Để mọi nhà đều có Tết
Những năm qua, công tác chăm lo cho người nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ, hưởng ứng của đông đảo tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp.
Từ ngân sách của thành phố cùng với nguồn lực xã hội hóa, việc chăm lo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo đã được các cấp, ngành, chính quyền các địa phương quan tâm triển khai, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân Thủ đô.
Trong năm 2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố đã cùng các tổ chức thành viên triển khai nhiều hoạt động thiết thực để chăm lo, hỗ trợ cho hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn như: Trích trên 103 tỷ đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa 1.232 nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 714 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn…
Tuy nhiên, theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, hiện nay, Hà Nội vẫn còn hộ nghèo và hộ cận nghèo; nhiều gia đình còn khó khăn về nhà ở, phương tiện sản xuất, cần sự giúp đỡ của đồng bào, chiến sĩ, doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm, người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế ở Việt Nam.
Với tinh thần “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, ngày 18-11-2024, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong ký ban hành Kế hoạch số 276-KH/TU về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động Tết Dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ của thành phố Hà Nội. Theo đó, các cấp, ngành và địa phương cần phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”, tích cực, chủ động thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên toàn thành phố với phương châm “mọi người, mọi nhà đều có Tết”.
Để thực hiện tốt chỉ đạo của Thành ủy, các địa phương, đơn vị cần triển khai hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn một cách thiết thực, như: Trao tặng, hỗ trợ con giống, vật nuôi, cây trồng, phương tiện lao động sản xuất; hỗ trợ vay vốn, giới thiệu học nghề, tạo việc làm... Đặc biệt, các địa phương, đơn vị cần tập trung vận động nguồn lực hỗ trợ xây, sửa nhà cho hộ nghèo, thực hiện mục tiêu trong Kế hoạch giảm nghèo và các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới của thành phố.
Cùng với việc cho “cần câu”, tạo giá đỡ an sinh, thời gian tới, các cấp, ngành cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền, vận động, quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” bảo đảm đúng quy định, hỗ trợ đúng đối tượng. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội, các ngành có liên quan, chủ động hướng dẫn người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp thực hiện đúng các chế độ chính sách; thực hiện tốt việc tặng quà cho đoàn viên, người lao động khó khăn; hỗ trợ đưa công nhân về quê đón Tết và quay trở lại làm việc sau Tết; hỗ trợ kinh phí xây "Mái ấm Công đoàn" cho gia đình đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn… Những hành động thiết thực này sẽ góp phần thực hiện tốt Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.
Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, sự chung tay của doanh nghiệp, chắc chắn người dân Thủ đô sẽ đón Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đủ đầy, vui tươi; thêm động lực mới, phấn khởi, hăng say trong lao động, sản xuất, học tập, thi đua phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Thủ đô năm 2025.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-moi-nha-deu-co-tet-685903.html