Đề kiểm tra Tiếng Việt bậc tiểu học đã nhiều năm không dùng ngữ liệu trong SGK

Việc không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa là để tránh học sinh học tủ, học vẹt, để phát huy năng lực của các em.

Trước thềm năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn 3935/BGDĐT-GDTrH về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025.

Theo đó, công văn nêu rõ: “Đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.

 Học sinh lớp 2 đã phải đọc hiểu văn bản ngoài sách giáo khoa từ nhiều năm nay (Ảnh tác giả)

Học sinh lớp 2 đã phải đọc hiểu văn bản ngoài sách giáo khoa từ nhiều năm nay (Ảnh tác giả)

Chấm dứt "học tủ, học vẹt"

Yêu cầu trên dù đã có từ 2 năm qua nhưng vẫn được nhiều giáo viên bàn luận. Một bạn đọc chia sẻ: “Tiểu học khi kiểm tra đánh giá theo Thông tư 27 đã không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa lâu rồi. Việc không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa là để tránh học sinh học tủ, học vẹt, để phát huy năng lực của các em. Tuy việc này có thể khiến giáo viên vất vả nhưng học sinh được lợi rất nhiều”.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh có con năm nay học lớp cuối cấp cũng bày tỏ lo lắng. “Mỗi tác phẩm, tác giả mới, học sinh sẽ cần thời gian tìm hiểu. Nếu chưa được học trong sách thì với thời gian ngắn ngủi trong phòng thi làm sao có thể hiểu và làm tốt bài? Năm nay con tôi thi vào 10, thật sự không khỏi lo lắng".

Cô giáo Nguyễn Lan, giáo viên môn Ngữ văn một trường trung học cơ sở tại tỉnh Nghệ An cho biết: “Không sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực học sinh ở phần đọc hiểu chiếm khoảng 2 đến 3 điểm thì được. Học sinh sẽ tự vận dụng kiến thức đã học để phát huy tính sáng tạo của mình cũng tốt.

Tuy nhiên, yêu cầu toàn bộ văn bản được học trong sách giáo khoa không được sử dụng trong đề kiểm tra sẽ là thách thức với cả thầy và trò".

Cô giáo Minh Lan, giáo viên Ngữ văn một trường trung học phổ thông tại Bình Thuận cho rằng: “Yêu cầu không sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu là đáp ứng đúng mục tiêu chương trình mới chủ yếu dạy kỹ năng cho học sinh là chính.

Ưu điểm nổi bật là học sinh phải vận dụng kỹ năng để giải quyết vấn đề, cái hay của yêu cầu này là ngăn được học tủ, học vẹt, làm giảm tình trạng sao chép văn mẫu, học sinh học vẹt.

Tuy nhiên là một người trong cuộc, sau 2 năm thực hiện yêu cầu này, giáo viên nhận thấy chỉ phù hợp với những học sinh có lực học tốt, có khả năng tự học cao mà một lớp những học sinh đáp ứng yêu cầu đó chỉ chiếm khoảng 20%.

Phần đông, học sinh không biết vận dụng kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề, cái này là rất khó. Xưa nay, dạy gì thi đó, cày đi cày lại một vấn đề đến nhuần nhuyễn mà nhiều em làm còn không nổi mà nay học tác phẩm này lại làm tác phẩm khác thật sự không dễ với học sinh”

Dùng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để học sinh đọc hiểu đã được áp dụng từ bậc tiểu học nhiều năm nay

Là một giáo viên tiểu học, người viết chia sẻ đôi điều về nội dung này. Thực tế, từ vài năm trở lại đây, bậc tiểu học đã không dùng những bài đọc trong sách giáo khoa cho học sinh đọc hiểu trong các bài kiểm tra định kỳ. Thời gian đầu thực hiện, nhiều giáo viên cũng rất lo ngại khi phải tìm tòi ngữ liệu bên ngoài sao cho phù hợp với trình độ, nhận thức của học sinh bậc tiểu học. Ngoài ra, giáo viên phải ra một hệ thống câu hỏi sao cho phân loại được các đối tượng học sinh.

Do không thể biết nhà trường sẽ chọn đoạn trích nào để học sinh kiểm tra nên giáo viên sưu tầm và tuyển chọn một số ngữ liệu phù hợp để ôn tập cho các em hiểu và nắm chắc cách làm căn bản nhất. Từ đó, giúp các em biết vận dụng những kiến thức chung đã học để làm khi gặp những ngữ liệu khác.

Điều nhận được rõ ràng nhất là kết quả được phân loại rõ rệt theo đúng lực học của học sinh. Mỗi lớp, số lượng học sinh đạt điểm tối đa phần đọc hiểu chỉ vài em chiếm khoảng 10%, thậm chí có lớp không có học sinh nào. Đạt điểm khá, trung bình chiếm 70%, điểm yếu khoảng 10 đến 20%.

Về phía học sinh, thời gian đầu mới bắt đầu làm những đề đọc hiểu mà ngữ liệu không có trong sách giáo khoa và chưa bao giờ được học đến, nhiều em cũng lúng túng và làm sai nhiều.

Tuy thế, qua thời gian, học sinh đã quen dần và làm bài tốt hơn nhiều. Một điều thấy rõ nhất là, những học sinh có lực học khá, tốt luôn có kết quả từ khá đến tốt. Những học sinh có lực học yếu kém thường không biết làm.

Không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa để kiểm tra, thi không phải là yêu cầu mới

Theo người viết, yêu cầu không sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực học sinh không phải là mới.

Còn nhớ, thời tôi thi đại học vào năm 1986-1987 và nhiều năm sau đó, những tác phẩm xuất hiện trong đề thi đại học cũng không nằm trong sách giáo khoa được học ở nhà trường. Vì thế, chuyện trúng tủ đề gần như không bao giờ có.

Do không trúng tủ đề nên học sinh cũng rất ít đi học thêm mà tự mình học là chính. Để trang bị kiến thức cho học sinh, thầy cô giảng dạy những tác phẩm trong sách giáo khoa rất kỹ về cách cảm nhận, phân tích, tìm dẫn chứng minh họa, biện pháp nghệ thuật, rút ra bài học …

Chúng tôi chủ yếu học cách làm. Khi nắm chắc lý thuyết thì việc vận dụng vào làm những tác phẩm chưa được học cũng không phải là khó. Thời điểm ấy, điểm tổng kết môn Ngữ văn của một học sinh giỏi cũng chỉ ở mức 7.0 đến 7.5, điểm xuất sắc 8.0 là không nhiều. Điểm thi đại học, ai đạt được điểm 5, 6 môn Ngữ văn đã là điểm khá cao rồi.

Bất kỳ một sự đổi mới nào bước đầu cũng có nhiều tranh luận nhưng sự đổi mới cách dạy, cách học, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn là cần thiết với cả thầy và trò. Việc này góp phần thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực cho học sinh giúp các em tích cực, chủ động và sáng tạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập như mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề ra.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/de-kiem-tra-tieng-viet-bac-tieu-hoc-da-nhieu-nam-khong-dung-ngu-lieu-trong-sgk-post244790.gd