Để mỗi cuộc gặp gỡ trở nên ý nghĩa

Gặp gỡ nhau cà phê hay hẹn nhau ăn trưa dường như đã thành thói quen của người trẻ ngày nay. Giao tiếp thường xuyên giúp chúng ta không chỉ duy trì mà còn phát triển các mối quan hệ lên một cấp độ cao hơn, nhờ đó chúng ta đạt được nhiều lợi ích trong công việc, ngày càng gắn bó và sẵn sàng hỗ trợ nhau khi cần. Tuy nhiên, tạo ra những cuộc gặp hữu ích như vậy đâu phải ai cũng làm được.Mọi việc hoạt động tạo ra giá trị đều phải trải qua quá trình đầu tư, việc quản lý các mối quan hệ cũng vậy. Các mối quan hệ có lẽ là tài sản lớn nhất và giá trị nhất của mỗi con người. Việc gặp gỡ nhiều hay ít không quan trọng bằng độ sâu của mối quan hệ. Nó đòi hỏi một sự tận tụy, sự kiên nhẫn và cả một niềm tin vì điều đó cần phải được thực hiện đều đặn trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, điều đó rất đáng để làm.

Khi trưởng thành, tôi chợt nhận ra thời gian mà bạn bè đồng trang lứa chúng tôi dành cho nhau không nhiều như trước, một phần vì những lo toan cuộc sống. Tuy nhiên, một điều đáng suy ngẫm là mọi người dần nhận ra việc gặp nhau thường xuyên không mang lại nhiều giá trị.

Giá trị ở đây không phải chỉ bàn đến các vấn đề liên quan đến tiền bạc và công việc mà còn là những gì đọng lại sau mỗi lần gặp lại bạn bè cũ, như sự hiểu biết về nhau, sự tin cậy, gắn bó và sự sẵn lòng tương trợ…

Nếu để ý, bạn sẽ thấy câu chuyện được nhắc đến trong phần lớn các cuộc gặp gỡ với bạn bè là về những người thứ ba không có mặt ở đó chứ không phải “về bạn, tôi hay về những dự định, kế hoạch chung cùng làm”.

Các cuộc nói chuyện mang tính “buôn dưa lê” ấy thường không đi tới đâu và chúng ta cảm thấy nhàm chán sau những lần gặp như vậy. Rồi như một lẽ thường tình, chúng ta sẽ giảm tần suất gặp nhau khi cảm thấy các cuộc trò chuyện không mang lại hiệu quả.

Trong marketing, khoản chi phí để giữ chân một khách hàng cũ thấp hơn bốn lần so với chi phí dành cho việc tìm kiếm một khách hàng mới. Lý luận này nên được áp dụng trong việc quản lý các mối quan hệ cá nhân.

Các mối quan hệ cũ thường là các mối quan hệ mà chúng ta đã đầu tư và phát triển trong suốt một thời gian dài.

Bạn bè trong các mối quan hệ đó cũng đã hiểu chúng ta về nhiều khía cạnh cả về cuộc sống cũng như công việc, do đó họ dễ dàng trở thành người hỗ trợ chúng ta sẽ dễ dàng hơn so với việc phải chinh phục những người bạn mới.

Các mối quan hệ chính là các tài sản của mỗi chúng ta và như mọi loại tài sản thì việc đầu tư và vun đắp một cách có chủ đích đóng vai trò rất quan trọng để có thể khai thác hiệu quả những tài sản này.

Gặp gỡ để phát đi một thông điệp

Tôi từng nhớ ở nước ngoài có một trang web dành cho việc các thành viên có thể thoải mái viết lên những kế hoạch của mình trong thời gian tới.

Ví dụ, bạn đang đặt mục tiêu sẽ có thể đạt điểm IELTS 6.5 trong vòng một năm tới thì bạn sẽ có thể viết mục tiêu của mình ở đó, với sự chứng kiến của bạn bè. Cho mọi người biết điều này không chỉ giúp bạn có thêm quyết tâm thực hiện mục tiêu mà còn giúp bạn cơ hội tìm kiếm và kết nối với những người có cùng mục tiêu. Rồi biết đâu sẽ có một nhóm chinh phục tiếng Anh IELTS 6.5 được hình thành.

Những người có cùng mục tiêu sẽ cùng làm việc hữu hiệu hơn vì cùng nhìn về một hướng. Chúng ta gặp gỡ để phát đi một thông điệp để thông tin, để chia sẻ và để cùng tìm thấy giá trị cuộc đời, như cách đom đóm tìm thấy nhau bằng cách tự phát sáng.

Tuy nhiên, chúng ta gặp nhau thường rất ngại nói về kế hoạch của mình bởi suy nghĩ rằng “nói trước sẽ bước không qua”. Một người bạn thân của tôi rất muốn trở thành giảng viên đại học và bạn đã âm thầm đi học thạc sĩ để chuẩn bị cho kế hoạch của mình mà bạn bè trong nhóm không ai hay biết.

Bạn cũng giấu kín điều này với các đồng nghiệp ở công ty đang làm dù việc học thạc sĩ khiến bạn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều năm sau đó, việc học thạc sĩ của bạn vì lý do riêng đành dang dở. Khi ấy, nhóm bạn chúng tôi mới được biết sự việc.

Thật là trớ trêu bởi vì trong ngần ấy năm bạn nai lưng học thạc sĩ để tìm kiếm một công việc là giảng viên, thì ở những trường nơi tôi quen biết cũng đang tìm kiếm nhân sự cho các vị trí giảng viên mà lại là cần người có đúng lĩnh vực chuyên môn và kinh nghiệm mà cô bạn tôi có. Tôi tiếc vì giá như cô bạn tôi chịu chia sẻ kế hoạch muốn làm giảng viên với tôi thì ít nhất chúng tôi đã có cách hỗ trợ cô biến ước mơ thành sự thật.

Mọi người thường buồn phiền về việc không làm được cái mình thích hay không cảm thấy công việc mình đang làm có ý nghĩa. Điều đó là một khó khăn thực sự và nó lại càng khó khăn hơn khi chúng ta chỉ muốn khư khư làm điều đó một mình.

Điều gì xảy ra nếu chúng ta nói và không thể đạt được? Chẳng lẽ chúng ta đang lo lắng và sợ hãi cho việc người khác nhận xét về kết quả nỗ lực của mình hơn việc liệu mình có thể thực hiện được ước mơ của mình hay không?

Gặp gỡ để tiếp nhận tín hiệu

Gặp gỡ không phải chỉ dừng lại ở việc phát đi thông điệp mà đó còn là một cơ hội để chúng ta tiếp nhận, lắng nghe những nhịp điệu của cuộc sống dành cho mình. Có một câu chuyện vui là Thượng đế rất lém lĩnh khi ông không để chìa khóa cuộc đời mỗi người trong chính bàn tay của họ mà đặt nó ở trong tay những người họ sẽ gặp trong đời.

Do đó, nhiệm vụ của chúng ta là phải gặp gỡ đầy đủ những con người nói trên để tìm kiếm, thu nhặt những chìa khóa của cuộc đời mình. Đôi khi, vai trò của một người nào đó đối với chúng ta chỉ đơn giản là xuất hiện vào một thời điểm nào đó, để nói với chúng ta một câu nói gì đó có thể là vô thưởng vô phạt, nhưng đó lại là chìa khóa hay manh mối quan trọng để chúng ta có thể tìm thấy mục tiêu của mình.

Tuy nhiên, vấn đề là những con người mà chúng ta cần tìm lại thường không dễ dàng tìm kiếm được ngay, giống như những kho báu ẩn khuất trong rừng sâu, phải tìm kiếm từ việc thâu thập các dấu vết, tín hiệu gợi ý.

Thượng đế rất lém lĩnh và luôn muốn tạo ra những điều thú vị trong cuộc sống, ông luôn đưa cho chúng ta những gợi ý một cách vô tình về con đường của mỗi người nên đi để tìm thấy mục tiêu của mình.

Những gợi ý đó đều nằm bên trong những người bạn quý giá trong mối quan hệ của chúng ta. Tuy nhiên, đôi khi vì những bận rộn trong cuộc sống nên nhiều khi chúng ta lại luôn phớt lờ qua điều đó.

Mọi việc hoạt động tạo ra giá trị đều phải trải qua quá trình đầu tư, việc quản lý các mối quan hệ cũng vậy. Các mối quan hệ có lẽ là tài sản lớn nhất và giá trị nhất của mỗi con người.

Việc gặp gỡ nhiều hay ít không quan trọng bằng độ sâu của mối quan hệ. Nó đòi hỏi một sự tận tụy, sự kiên nhẫn và cả một niềm tin vì điều đó cần phải được thực hiện đều đặn trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, điều đó rất đáng để làm.

Lê Trang - Lê Hoài Ân

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-moi-cuoc-gap-go-tro-nen-y-nghia/