Để 'mạch máu' nền kinh tế vận hành tốt

Trong một thời gian không dài, chúng ta đã, đang được chứng kiến những thay đổi lớn trong thanh toán giao dịch tiền tệ, từ những điều rất đời thường. Từ thành thị đến nông thôn, người tiêu dùng có thể đi ăn quà sáng, uống café, trả tiền không cần dùng tiền mặt, chỉ cần bật điện thoại thông minh lên là xong.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Với các giao dịch lớn, chỉ cần cài ứng dụng, không lo lắng khệ nệ mang vác tiền mặt, vừa vất vả, vừa không an toàn. Đấy là kết quả của chuyển đổi số mà lĩnh vực ngân hàng được xem là tiên phong.

Cải cách hành chính, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đã góp phần tối ưu các chi phí cho nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh. Bảy năm qua (2016 - 2023), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đứng đầu các Bộ, ngành về một số chỉ số cải cách hành chính.

Năm 2023, theo số liệu của NHNN, là năm tiền gửi vào hệ thống ngân hàng cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng. Điều này nói lên thu nhập của người dân được cải thiện; hơn thế, thể hiện sự tin tưởng của người dân vào hệ thống ngân hàng. Đây là nguồn lực lớn để phát triển đất nước.

Tuy nhiên, lo lắng vẫn còn, bởi cuộc sống luôn vận động, nhiều diễn biến khó lường. Như việc thị trường vàng Việt Nam biến động thời điểm vừa qua không theo bất cứ một quy luật nào. Sau khi lập đỉnh trên 80,3 triệu đồng/lượng, giá vàng đã về vùng 71 - 74 triệu đồng/lượng, nhưng giá vàng trong nước vẫn đang cao hơn thế giới khoảng 14,9 triệu đồng.

Đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế về những bất cập cần sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP; lo ngại về tình trạng độc quyền thương hiệu vàng SJC khiến giá vàng tăng cao.

Mới đây, tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2024, một lãnh đạo NHNN nhấn mạnh, không chấp nhận việc giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới đến 20 triệu đồng/lượng như thời gian vừa qua. Không chấp nhận việc giá SJC cao hơn một số loại vàng khác đến vài triệu đồng. “Vàng SJC cao hơn vàng thế giới hơn 20 triệu đồng/lượng vì lý do gì? Tất nhiên vàng thế giới có tăng nhưng vàng thế giới tăng 1, vàng trong nước tăng 3 là không chấp nhận được”, vị cán bộ này đặt câu hỏi. Và sau chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN tuyên bố sẵn sàng can thiệp khi cần thiết, giá vàng đã lập tức đi xuống.

Nói đến điều này để thấy rằng, công tác điều hành chính sách tiền tệ luôn luôn khó khăn, nhạy cảm. Đây là nhiệm vụ quan trọng phải phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác của đất nước.

Ngân hàng là “mạch máu” của nền kinh tế, nhạy cảm với tâm lý xã hội; vừa có tác động lan tỏa, vừa dễ nảy sinh các vấn đề xã hội, trong đó có an ninh xã hội.

Để “mạch máu” nền kinh tế vận hành tốt, trước hết phải kịp thời xác định, tháo gỡ vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, trong đó có bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn.

Ngô Đức Hành

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/de-mach-mau-nen-kinh-te-van-hanh-tot-post501427.html