Đề minh họa môn Toán thi tuyển lớp 10 Hà Nội: Nhiều câu hỏi mới mang tính thực tế
Sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố đề minh họa môn Toán kỳ thi tuyển sinh lớp 10 từ năm 2025, giáo viên nói rằng, đề có nhiều câu hỏi tăng tính thực tế và gắn toán học với cuộc sống do đó đòi hỏi học sinh phải có sự chuẩn bị kiến thức, rèn kỹ năng từ sớm.
Bám sách giáo khoa nhưng hơi dài
Sau khi công bố đề minh họa, cô Nguyễn Thị Tâm, giáo viên Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, phạm vi kiến thức chủ yếu thuộc chương trình lớp 9.
Về mặt cấu trúc, môn Toán theo chương trình mới, thí sinh vẫn thi tự luận với 5 câu hỏi theo 3 mạch kiến thức rất rõ ràng: Số và Đại số; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất.
Trong đó, bài I với 1,5 điểm gồm phần Thống kê và xác suất, mức độ nhận biết và thông hiểu.
Bài II chiếm 1,5 điểm rút gọn biểu thức và câu hỏi phụ gồm có 3 ý (giống cấu trúc bài 1 của đề thi các năm trước), tuy nhiên điểm khác ở đây là biểu điểm của bài là 1,5 điểm thay vì 2 điểm.
Bài III chiếm 2,5 điểm gồm 2 câu giải toán thực tế bằng cách lập phương trình hoặc hệ phương trình ở mức độ thông hiểu và 1 câu về phương trình bậc hai có sử dụng định lí Viet ở mức độ vận dụng.
Bài IV chiếm 4,0 điểm thuộc mạch hình học và đo lường, gồm 2 câu. Câu 1 là hình học không gian có vận dụng kiến thức liên môn. Câu 2 là nội dung hình học phẳng, gồm 3 ý như các năm trước, tuy nhiên mức độ đã giảm nhẹ hơn.
Bài V chiếm 0,5 điểm là bài toán về giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất thông qua mô hình hóa toán học để giải quyết vấn đề thực tế ở mức độ vận dụng.
“Đề minh họa cho thấy học sinh có thuận lợi đó là không có những câu hỏi mang tính hàn lâm, không đánh đố đồng thời bám sát nội dung theo chương trình sách giáo khoa mới, khuyến khích tư duy mở của học sinh và gắn toán học với cuộc sống”, cô Nguyễn Thị Tâm, giáo viên Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) nói.
Tuy nhiên, với 120 phút, đề còn tương đối dài. Học sinh có thể sẽ gặp khó khăn khi tiếp nhận và giải quyết một số bài toán có tình huống thực tế, liên môn.
“Điểm mới trong đề minh họa đó là có thêm mạch Thống kê và xác suất; có nhiều bài toán gắn với giải quyết các vấn đề thực tế hơn; vận dụng kiến thức liên môn”, theo cô Tâm.
Do đó, trong thời gian tới, giáo viên các trường sẽ căn cứ đề thi minh họa và bảng năng lực, cấp độ của đề; tăng cường tính thực tế, giảm tính hàn lâm; nghiên cứu và bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới để ôn tập cho học sinh. Đặc biệt chú ý đến các phạm vi kiến thức được dùng và không được dùng đối với chương trình mới.
Kiểm tra toàn diện kiến thức, kỹ năng học sinh
Còn thầy Đỗ Văn Bảo, giáo viên Trung tâm tuyển sinh247 ở Hà Nội đánh giá đề thi minh họa của Hà Nội được thiết kế bám sát chương trình Giáo dục phổ thông mới, chú trọng kiểm tra toàn diện các kiến thức và kỹ năng của học sinh, đặc biệt là khả năng ứng dụng thực tế.
Đề thi giữ được 60-70% cấu trúc truyền thống nhưng đã có sự đổi mới về nội dung và cách thức ra đề, giúp đánh giá học sinh một cách toàn diện hơn. Độ khó của đề thi ở mức vừa phải, có sự phân hóa rõ ràng để tuyển chọn học sinh khá giỏi.
Các năm trước, đề thi thường có sự phân hóa rõ ràng giữa học sinh khá giỏi và trung bình qua các câu hỏi đại số và hình học thuần túy. Đề minh họa cũng đã đưa thêm yếu tố thực tiễn vào, khiến học sinh không chỉ cần có kiến thức mà còn phải hiểu cách áp dụng kiến thức đó vào các tình huống cụ thể.
“Sự đổi mới đáng kể so với các năm trước nữa đó là đề có sự phân loại nội dung kiến thức trong các bài, sự xen kẽ giữa các dạng bài và đặc biệt là tăng cường các bài toán thực tế. Điều này phản ánh đúng định hướng của chương trình giáo dục mới, tập trung nhiều hơn vào việc kiểm tra khả năng ứng dụng kiến thức và tư duy tổng hợp của học sinh”, theo thầy Bảo.
Chắc kiến thức cơ bản, biết vận dụng
Cũng theo các giáo viên dạy Toán, với đề minh họa môn Toán theo chương trình GDPT mới, học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản, rèn kỹ năng tư duy logic và biết vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề trong thực tế.
Trong đó, đối với kiến thức cần bản cần nắm chắc: Phương trình bậc nhất và bậc hai, cách giải và tính chất; Các công thức liên quan đến hình học phẳng và không gian, đặc biệt là các định lý liên quan đến tam giác, đường tròn, và các dạng hình học cơ bản; Giải bài toán bằng cách lập phương trình...
Các kiến thức, định lý về đường tròn, tứ giác nội tiếp và tính chất, chứng minh tam giác đồng dạng và ứng dụng tính chất của các tam giác đồng dạng; Thống kê và xác suất; Toán ứng dụng…
Bên cạnh đó, các em cần rèn luyện kỹ năng tư duy logic và phân tích, giải quyết vấn đề bằng cách, tập luyện cách phân tích đề, hiểu rõ yêu cầu của từng câu hỏi trước khi bắt tay vào giải quyết. Điều này giúp tránh nhầm lẫn và tăng độ chính xác trong quá trình làm bài.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, cấu trúc đề minh họa môn Toán theo chương trình GDPT mới gồm 3 phần gồm: Phần tư duy và lập luận toán học chiếm 3 điểm; phần giải quyết vấn đề toán học chiếm 4,5 điểm và phần mô hình hóa toán học chiếm 2,5 điểm.