Để năng lượng tái tạo trở thành nguồn lực chính phát triển Thủ đô
Tại Diễn đàn 'Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững' diễn ra ngày 12/12, TS Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã chia sẻ về nội dung phát triển đô thị Thủ đô dưới góc nhìn kinh tế - xã hội.
Cương lĩnh 2011 và Nghị quyết của các Đại hội Đảng XII, XIII đã xác rõ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó vấn đề cung cấp năng lượng ổn định, bảo vệ môi trường với giá cả hợp lý là một yêu cầu rất cao.
Một trong những định hướng triển khai Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và các chiến lược phát triển phân ngành năng lượng đã chỉ rõ phát triển năng lượng tái tạo để tiến tới có thể đảm bảo được 25 - 28% tổng sản lượng điện quốc gia là một nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực triển khai, phối hợp đồng bộ của cả Trung ương và địa phương.
Phát biểu tại diễn đàn, TS Nguyễn Đức Kiên cho biết, trong khu vực Thủ đô Hà Nội có 3 nguồn năng lượng chính cần được quan tâm và đưa vào quy hoạch phát triển Thủ đô xanh là điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối. Tuy nhiên, việc khai thác 3 nguồn năng lượng này còn khó khăn.
Đối với năng lượng gió, hiện nay, công nghệ sản xuất tuabin đã rất phát triển nhưng Thủ đô thiếu bản đồ gió trong khu vực địa giới hành chính của Thủ đô và vùng phụ cận.
Về năng lượng mặt trời, Hà Nội có tổng số giờ chiếu sáng của mặt trời không tối ưu do bị ảnh hưởng bởi khí hậu nên tiềm năng chỉ phù hợp với các hộ sử dụng điện riêng lẻ có công suất thấp.
Đối với năng lượng sinh khối, ở khu vực Thủ đô chỉ có bao gồm xử lý rác thải đô thị hoặc sử dụng năng lượng sinh học nhưng phụ thuộc vào việc phân loại rác thải tại nguồn.
Mặt khác, theo TS Nguyễn Đức Kiên, đến thời điểm hiện nay, Thủ đô chưa có một khung chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo riêng mà chủ yếu chỉ áp dụng các cơ chế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chưa sử dụng hết tiềm năng của thành phố đã được quy định trong Luật Thủ đô 2024.
Để thực hiện phát triển thành phố xanh, trước hết phải trả lời được 3 câu hỏi: Xanh hóa đô thị cần phải phân chia giữa đô thị mới và đô thị cũ như thế nào? Huy động sự tham gia của người dân quá trình xanh hóa đô thị để có một mức sống với chi phí hợp lý phù hợp với thu nhập? Và kết hợp quá trình đô thị hóa được phân chia thế nào giữa các không gian địa giới hành chính, tỉnh lân cận?
Đối với câu hỏi xanh hóa đô thị cần phải phân chia giữa đô thị mới và đô thị cũ như thế nào, TS Nguyễn Đức Kiên chia sẻ: “Chi phí trong một đô thị là rất đắt đỏ so với khu vực nông thôn. Việc đảm bảo xanh hóa với việc ứng dụng năng lượng tái tạo, hay phân loại rác tại nguồn ở các đô thị mới bao giờ cũng dễ hơn các đô thị cổ được hình thành từ lâu”.
Đối với vấn đề huy động sự tham gia của người dân quá trình xanh hóa đô thị để có một mức sống với chi phí hợp lý, phù hợp với thu nhập, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, tại các khu đô thị mới, khả năng của người dân đóng góp kinh phí vào ứng dụng năng lượng tái tạo, thực hiện môi trường xanh có điều kiện thuận tiện hơn và dễ được người dân chấp nhận trong giá thành của các công trình xây dựng ngay từ đầu khi họ chuyển đến.
Còn ở các khu đô thị cũ, việc sử dụng năng lượng tái tạo (điện áp mái) đối với một biển số nhà có nhiều hộ gia đình độc lập và kết cấu xây dựng của công trình cũ phải cải tạo để tương thích với công nghệ mới đòi hỏi chi phí lớn hơn so với các khu đô thị mới phát triển. Vì vậy, cần phải có chính sách minh bạch ngay từ đầu đối với các dự án phát triển đô thị mới và các khu đô thị cũ với chính sách hỗ trợ phù hợp.
Đối với vấn đề kết hợp quá trình đô thị hóa được phân chia thế nào giữa các không gian địa giới hành chính, tỉnh lân cận, theo TS Nguyễn Đức Kiên, cần phải có một cách nhìn mới về không gian kinh tế và không gian môi trường, xóa bỏ cách nhìn nhận từ không gian quản lý hành chính. Chúng ta có thể sử dụng các trung tâm năng lượng tái tạo phi tập trung để hỗ trợ cho các khu đô thị mới nhưng đứng về góc độ kinh tế thì chi phí xây dựng một trung tâm năng lượng tái tạo ở khu vực không phải đô thị sẽ rẻ hơn khi xây dựng ở trong đô thị do giá đất và các chi phí khác ở trong đô thị đều cao. Như vậy, sẽ có một xu thế mở rộng các khu tái định cư và phát triển ra vùng ven của đô thị lõi. Đây chính là mô hình phát triển đô thị theo kiểu vết dầu loang hoặc là phi tập trung hóa mà nhiều nước ở châu Âu đã áp dụng.
Để năng lượng tái tạo trở thành một trong những nguồn lực chính của Thủ đô, TS Nguyễn Đức Kiên đã đề xuất về cơ chế chính sách dựa trên Luật Thủ đô (sửa đổi) đã trao quyền cho thành phố Hà Nội. Theo đó, HĐND TP Hà Nội cần xây dựng và ban hành các chính sách, thủ tục pháp lý thuận lợi để các nhà đầu tư hay chủ các tòa nhà có thể chủ động thuận tiện trong việc đầu tư điện áp mái hay năng lượng xanh cho từng căn nhà của mình.
TP Hà Nội cần chủ động ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các sản phẩm dân dụng tiêu thụ điện được bán trên thị trường Thủ đô. Các nhà sản xuất phải áp dụng các tiêu chuẩn này khi cung cấp sản phẩm điện tiêu dùng ở khu vực Thủ đô, nếu không sẽ phải chịu một mức phí chuyển đổi năng lượng. Các tiêu chuẩn này phải phù hợp với các tiêu chuẩn mà các quốc gia công nghiệp phát triển đang áp dụng.
Xây dựng giá FIT (cơ chế giá mua bán điện) cho các dự án năng lượng tái tạo khi các nhà đầu tư không sử dụng hết công suất được quyền cấp lên lưới để cung ứng cho xã hội. Quy định giá FIT này được áp dụng cho các hộ đầu tư điện năng lượng tái tạo không sử dụng hết công suất, phần còn lại được đưa lên lưới. Nếu quy định công suất điện áp mái không vượt quá nhu cầu công suất sử dụng cực đại của mỗi nhà đầu tư thì thành phố phải có chính sách hỗ trợ cho các hộ tiêu thụ điện trong quá trình lắp đặt thiết bị năng lượng tái tạo.
Xây dựng cơ chế khuyến khích các hộ gia đình, các hộ tiêu thụ điện riêng lẻ đầu tư công nghệ lưu trữ điện. Có thể áp dụng chính sách thành phố mua các công nghệ và thiết bị này rồi cho các hộ gia đình thuê để lưu trữ điện được sản xuất từ năng lượng tái tạo của mình.
Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, phát triển xanh, phát triển đô thị xanh đã và đang trở thành xu hướng tất yếu. Đô thị xanh không chỉ đảm bảo môi trường sống trong lành, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn thúc đẩy sự cân bằng, hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, nâng cao chất lượng sống.
Đó là nền tảng để xây dựng những cộng đồng thịnh vượng, bền vững, nơi mà tăng trưởng không còn phụ thuộc vào sự khai thác cạn kiệt tài nguyên, thiên nhiên mà dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, quản trị hiệu quả của chính quyền và sự đoàn kết chung tay của cả xã hội, quyết định đến sự thành công. Đây chính là con đường giúp các đô thị hiện thực hóa khát vọng trở thành nơi đáng sống, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa phát triển nhanh và bền vững.