Để lái xe an toàn qua những đoạn đường bị ngập nước

Miền Bắc đang bước vào mùa mưa, đặc biệt trong những ngày gần đây Hà Nội có những cơn mưa lớn kéo dài gây ngập nhiều tuyến đường, phố khiến nhiều ô tô bị ngập nước hoặc không thể lưu thông.

Khu vực đường Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ, Hà Nội bị ngập, phương tiện đi lại khó khăn sau cơn mưa lớn những ngày gần đây. Ảnh TTXVN phát

Khu vực đường Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ, Hà Nội bị ngập, phương tiện đi lại khó khăn sau cơn mưa lớn những ngày gần đây. Ảnh TTXVN phát

Những ngày gần đây ở Hà Nội xuất hiện mưa lớn kéo dài với lượng nước lớn khiến cho nhiều tuyến phố của Thủ đô bị ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến việc đi lại và đời sống của người dân.

Vậy để lái xe an toàn qua đoạn đường bị ngập nước cần làm gì? Theo các chuyên gia ô tô, khi lái xe qua vùng ngập ngập nước, nếu không cẩn thận xe sẽ bị chết máy có thể sẽ phá hủy rất nhiều các chi tiết, đặc biệt là khoang động cơ và hệ thống điện. Vì vậy, các chuyên gia ô tô đã đưa 10 lời khuyên để lái xe qua những đoạn đường bị ngập nước an toàn dưới đây.

1/ Tránh lái xe vào vùng nước ngập đến quá nửa bánh xe hoặc ngập cao hơn lề đường. Bạn phải biết được chiếc xe của mình thuộc dòng gì, gầm thấp như sedan hoặc hatchback, hay gầm cao như SUV hoặc bán tải, nhưng đa phần là tránh vào vùng ngập nước quá nửa bánh xe.

Với những xe gầm thấp như sedan và hatchback độ sâu an toàn trung bình 25cm (không vượt quá tâm của bánh xe) còn một số dòng xe SUV và bán tải có thể lội nước ở độ sâu đến 800mm. Trong trường hợp nước ngập cả bánh xe, bạn nên quay đầu xe hoặc chờ nước rút mới đi tiếp.

Ngã tư phố Điện Biên Phủ giao cắt phố Trần Phú, Hà Nội bị ngập nặng sau những cơn mưa. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Ngã tư phố Điện Biên Phủ giao cắt phố Trần Phú, Hà Nội bị ngập nặng sau những cơn mưa. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

2/ Trước khi cho chiếc xe tiếp cận con đường bị ngập, hãy giảm tốc độ, thậm chí dừng hẳn xe để xác định độ sâu nước bằng cách quan sát xe đi trước đi qua có an toàn không hoặc quan sát mực mước qua mép vỉa hè, cọc tiêu hay thân cây bên đường.

3/ Trước khi đi vào đoạn đường ngập, hãy tắt điều hòa và hạ cửa kính ô tô bởi bật điều hòa khi lái xe qua vùng nước ngập có thể làm chết động cơ bởi khi quạt quay, sẽ có thể hút nước vào trong động cơ. Nếu động cơ không bị chết, quạt điện tử có thể cuốn rác đang trôi trong nước làm gãy cánh quạt khiến động cơ bị tăng nhiệt.

4/ Đảm bảo rằng ở đoạn đường ngập, mặt đường vẫn còn nguyên vẹn và không bị nước cuốn trôi đi mất. Bạn cũng nên cảnh giác với những con đường không quen thuộc vì chúng có thể có những chỗ trũng, ổ trâu, ngập nước quá sâu không thể lội qua.

5/ Chầm chậm đi vào vùng ngập nước, nên giữ đều ga và chọn số thấp. Nếu là số sàn bạn nên đi số 1 - 2. Còn đối với xe số tự động hoặc bán tự động nên chuyển về số thấp rồi đi ở số 1 – 2 với tốc độ tối đa 3km/giờ sau đó tăng dần đến 6km/giờ khi đã ở trong nước, đặc biệt không tăng tốc hay giảm tốc đột ngột để tránh nước tràn vào khoang động cơ từ phía trước và cả ống xả phía sau.

6/ Lái xe ở vòng tua máy cao và số thấp, tùy thuộc vào loại hộp số nên giữ tốc độ ổn định và chân không được rời chân ga.

Theo các chuyên gia, khi lái xe qua vùng ngập nước, ngoài xác định mực nước ngập, lái xe cần lái xe chậm, giữ khoảng cách an toàn với xe trước, đặc biệt là nên giữ đều ga và chọn số thấp. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Theo các chuyên gia, khi lái xe qua vùng ngập nước, ngoài xác định mực nước ngập, lái xe cần lái xe chậm, giữ khoảng cách an toàn với xe trước, đặc biệt là nên giữ đều ga và chọn số thấp. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Việc tăng hay giảm tốc đột ngột sẽ tạo một cơn sóng vòng cung trước xe và mực nước xung quanh khoang động cơ sẽ thấp xuống, giảm nguy cơ nước xâm nhập qua bộ lọc không khí và hư hại đến các linh kiện điện và điện tử.

Tốc độ cao hơn mức này sẽ khiến nước bị đẩy vào khoang động cơ thông qua lưới tản nhiệt và tràn vào cổ hút gió của động cơ gây hiện tượng thủy kích, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hệ thống điện, piston trong động cơ.

7/ Nên để từng xe đi qua chỗ ngập nước và giữ khoảng cách an toàn, như vậy bạn sẽ không phải đột ngột dừng xe lại giữa chừng nếu xe phía trước bất ngờ dừng. Đảm bảo rằng không có xe nào đang tiến đến ở chiều ngược lại nếu không sóng nước xe đó tạo ra có thể làm ngập xe bạn, đặc biệt nếu xe đó đang đi với tốc độ cao.

8/ Trong nhiều trường hợp, dù bạn đã đi rất đúng kỹ thuật nhưng những sự cố bất ngờ khiến bạn phải dừng xe khi đang lội nước, hoặc bạn vô tình đuối ga, hay quá ga khiến nước vào động cơ và xe chết máy.

Khi xe chết máy trong vùng ngập nước tuyệt đối không được khởi động lại. Nếu bạn đề nổ lại xe, nước sẽ tràn mạnh vào động cơ và bị nén, gây hiện tượng thủy kích, khiến cong tay biên, gãy tay biên hay vỡ lốc máy, gây ra hậu quả nghiêm trọng với động cơ, chi phí sửa chữa là không nhỏ.

9/ Khi ra khỏi dòng nước, rà phanh nhẹ nhàng để làm khô phanh. Thêm nữa, hãy dừng lại kiểm tra một chút để đảm bảo không có túi nilon hay rác mắc vào lưới tản nhiệt hoặc các lá tản nhiệt bên trong.

10/ Sau khi vượt qua đoạn đường ngập hãy xuống xe loại bỏ cỏ rác, lá cây, vết bẩn bởi chúng có thể gây ra cháy khi bạn đi tiếp. Thay dầu động cơ bởi nước có thể đã xâm nhập vào hệ thống. Làm sạch thảm xe để ngăn nấm mốc. Kiểm tra vòng bi bánh xe và toàn bộ hệ thống hoặc mang xe đến trung tâm dịch vụ để được kiểm tra từ những kỹ thuật viên có chuyên môn./.

Phú Vinh/BNEWS/TTXVN (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/de-lai-xe-an-toan-qua-nhung-doan-duong-bi-ngap-nuoc/245697.html