân tại 50 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều nhất là công dân của các tỉnh Đồng Nai, Lào Cai, Bình Thuận... sang Campuchia bằng nhiều hình thức, hầu hết đều làm việc cho các tổ chức lừa đảo và đều bị hành hạ dã man. Thực tế, có 14 công dân trước khi được bàn giao, đã phải nằm điều trị dài ngày tại các bệnh viện ở Campuchia. Nguyên nhân là do bị đánh đập tàn nhẫn không thể đi lại được, thậm chí có trường hợp phải khiêng lên xe trước khi đưa về nước.
Một nạn nhân (giấu tên) cho biết: “Khi sang Campuchia, nếu không kiếm ra tiền thì sẽ bị tra tấn, hành hạ, nhưng dù làm được việc, kiếm được nhiều tiền vẫn không được trả lương và để được trả lương, phải lôi kéo thêm ít nhất 3 người từ trong nước sang Campuchia, thậm chí có những người phải lừa cả người thân, người yêu của mình”.
“Do công việc quá khắc nghiệt, áp lực quá nên em mới bỏ trốn. Trốn không được nên em bị họ bắt lại. Họ dùng gậy 3 khúc đánh gãy chân của em, đá vào ngực em, nhốt em trong phòng...” - một nạn nhân khác kể lại trong đau đớn.
Thượng tá Nguyễn Minh Trí, Phó Trưởng phòng PCMT&TP, BĐBP Tây Ninh cho biết, vừa qua, chúng tôi đã tiếp nhận 210 công dân Việt Nam lao động, cư trú bất hợp pháp từ Campuchia về nước, trong đó, gần 100% làm việc cho tổ chức lừa đảo. Trong số đó có rất nhiều đối tượng vi phạm pháp luật và chúng tôi đã lập hồ sơ, danh bản, chỉ bản bàn giao cho Công an các địa phương tiếp tục theo dõi về tội mua bán người sang nước bạn để xử lý theo quy định của pháp luật. Thời gian tới, BĐBP Tây Ninh và các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục phối hợp triển khai các biện pháp nghiệp vụ, bóc gỡ, triệt phá và xử lý thích đáng với tội phạm lừa đảo hoạt động xuyên biên giới”.
Không nên đánh cược mạng sống một cách may rủi
Trong số các công dân được bàn giao trong đợt này, nhiều người biết rõ có nhiều cạm bẫy khi sang Campuchia, nhưng họ vẫn đi. Tôi hỏi một nạn nhân: "Trước khi đi, em có biết sang Campuchia có rủi ro không?". Họ trả lời: "Trước khi đi, em cũng biết là có rủi ro, nhưng em vẫn muốn đi một lần để có tiền trang trải cuộc sống”. “Em tự đi hay em bị lừa?" - tôi hỏi. Nạn nhân trả lời tiếp: "Em và đứa bạn thấy gần đến Tết, tính kiếm tiền để ăn Tết và phụ giúp gia đình nên hai đứa tự tìm hiểu rồi sang Campuchia”.
Trên thực tế, khi sang Campuchia, các nạn nhân bị giám sát, cách ly và bị đánh đập, nếu không hoàn thành chỉ tiêu lừa đảo là chuyện như cơm bữa và cơ hội quay trở lại Việt Nam hầu như không có. Và họ đành chấp nhận đánh đổi mạng sống, nếu như không được lực lượng chức năng Campuchia và Việt Nam giải cứu.
Một cán bộ Công an tỉnh Svay Rieng, Campuchia cho biết: Ngay sau khi nắm được các đối tượng là bảo vệ và nhân viên của các tổ chức lừa đảo hành hạ, tra tấn nhóm người Việt Nam, lực lượng Công an Campuchia đã tiến hành kiểm tra và bắt giữ 12 đối tượng, gồm 4 người Trung Quốc và 8 người Campuchia đang giam giữ 14 người Việt Nam để đòi tiền chuộc. Đồng thời, giải cứu hơn 300 người, trong đó có gần 200 người Việt Nam và hơn 100 người thuộc các quốc gia khác đang làm việc tại các tổ chức lừa đảo. Đặc biệt, lực lượng chức năng Campuchia còn thu được quần áo Cảnh sát Việt Nam - được các đối tượng sử dụng để lừa đảo và đóng giả Công an Việt Nam nhằm trấn áp các lao động người Việt Nam.
Đại tá Trương Công Số, Trưởng phòng PCMT&TP, BĐBP Tây Ninh cho biết: Qua rà soát, chúng tôi xác định, trong số các nạn nhân sang Campuchia, 3 công dân đi qua biên giới Tây Ninh, 2 công dân qua biên giới Long An, 2 công dân qua biên giới Kiên Giang và 1 công dân qua biên giới An Giang. Còn lại 144 công dân không nhớ được địa điểm xuất cảnh, do các công dân này ở các tỉnh khác không thuộc địa danh các tỉnh đã đi qua. Tuy nhiên, qua mô tả, thời gian và cung đường của các đối tượng trên xuất cảnh trái phép, bước đầu nhận định, chủ yếu là tuyến biên giới của các tỉnh Tây Ninh, Long An, Kiên Giang và An Giang. Qua rà soát, phân loại, xác định 152/210 công dân xuất cảnh trái phép và phần lớn số công dân Việt Nam được trao trả lần này sang Campuchia để thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại kinh tế cho công dân Việt Nam ở trong nước, gây mất an ninh trật tự và uy tín, hình ảnh của Việt Nam.
Cục PCMT&TP BĐBP đã chỉ đạo BĐBP các tỉnh tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia; Đoàn Đặc nhiệm PCMT&P miền Nam, Cục PCMT&TP BĐBP tăng cường công tác nắm tình hình, xác lập chuyên án đấu tranh hiệu quả với các đường dây mua bán người và tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh trái phép.
Đại tá Trương Công Số khuyến cáo, người lao động phải tìm hiểu kỹ công việc thông qua các công ty giới thiệu việc làm của Nhà nước, địa phương nơi cư trú để được tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm phù hợp; đồng thời được tư vấn thêm kiến thức để nhận biết những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người. Không vì cả tin “việc nhẹ, lương cao”, kể cả trên không gian mạng để “sập bẫy” các đối tượng mua bán người, góp phần chung tay phòng, chống loại tội phạm này.