Đề minh họa thi tốt nghiệp THPT: Đổi mới, tránh học tủ

Nhiều giáo viên nhận định đề minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tránh được tình trạng học tủ, đoán đề.

Ngày 29-12, Bộ GD&ĐT đã công bố cấu trúc và đề minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Theo Bộ GD&ĐT, tại thời điểm này chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới thực hiện đến lớp 11, do vậy các nội dung kiến thức được sử dụng trong các đề minh họa chủ yếu thuộc lớp 10 và lớp 11.

Tránh tình trạng văn mẫu, đoán đề

Đánh giá về đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn, cô Nguyễn Thị Thu Phương, giáo viên (GV) Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức, cho hay đề minh họa tránh được tình trạng văn mẫu, đoán đề. Các văn bản được sử dụng nằm ngoài sách giáo khoa.

 Bộ GD&ĐT vừa công bố đề minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Trong ảnh: Học sinh lớp 11 Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3 trong một tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bộ GD&ĐT vừa công bố đề minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Trong ảnh: Học sinh lớp 11 Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3 trong một tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Đề thi tốt nghiệp THPT có hai văn bản văn học, trong đó một văn bản cho phần đọc hiểu và một văn bản cho phần viết. Kiểu đề này sẽ tạo được sự mới mẻ, thú vị, đa dạng cho phần viết đoạn văn bản và tạo được tính phân hóa học sinh (HS). Tuy nhiên, với những HS năng lực cảm thụ tác phẩm còn hạn chế, việc phải đọc hai tác phẩm trong một khoảng thời gian ngắn sẽ gây khó khăn. Vì vậy, có thể chọn một văn bản vừa dùng để trả lời câu hỏi đọc hiểu vừa để viết đoạn sẽ phù hợp hơn.

“Đề minh họa tốt nghiệp THPT phù hợp với yêu cầu đổi mới việc dạy học ở chương trình THPT. Đề minh họa tốt nghiệp THPT khắc phục được tình trạng của môn văn trước giờ dư luận hay đề cập học như văn mẫu, học tủ, đoán đề… Đồng thời, đề thi phát huy được năng lực đọc và khả năng giải quyết vấn đề của HS đối với môn văn” - cô Phương nói.

Thầy Phạm Lê Thanh, GV Trường THPT Nguyễn Hiền, mong Bộ GD&ĐT định hướng nội dung đề thi tốt nghiệp THPT xây dựng theo hướng gần gũi với thực tế. Đề không nặng về kỹ năng nhớ và hiểu kiến thức mà khuyến khích các kỹ năng tư duy bậc cao hơn thông qua việc ứng dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Bởi nếu kiến thức không được vận dụng thì kiến thức cũng chỉ là thông tin.

Thầy Phan Quang Thông, tổ trưởng chuyên môn tổ ngữ văn Trường THPT Hùng Vương, quận 5, cho biết đề minh họa tốt nghiệp THPT có cấu trúc hai phần, gần tương đồng với đề thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây. Tuy nhiên, tỉ lệ điểm cho từng phần có sự điều chỉnh. Cụ thể, phần đọc hiểu gồm một văn bản với năm câu hỏi, tăng từ 3 điểm lên 4 điểm. Phần viết gồm hai câu, viết đoạn văn và viết bài văn, giảm từ 7 điểm xuống còn 6 điểm.

Sự điều chỉnh này xuất phát từ đặc điểm của chương trình ngữ văn 2018, chú trọng phần đọc hơn phần viết. Với định hướng của đề thi, các trường sẽ có những điều chỉnh trong dạy học, đầu tư nhiều thời lượng hơn cho phần viết.

Hạn chế việc đánh “lụi” trắc nghiệm

Thầy Phạm Lê Thanh, GV hóa học Trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11, nhận xét đề minh họa tốt nghiệp THPT có nhiều điểm mới.

Bên cạnh việc sử dụng hình thức câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn (dạng thức này đã được áp dụng trong nhiều năm), đề thi còn có thêm dạng câu hỏi trắc nghiệm chọn đúng/sai.

“Với dạng này, mỗi câu hỏi có bốn ý phát biểu, thí sinh phải vận dụng kiến thức và kỹ năng mới chọn được câu trả lời đúng/sai đối với từng ý của câu hỏi. Từ đó, phân loại được tư duy và năng lực của nhiều nhóm đối tượng HS khác nhau, hạn chế được việc dùng “mẹo” hay “đoán mò” để chọn đáp án từ các phương án nhiễu như dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Đề thi còn có sự kết hợp của hình thức câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Dạng này thí sinh phải có năng lực, kiến thức, kỹ năng cao mới có thể viết được câu trả lời chính xác, hạn chế được việc đánh “lụi” trắc nghiệm như trước đây. Nhìn chung, đề phân loại đúng năng lực của từng HS” - thầy Thanh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, thầy Lê Thành Trung, tổ trưởng chuyên môn tổ vật lý Trường THPT Hùng Vương, chia sẻ đề có phần trả lời đúng/sai khá mới và thú vị. Đây có thể là phần sẽ dẫn đến chênh lệch điểm số lớn giữa các bài thi.

“Vì vậy, bên cạnh việc giải bài tập, HS cần phải hiểu rõ bản chất của các sự vật, hiện tượng để giải quyết các câu trong đề. Các em phải nắm chắc và hệ thống các kiến thức một cách đầy đủ theo hình thức tự luận. Kiểu đề mới sẽ hạn chế được các “mẹo mực”, các kiểu công thức tính nhanh, thần tốc. Người học phải thật sự học, hiểu rõ bản chất mới làm bài thi tốt” - thầy Trung nói.

Với môn địa lý, cô Lê Thị Thu Ngân, GV Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn, cho hay các câu hỏi dạng lựa chọn đúng/sai sẽ yêu cầu HS trong kỳ thi tốt nghiệp THPT phải hiểu rất sâu kiến thức để có lựa chọn đúng.

Tương tự, thầy Thiều Quang Thịnh, GV Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, cho biết đề lịch sử có nhiều điểm mới. Đề thiết lập dựa trên ba thành phần năng lực tìm hiểu, nhận thức và tư duy lịch sử, vận dụng kiến thức và kỹ năng đã học. Cùng với ba cấp độ tư duy nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Đây là điểm mới, hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của chương trình THPT mới, GV và HS rất cần quan tâm vấn đề này.

Cấu trúc đề thi minh họa

Từ năm 2025, môn ngữ văn được tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo hình thức tự luận trên giấy. Các môn khác thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan trên giấy.

Về thời gian thi, môn ngữ văn 120 phút, môn toán 90 phút, các môn học khác 50 phút.

Các môn thi trắc nghiệm thì có tối đa ba dạng câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng:

Thứ nhất, câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn.

Thứ hai, câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng/sai.

Thứ ba, câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn.

Hai dạng thức trắc nghiệm mới qua thử nghiệm thực tế cho thấy phù hợp với việc thiết kế đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, đồng thời nâng cao khả năng phân loại thí sinh.

(Bộ GD&ĐT)

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-minh-hoa-thi-tot-nghiep-thpt-doi-moi-tranh-hoc-tu-post769619.html