Để khu vực tư nhân bước ra khỏi vùng an toàn, kiến tạo trong kỷ nguyên mới
'Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2025 không tổ chức để nói cho có, càng không phải nơi để tìm đặc quyền. Chúng tôi tổ chức Diễn đàn này để khu vực tư nhân bước ra khỏi vùng an toàn và để chính sách được kiểm nghiệm bằng thực tiễn sống động', chị Phạm Thị Bích Huệ - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nói.
Lần đầu tiên sau gần một thập kỷ, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) 2025 với một cấu trúc hoàn toàn mới với ba vòng đối thoại kéo dài suốt ba tháng, kết nối trực tiếp tiếng nói từ doanh nghiệp địa phương tới Chính phủ.
VPSF 2025 đang được kỳ vọng sẽ trở thành một hành trình chính sách sống, nơi tiếng nói của tư nhân phải bắt đầu từ người trong cuộc, nơi tiếng nói của doanh nghiệp không chỉ được lắng nghe mà còn được kiến tạo cùng thể chế.
Ngay trước khi phiên đối thoại địa phương đầu tiên của Diễn đàn diễn ra tại An Giang, chị Phạm Thị Bích Huệ - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn đã có cuộc có cuộc trò chuyện vớiTiền Phong.
Là một phần kiến tạo trong kỷ nguyên mới
- Thưa chị, chị đánh giá thế nào về ý nghĩa và vai trò của thời điểm tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025?
VPSF 2025 diễn ra đúng thời điểm kinh tế Việt Nam đang có những chuyển biến lớn đầy tích cực. Đây là giai đoạn đầu tiên nước ta vận hành theo thiết chế hành chính mới, đồng thời triển khai các Nghị quyết chiến lược, đặc biệt là Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Chúng tôi gọi đây là “thời điểm vàng”, nơi khát vọng phát triển, nhu cầu cải cách thể chế và sức bật nội tại của khu vực tư nhân cùng hội tụ và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị như một vạch xuất phát kép, vừa mở đầu một chu kỳ phát triển, vừa định hình lại cách tổ chức không gian phát triển.
Trong đó, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, nơi mỗi tiếng nói từ doanh nghiệp không chỉ là một kiến nghị mà là sự cộng hưởng vào bản giao hưởng của đổi mới và hành động. Nó như một tuyên bố mạnh mẽ rằng, doanh nghiệp tư nhân không đứng ngoài dòng chảy cải cách, mà sẽ là một phần kiến tạo chủ đạo trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Chị Phạm Thị Bích Huệ - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn. Ảnh: NVCC
- VPSF 2025 được tổ chức với quy mô và có những điểm nhấn nào, thưa chị?
VPSF 2025 không chỉ là một sự kiện “một ngày”, mà là hành trình xuyên suốt gần 3 tháng, đi qua 3 cấp độ đối thoại: địa phương - bộ, ngành - cấp cao. Ở mỗi cấp, chúng tôi đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, không chỉ lắng nghe mà tạo điều kiện để họ trực tiếp phát biểu, kiến nghị, đối thoại.
Sau gần 10 năm, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trở lại vai trò chủ trì Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam. Điều đó không chỉ phản ánh trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân trẻ, mà còn là hình ảnh của một thế hệ doanh nhân tư nhân mới: dấn thân, không chỉ mưu cầu thành công cho doanh nghiệp mình, mà còn muốn đóng góp vào quá trình cải cách thể chế, đổi mới mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam.
Cùng với đó, trong khi Chính phủ đang mở ra nhiều cơ chế thuận lợi thông qua các “bộ tứ trụ cột" nghị quyết, cộng đồng doanh nhân thông qua Diễn đàn cũng thể hiện tinh thần đồng hành, chủ động cất lên tiếng nói xây dựng và góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân.
Thực chất, không chạy theo hình thức
- Diễn đàn tổ chức như chị nói rơi đúng vào "thời điểm vàng", vậy Ban Tổ chức sẽ tập trung vào những nội dung trọng tâm nào, thưa chị?
Chúng tôi xây dựng Diễn đàn xoay quanh 4 trụ cột chiến lược: Tự chủ chuỗi giá trị; thể chế kiến tạo; năng lực chiến lược và toàn cầu hóa giá trị Việt.
Mỗi nội dung đều có các phiên thảo luận mở với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước. Đây không chỉ là những chủ đề mà là những hướng đi cụ thể để khu vực tư nhân vươn lên mạnh mẽ và có vị thế hơn trong nền kinh tế toàn cầu.
Đặc biệt, tại phiên đối thoại cấp cao, một Tuyên bố chung sẽ được thông qua, thể hiện cam kết đồng hành giữa khu vực kinh tế tư nhân và các cơ quan hoạch định chính sách trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, hiện đại, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi của kỷ nguyên mới.
Kết quả của Diễn đàn sẽ được tổng hợp và công bố trong “Sách Trắng Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025”, với các nhóm kiến nghị chính sách cụ thể, thiết thực, được gửi tới Chính phủ, các bộ ngành và địa phương.

Tại chương trình họp báo giới thiệu Diễn đàn, đã giới thiệu và tặng hoa Ban Cố vấn. Ảnh: Xuân Tùng
- Thưa chị, qua Diễn đàn năm nay, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ có giải pháp nào nhằm thúc đẩy chuyển động chính sách thực chất, đặc biệt trong việc thúc đẩy khu vực tư nhân chuyển đổi số?
Chúng tôi không muốn Diễn đàn kết thúc bằng một “bản báo cáo đẹp”. Chúng tôi muốn bắt đầu một vòng đời chính sách mới, trong đó tiếng nói doanh nghiệp trở thành chất liệu sống của thể chế.
Chính vì vậy, ngay sau Diễn đàn, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ triển khai Bộ công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp của từng địa phương, và thúc đẩy xây dựng Bản đồ năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, ở đó, mọi khuyến nghị không dừng ở báo cáo mà sẽ được tích hợp vào lộ trình chính sách có khả năng triển khai thực tế.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đề xuất chương trình đào tạo 10.000 CEO trẻ, dẫn dắt doanh nghiệp tư nhân bứt phá bằng chuyển đổi số - nhưng theo cách thực chất, gắn với mô hình kinh doanh, chứ không chạy theo hình thức.
Chúng ta đang đứng trước một vận hội mới của lịch sử dân tộc. Nếu chính sách là ngọn gió thì doanh nghiệp là cánh buồm. Nếu gió thổi đúng hướng và buồm căng gió thì chúng ta sẽ cùng vượt sóng thành công tiến ra biển lớn, chị Phạm Thị Bích Huệ - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.
Hệ sinh thái thể chế đồng hành để kiến tạo
- Chị có kỳ vọng gì vào Diễn đàn lần này, cũng như thông điệp gửi đến cộng đồng doanh nhân?
Tôi kỳ vọng rằng sau mỗi phiên thảo luận, chúng ta không chỉ có thêm câu trả lời cho chính sách, mà còn có thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nhân.
Tôi tin rằng, doanh nhân Việt Nam đủ bản lĩnh, trí tuệ và nội lực để trở thành trụ cột của nền kinh tế trong giai đoạn mới. Nhưng để làm được điều đó, chúng ta cần một hệ sinh thái thể chế đồng hành, không cản trở, không trì trệ.
Tư nhân không mong đặc quyền hay đặc lợi mà cần một môi trường minh bạch, công bằng để kiến tạo và phát triển trên chính năng lực của mình.
Diễn đàn này không nhằm tô vẽ ai cả, mà là nơi để soi sáng một sự thật: Doanh nhân Việt Nam đủ bản lĩnh, trí tuệ, nội lực để trở thành trụ cột trong hành trình vươn lên cùng đất nước.
Nhưng, họ không thể làm điều đó một mình. Họ cần một bàn tay chính sách chìa ra đúng lúc - không phải để nâng đỡ, mà là đồng hành để tháo gỡ, đồng hành để kiến tạo.

Ban Tổ chức Diễn đàn. Ảnh: Xuân Tùng
Chiều nay (9/7), tại An Giang, Diễn đàn Kinh tế tế tư nhân khu vực Tây Nam Bộ năm 2025 sẽ diễn ra, nhằm tạo không gian đối thoại, chia sẻ và kiến tạo giải pháp giữa doanh nghiệp và các bên liên quan. Đây là phiên đối thoại địa phương đầu tiên của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025.