Để kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực phía nam của tỉnh (kỳ 3)

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực song để đạt mục tiêu phát triển kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực phía nam của tỉnh, cần có các giải pháp cụ thể, thiết thực với mục tiêu thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 36/NQ-TW, ngày 22-10-2018 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII). Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

TIN LIÊN QUAN

Để kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực phía nam của tỉnh (kỳ 2)
Để kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực phía nam của tỉnh (kỳ 1)

(Tiếp theo và hết)

Kỳ 3: Khai thác, phát huy mọi lợi thế, tiềm năng

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực song để đạt mục tiêu phát triển kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực phía nam của tỉnh, cần có các giải pháp cụ thể, thiết thực với mục tiêu thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 36/NQ-TW, ngày 22-10-2018 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII).

Diêm dân xã Bạch Long (Giao Thủy) sản xuất muối.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, đến nay, dù đã tạo được những dấu mốc, chuyển biến đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế biển nhưng kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, nguồn lực đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm tạo kết nối giao thông ven biển, giữa các vùng ven biển với các huyện, thành phố trên địa bàn và với các tỉnh, địa phương khác còn hạn hẹp. Chưa khai thác hết được tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, nhất là trên lĩnh vực vận tải biển và các loại hình dịch vụ biển. Hiệu quả khai thác và nuôi trồng thủy sản còn nhiều dư địa để phát triển, nhất là các mô hình gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Một số quy định cơ chế, chính sách còn chưa thống nhất, thiếu đồng bộ nên khó khăn cho công tác xây dựng quy hoạch, triển khai thực hiện dự án, công trình trọng điểm của tỉnh (trong đó có các công trình phục vụ phát triển kinh tế biển). Công tác thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển chưa đạt hiệu quả như mong muốn, chưa có nhiều doanh nghiệp có vốn lớn, công nghệ cao đầu tư vào các ngành nghề tạo ra được nhiều sản phẩm chủ lực, có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. Một số nhà đầu tư hạ tầng khu, CCN ven biển chưa có nhiều giải pháp tích cực để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; nhất là nhà đầu tư hạ tầng KCN Dệt may Rạng Đông.

Để tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế vùng biển, đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 36-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh yêu cầu cấp ủy các cấp tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện tiếp các giải pháp hiệu quả, kịp thời bổ sung các giải pháp mới phù hợp với tình hình thực tế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế biển. Tỉnh cũng yêu cầu các cấp, ngành chức năng, các địa phương có biển bám sát Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 12-10-2020 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025 của Tỉnh ủy và Nghị quyết chuyên đề về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo sẽ sớm được ban hành. Tiếp tục tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế biển. Trước mắt, tập trung phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư để triển khai đúng tiến độ dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định I; sớm đưa vào hoạt động Dự án Tổng kho xăng dầu và cảng xuất - nhập xăng dầu tại cửa Lạch Giang. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng: tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh; cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ. Khẩn trương hoàn thành giai đoạn I và thu hút nhà đầu tư thứ cấp cơ bản lấp đầy KCN Dệt may Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng và CCN Thịnh Lâm, huyện Giao Thủy. Tập trung củng cố, nâng cấp hệ thống đê, kè các khu vực xung yếu; rà soát và tổ chức thực hiện Quy hoạch hệ thống thủy lợi đảm bảo phục vụ phát triển sản xuất, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về thoát lũ, hạn chế xâm nhập mặn và công trình trọng điểm khu vực ven biển. Giai đoạn từ nay đến 2025, các ngành, các địa phương tập trung thành lập và đưa vào hoạt động Khu kinh tế Ninh Cơ theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; dần hình thành các đô thị, khu dân cư ven biển theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch hai bên tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh. Khai thác hiệu quả các công trình đã được đầu tư nâng cấp tại khu vực cửa Lạch Giang, cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ, cảng Hải Thịnh, tận dụng triệt để lợi thế tiềm năng vận tải biển để đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa qua đường biển, thúc đẩy việc giao thương hàng hóa với nước ngoài.

Ngư dân xã Hải Chính (Hải Hậu) chuẩn bị ngư cụ cho chuyến ra khơi đánh bắt hải sản.

Phát triển mạnh kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, an ninh tuyến biển của tỉnh; thu hút mạnh mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, khai thác tài nguyên biển một cách bền vững, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển. Tiếp tục phát huy giá trị du lịch Khu dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ các khu du lịch biển hiện có và Vườn quốc gia Xuân Thủy; mở rộng không gian du lịch tại khu vực bãi bồi Rạng Đông trở thành một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh và là điểm Ramsar thứ hai sau Vườn quốc gia Xuân Thủy; chú trọng phát triển đa dạng các chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch, nhất là các sản phẩm hàng hóa du lịch từ tài nguyên biển, các sản phẩm đặc trưng của địa phương trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học biển. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản, trong đó ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa theo hình thức nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng một số trại giống thủy sản chất lượng cao; lựa chọn các con giống có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khu vực ven biển, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Chú trọng phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá với quy mô hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại để phục vụ cho hoạt động khai thác nguồn lợi trên biển trên cơ sở khai thác hải sản có trách nhiệm, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp ven biển, chú trọng thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, dự án sử dụng công nghệ nguồn vào các khu kinh tế, KCN ven biển. Hình thành và đưa vào hoạt động khu kinh tế Ninh Cơ, trong đó tập trung thu hút, phát triển công nghiệp; xây dựng, phát triển đồng bộ KCN Dệt may Rạng Đông thành khu sản xuất dệt vải, nhuộm, phụ kiện và may mặc có công nghệ hiện đại, bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường; từng bước hình thành khu đô thị thương mại, dịch vụ dệt may - thời trang hiện đại. Chú trọng hình thành một số khu, CCN trên địa bàn huyện Giao Thủy, Hải Hậu để khai thác có hiệu quả quỹ đất hai bên tuyến đường ven biển./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202106/tac-pham-tham-du-giai-bao-chi-bua-liem-vang-lan-thu-vi-2021-de-kinh-te-bien-tro-thanh-vung-kinh-te-dong-luc-phia-nam-cua-tinh-ky-3-2544646/