Để kim ngạch xuất khẩu đạt 4,5 tỷ USD
4,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu là một trong những chỉ tiêu được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Chú trọng thu hút đầu tư, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, quan tâm sản phẩm có giá trị gia tăng là những hướng đi cần thiết nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra.
MỞ RỘNG QUY MÔ
Nếu theo dõi kỹ mới có thể nhận thấy rằng, giá trị xuất khẩu hằng năm của Tiền Giang tăng đều qua các năm. Điều này phần nào thể hiện được năng lực sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn mạnh, môi trường kinh tế Tiền Giang đã được khởi sắc. Theo đánh giá của Sở Công thương, hoạt động xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 có bước phát triển đáng kể, các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp ngày càng nhiều và đa dạng hóa được các mặt hàng xuất khẩu, tăng dần quy mô và thị trường xuất khẩu.
May mặc luôn chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu.
Các mặt hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp có mức tăng mạnh, đây là nhóm đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh như: Giày, túi xách, ống đồng, may mặc... Riêng nhóm hàng nông, thủy sản gặp khó khăn về thị trường (nhu cầu nhập khẩu thấp, cạnh tranh, rào cản kỹ thuật, thương mại...). Con số cụ thể cho thấy rằng, nếu vào năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chỉ đạt 1,76 tỷ USD, đến năm 2020 đạt 3,046 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm gần đây đạt 13,36 tỷ USD, với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 11,26%/năm, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Giày, túi xách, ống đồng, may mặc… là những nhóm hàng luôn chiếm vị trí đứng đầu trong danh sách kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Tiền Giang. Điều đặc biệt là trong năm 2020, dù chịu tác động lớn của dịch Covid-19 nhưng ống đồng cũng mang về khoảng 601 triệu USD, may mặc đạt hơn 541 triệu USD và giày đạt khoảng 450 triệu USD.
Thủy sản xuất khẩu dù chịu tác động lớn từ các yếu tố thị trường và cạnh tranh nhưng những năm gần đây cũng mang về xấp xỉ 350 triệu USD cùng với thị trường tiêu thụ tương đối rộng lớn. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO) cho biết, đối với mặt hàng cá, hiện các doanh nghiệp cũng đã xuất khẩu được khoảng 250 quốc gia, riêng sản phẩm của GODACO có mặt trên 70 thị trường khác nhau.
Thời gian qua, tỉnh đã phát triển đa dạng các mặt hàng xuất khẩu nên cơ cấu hàng xuất khẩu của tỉnh đã có sự thay đổi lớn. Thủy sản, gạo không còn là những mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, thay vào đó là các mặt hàng túi xách, may mặc, giày, ống đồng. Từ đó, tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản ngày càng giảm. Thủy sản giảm từ 18% năm 2015 còn khoảng 9,32% năm 2020; tương tự gạo giảm từ 6,18% còn khoảng 4,39%; ngược lại hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm khoảng 85% năm 2020.
Nhìn ở khía cạnh khác, bên cạnh thị trường truyền thống, các doanh nghiệp đã mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới, một phần nhờ tận dụng tốt lợi thế có được từ cam kết cắt giảm thuế quan của các nước đối tác FTA đối với hàng xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam. Đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó thị trường châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của tỉnh, với khoảng 43%.
GIẢI BÀI TOÁN 4,5 TỶ USD
Kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang tăng đều qua các năm một phần được khơi nguồn từ việc tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh; cải thiện môi trường đầu tư. Trên thực tế, Tiền Giang luôn xác định việc nâng cao chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là một trong những khâu đột phá để nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.
Từ nền tảng đó, Tiền Giang tập trung thu hút đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh thu hút được 42 dự án vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 821 triệu USD, có 46 dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng hơn 335 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư nước ngoài thu hút được trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt hơn 1.156 triệu USD, với nhiều dự án có vốn đầu tư lớn như: Công ty TNHH Công nghiệp Belinturf Việt Nam vốn cấp mới và tăng thêm 90 triệu USD, Công ty TNHH Lốp ADVANCE Việt Nam vốn cấp mới hơn 214 triệu USD, Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật kim loại YongJin Việt Nam vốn cấp mới hơn 132 triệu USD.
Từ những nền tảng hiện hữu, câu hỏi đang được đặt ra là làm gì để kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 4,5 tỷ USD? Đề cập đến nội dung này, Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn cho biết, một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án Tái cấu trúc ngành Công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, cần thiết để thu hút lấp đầy diện tích các khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động như: KCN Soài Rạp, KCN Long Giang... và đẩy nhanh việc đầu tư các KCN Tân Phước 1, KCN Tân Phước 2, KCN Gò Công; các Cụm công nghiệp Gia Thuận 1, Gia Thuận 2, Thạnh Tân, Mỹ Lợi, Long Bình, Mỹ Phước Tây.
Cũng theo đồng chí Đặng Văn Tuấn, để đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra, cần tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất và chế biến nhằm tạo ra những sản phẩm chế biến có chất lượng, thân thiện môi trường, từ đó đẩy mạnh tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng, bao gồm các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU…; duy trì và giữ vững các thị trường truyền thống, ổn định như: Trung Quốc, EU, Nhật Bản, ASEAN… ; đồng thời, phát triển các thị trường mới với nhiều phân đoạn thị trường, chú trọng các thị trường có triển vọng đối với hàng xuất khẩu mới để thông qua nhập khẩu tìm kiếm cơ hội cho xuất khẩu; tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của các nhóm sản phẩm có lợi thế, có tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu như hàng công nghiệp nhẹ, thủy sản (tôm, cá tra) và nông sản.
Tỉnh cũng cần đẩy mạnh phát triển các nhóm sản phẩm mặc dù hiện đang chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu xuất khẩu nhưng có giá trị gia tăng lớn hoặc có tốc độ tăng trưởng cao, có tiềm năng trong sản xuất và xuất khẩu; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình Xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, lựa chọn các hình thức và phương pháp xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại…
Theo phân tích của Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, mặc dù thị trường xuất khẩu nông, thủy sản đã được mở rộng nhưng nhìn chung nhóm hàng này vẫn chủ yếu xuất khẩu vào một số thị trường lớn. Chính vì vậy, khi nhu cầu thị trường có sự biến động, xuất khẩu nhóm hàng này cũng gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cụ thể là khối FDI vẫn chiếm từ 75% - 80% xuất khẩu.
Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng thì xuất khẩu của ta sẽ chịu tác động mạnh hơn. Mặt khác, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa, chưa kéo được nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện các doanh nghiệp may mặc của tỉnh chủ yếu là gia công, do đó nguyên liệu từ vải, nguyên phụ liệu đều nhập khẩu, tỷ lệ hàng nội địa còn thấp.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202104/de-kim-ngach-xuat-khau-dat-45-ty-usd-923907/