Để kỳ vọng thành hiện thực
(HNM) - Với sự hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế, Chính phủ luôn coi khởi nghiệp sáng tạo là mục tiêu cấp quốc gia nhằm khơi dậy nguồn lực mới cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, khởi nghiệp sáng tạo chưa thật sự đủ sức bật để lớn mạnh như kỳ vọng.
Vượt khỏi khuôn khổ của một địa phương, tại Diễn đàn Khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội 2019 tổ chức hôm qua (29-8), tại Hà Nội, nhiều vấn đề về khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã được đề cập. Những “nút thắt” đã được chỉ rõ, những cơ chế tạo nền tảng cho khởi nghiệp sáng tạo lớn mạnh cũng đã được đề cập... Diễn đàn đã gợi mở những việc cần tập trung triển khai cả trước mắt và lâu dài, để xây dựng một cộng đồng startup (khởi nghiệp) thành công.
Ngay từ năm 2016, Hà Nội đã hưởng ứng tinh thần quốc gia khởi nghiệp bằng việc quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại... Năm 2018, UBND thành phố ban hành Quyết định 4665/QĐ-UBND về Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020” và gần đây nhất, tháng 7-2019, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND về “Thông qua chủ trương ban hành Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thuộc Đề án”... Bằng nỗ lực ấy, đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 18 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh; 4 quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và 6 quỹ đầu tư quốc tế đặt văn phòng...
Với những tiềm năng đang có và được kỳ vọng là địa phương dẫn đầu cả nước về khởi nghiệp sáng tạo, Hà Nội gánh trên vai trách nhiệm nặng nề. Song, như Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Chính quyền thành phố sẽ lắng nghe, đồng thời, sẽ tạo ra môi trường hấp dẫn, an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư, các startup đến từ các quốc gia trên thế giới.
Khẳng định đó được thể hiện khi cả hệ thống chính quyền thành phố đang vận hành theo mục tiêu xây dựng Hà Nội thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của cả nước. Vì thế, với những gợi mở đã được đề cập tại diễn đàn, như: Tiếp cận nguồn vốn; khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư..., các cơ quan chức năng nên học hỏi kinh nghiệm từ các nước có nhiều mô hình startup thành công để ứng dụng cho Hà Nội. Song, ứng dụng đó phải phù hợp với thực tiễn của Thủ đô, trên cơ sở phải chuẩn bị thêm các điều kiện khác về cơ chế, chính sách...
Cũng phải nói thêm, khác với lập nghiệp hay khởi nghiệp thông thường, khái niệm startup được hiểu là khởi nghiệp từ những ý tưởng mới, những kết quả khoa học công nghệ mới... Vì thế, cần đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi quan niệm của giới trẻ về khởi nghiệp nói chung để họ nhìn đúng bản chất, có định hướng trong khởi nghiệp.
Còn rất nhiều việc phải làm để dần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đưa cộng đồng startup hội nhập và phát triển như kỳ vọng... Và, để kỳ vọng trở thành hiện thực, không cách nào khác là phải hành động thực chất. Đó là trách nhiệm đặt ra cho mỗi chủ thể ngay từ lúc này để không vuột mất cơ hội.