Để không tái diễn chuyện giải cứu nông sản

Trước tình trạng nhiều loại trái cây xuất khẩu như thanh long, dưa hấu... bị ùn ứ vì ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, ngành Công thương các tỉnh phía Nam đã cùng nhau ngồi lại tìm giải pháp ứng phó.

Giá xoài giảm mạnh vì Trung Quốc đóng cửa khẩu. Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc). Ảnh:B. Nguyên

Giá xoài giảm mạnh vì Trung Quốc đóng cửa khẩu. Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc). Ảnh:B. Nguyên

Nhiều chương trình kết nối, tăng cường tiêu thụ trái cây xuất khẩu được triển khai, từ các chuyến xe chở hàng chục ngàn tấn dưa hấu về bán tại các đô thị, thành phố lớn đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi... cũng tham gia bán trái cây hỗ trợ nông dân. Nhưng gốc vấn đề vẫn là giải bài toán sản xuất, thị trường để tình trạng giải cứu nông sản không còn tiếp diễn như bao năm qua.

* Nhiều tỉnh kêu gọi “cứu” nông sản

Long An, Tiền Giang, Bình Thuận hiện là 3 tỉnh trồng thanh long lớn nhất nước. Tại hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ trái cây xuất khẩu của ngành Công thương phía Nam diễn ra vào ngày 5-2 tại Long An, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 11,8 ngàn hécta thanh long. Hiện tại biên giới tỉnh Lào Cai, hàng trăm xe thanh long của Long An không thể xuất đi Trung Quốc. Trong kho của các cơ sở thu mua thanh long trên địa bàn tỉnh còn tồn hơn 2 ngàn tấn thanh long ruột đỏ, chưa kể lượng thanh long chuẩn bị thu hoạch vào tháng 2 là khoảng 20 ngàn tấn và hàng chục ngàn tấn vào các tháng tiếp theo. Theo đó, giá thanh long ruột đỏ đang đứng ở mức trên 40 ngàn đồng/kg hồi trước Tết Nguyên đán 2020 thì nay chỉ còn 4-5 ngàn đồng/kg.

Cùng nỗi lo, ông Đặng Văn Tuấn, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cho biết thêm, tỉnh này cũng có khoảng 8,4 ngàn hécta thanh long. Ngoài ra, Tiền Giang còn một số nông sản chủ yếu xuất đi Trung Quốc như: thơm, mít, dưa hấu... và hiện nông dân, thương lái đều gặp nhiều khó khăn vì không tiêu thụ được hàng do Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu. Hiện tỉnh đang kết nối nhà vườn với các kho, các hệ thống siêu thị trong tỉnh, nỗ lực “cứu mình”. Một số doanh nghiệp tổ chức các chuyến xe chở nông sản về các xã, khu công nghiệp, đơn vị quân đội... tiêu thụ trái cây tươi cho nông dân. “Mong các tỉnh tiêu thụ mạnh hỗ trợ mua trái cây cho nông dân Tiền Giang, nhất là các doanh nghiệp có kho lạnh hoặc chế biến tăng mua dự trữ nguồn hàng” - ông Tuấn nói.

Theo nhiều thương lái, hiện hoạt động thu mua, đóng hàng trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hầu như tê liệt. Việc xuất khẩu đi các thị trường khác cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ông Nguyễn Chính Trưởng, chủ vựa thu mua trái cây tại xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) chia sẻ, giá nhiều loại trái cây giảm mạnh nhưng thương lái vẫn chưa mặn mà thu mua vì không còn đơn hàng xuất khẩu. Sau Tết Nguyên đán 2020, nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa cũng giảm mạnh. Thị trường tiêu thụ nông sản khó khởi sắc lại ngay vì tình hình dịch bệnh do nCoV ngày càng phức tạp.

* Chủ động tìm giải pháp

Phó giám đốc Sở Công thương Đồng Nai Lê Văn Lộc nhận xét, dịch bệnh do nCoV đang ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế. Nhiều tỉnh có nông sản xuất khẩu chính vào thị trường Trung Quốc như thanh long, dưa hấu... đã xảy ra tình trạng bị ùn ứ, rớt giá. Đồng Nai cũng có nhiều mặt hàng trái cây chủ yếu xuất đi Trung Quốc như xoài, chuối... Sở Công thương, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn và các địa phương đã ngồi lại đánh giá, rà soát về sản lượng những nông sản chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc để có giải pháp ứng phó kịp thời trong thời gian sắp tới.

Đại diện của hệ thống siêu thị BigC cho hay, doanh nghiệp sẵn sàng chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Cụ thể trong tuần này, siêu thị sẽ bắt đầu tham gia giải cứu thanh long ruột trắng của tỉnh Bình Thuận và thanh long ruột đỏ, dưa hấu của các tỉnh miền Tây. Siêu thị cũng lên kế hoạch “giải cứu” các loại trái cây đang rớt giá như: ổi, mít... Theo người đại diện này, thực tế khi đi thu mua nông sản giải cứu, nông dân vẫn so sánh với mức giá cao khi xuất khẩu tốt mà quên đây là thời điểm trái cây bị ùn ứ, thậm chí có nông dân đã phải đổ bỏ vì không tiêu thụ kịp nên việc thương lượng còn khó khăn. Nông dân cần thay đổi suy nghĩ trên để việc mua bán nhanh chóng hơn thì mới tăng hiệu quả của chương trình.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh nhận xét, các tỉnh dựa rất nhiều vào thị trường tiêu thụ lớn nhất là TP.Hồ Chí Minh nên mỗi khi hàng hóa ứ đọng đều kêu gọi thị trường này giải cứu. Nhưng thực tế, thành phố cũng rất khó tăng sức tiêu thụ vì có quá nhiều chợ đầu mối, siêu thị và vẫn bán đều các loại trái cây này. Các tỉnh phía Nam đều có diện tích trái cây rất lớn, chương trình giải cứu thanh long, dưa hấu... nên nhắm đến cả các tỉnh miền Trung, miền Bắc. TP.Hồ Chí Minh đã làm việc với các hệ thống siêu thị, doanh nghiệp bảo quản, sấy khô, chế biến nhưng đây không phải là câu chuyện dễ dàng vì sản lượng tiêu thụ cũng có hạn và không phải loại trái cây nào cũng đưa vào chế biến.

Theo bà Trang, đợt “giải cứu” này là bài học để nông dân quyết tâm thay đổi thói quen, chuyển sang sản xuất an toàn đạt chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính khác. Vì chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều thị trường thì trái cây tươi Việt Nam mới không quá lệ thuộc vào một thị trường, tránh tình trạng Trung Quốc chậm hoặc ngừng nhập khẩu là nông sản lại rơi vào cảnh cần “giải cứu”.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202002/de-khong-tai-dien-chuyen-giai-cuu-nong-san-2987110/