Để mùa lễ hội diễn ra an toàn, văn minh
Mùa lễ hội đang đến gần, đây vừa là cơ hội để các địa phương trong tỉnh Long An quảng bá hình ảnh, thu hút du lịch, vừa đòi hỏi việc chuẩn bị, quản lý phải hết sức chặt chẽ nhằm bảo đảm lễ hội diễn ra vui tươi, an toàn và lành mạnh. Bên cạnh niềm vui được tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống, việc bảo đảm an toàn, văn minh trong các lễ hội cũng luôn là vấn đề được các cấp chính quyền và người dân đặc biệt quan tâm.
Chỉ đạo kịp thời từ tỉnh
Tháng Giêng là tháng ăn chơi,
Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.
Tháng Ba thì đậu đã già,
Ta đi ta hái về nhà phơi khô.
Hầu hết các lễ hội truyền thống đều tập trung vào thời điểm ngay sau Tết Nguyên đán, làm cho không khí tết như được kéo dài thêm trong tâm thức người dân.
Tại tỉnh Long An, tháng Giêng có nhiều lễ hội lớn, thu hút đông đảo du khách gần xa: Lễ hội Làm Chay (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành), Lễ hội Vía Bà Ngũ hành (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc), Lễ hội Rằm tháng Giêng tại chùa Nổi (xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng), lễ Kỳ yên đình Vĩnh Phong (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa),...
Mỗi lễ hội đều thu hút từ hàng ngàn đến hàng trăm ngàn lượt người dân trong và ngoài tỉnh.
Điều này đặt ra thách thức không hề nhỏ trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, tránh tình trạng biến tướng, mê tín xảy ra trong lễ hội.
Từ trước đến nay, các lễ hội diễn ra trong tỉnh, nhất là những lễ hội được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đều bảo đảm giữ nguyên những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, an toàn và vui tươi.
Mặc dù có sự tham gia của đông đảo người dân nhưng những lễ hội trong tỉnh không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lộc hay mê tín dị đoan.
Các nghi thức cúng tế truyền thống được giữ gìn, các hoạt động hội thu hút nhiều người tham gia với không khí vui tươi, lành mạnh.
Để làm được điều đó đòi hỏi sự thống nhất, đồng thuận, nỗ lực từ các cấp chính quyền và người dân. Ngay từ trước Tết Nguyên đán, việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, sở, ngành tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người dân, du khách trong việc thực hiện và thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội, nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh cũng như tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống, hạn chế đốt vàng mã để bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ, tiết kiệm và bảo vệ môi trường,...
Công tác thanh, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc cũng cần được tăng cường, nhất là tại các lễ hội được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể như Lễ hội Làm Chay, Lễ hội Vía Bà Ngũ hành.
Chủ động, đồng lòng từ cơ sở
Còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến Lễ hội Làm Chay. Người dân huyện Châu Thành bắt đầu chuẩn bị cho lễ hội. UBND huyện Châu Thành, UBND thị trấn Tầm Vu và Ban Quản trị đình Tân Xuân cùng các ngành liên quan có nhiều cuộc làm việc thống nhất kế hoạch tổ chức lễ hội.
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Phạm Văn Thật cho biết, Lễ hội Làm Chay được tổ chức nhằm tôn vinh, tưởng nhớ các anh hùng trong sự nghiệp giữ nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc, cụ thể là 2 nhà yêu nước Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự.
Đồng thời, lễ hội cũng giúp duy trì, phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của người dân và du khách. Đây cũng là dịp để tuyên truyền, quảng bá về di tích lịch sử, di sản văn hóa tại địa phương đến người dân và du khách gần xa, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
“Yêu cầu quan trọng của lễ hội là các nghi lễ thực hiện theo nghi thức truyền thống, tổ chức tiết kiệm, trang trọng, an toàn, vui tươi, lành mạnh; bảo đảm an ninh, trật tự, giao thông an toàn và thông suốt, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, phòng cháy, chữa cháy trong khu vực các di tích; đồng thời, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp mê tín dị đoan,...” - ông Phạm Văn Thật khẳng định.
Ngay từ trước và sau Tết Nguyên đán, công tác tuyên truyền được đặc biệt chú trọng. Các nội dung tuyên truyền được tăng thời lượng trên Đài truyền thanh huyện. Hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền đến từng chi, tổ hội thông qua các cuộc họp lệ, sinh hoạt thường kỳ.
“Từ trước tết, trong các cuộc họp tổ phụ nữ, chúng tôi được nghe nhắc nhở về việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, nâng cao cảnh giác, phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội trong đời sống hàng ngày, nhất là dịp tết, Lễ hội Làm Chay sắp tới. Chúng tôi đồng thuận vì ai cũng mong có một mùa lễ hội vui vẻ, an toàn để bắt đầu năm mới thuận lợi” - bà Trần Thị Đẹp (ấp 7, xã Phước Tân Hưng) cho biết.
Trong tâm thức người dân các địa phương, lễ hội truyền thống đầu năm trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Vì vậy, mỗi người đều tự ý thức về việc chung tay tổ chức và giữ gìn những nét đẹp của lễ hội.
Chánh Hội trưởng Ban Hội hương miếu Bà Ngũ hành - Nguyễn Văn Công cho biết, lễ vía Bà hàng năm được tổ chức thành công nhờ sự chung tay của người dân và chính quyền địa phương.
“Người dân ở đây từ sớm đã đến cùng nhau dọn dẹp, chuẩn bị cho lễ hội, ai cũng tự hào về lễ hội của quê nhà nên cả các dịch vụ “ăn theo” lễ hội cũng văn minh, không “chặt chém”. Nhiều năm nay, dù lễ vía Bà có hàng chục ngàn người đến dự nhưng an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm khá tốt. Trong quá trình diễn ra lễ hội, trong phạm vi khoảng 50m xung quanh khu vực miếu Bà là rất ổn định, an ninh” - ông Công cho biết thêm.
Lễ hội không chỉ là dịp để mỗi người dân nhớ về nguồn cội, giữ gìn truyền thống, văn hóa tốt đẹp của địa phương và vui chơi, giải trí. Nếu mỗi người dân địa phương và du khách đều có trách nhiệm trong việc giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường và bảo vệ các di sản văn hóa trong quá trình tham gia lễ hội thì sẽ tạo ra một lễ hội vui tươi, an toàn, lành mạnh.
Với sự chung tay của các cấp chính quyền và người dân hiện nay, hứa hẹn tỉnh sẽ có một mùa lễ hội vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, vừa bảo đảm an toàn, văn minh./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/de-mua-le-hoi-dien-ra-an-toan-van-minh-a189964.html