Nghệ An: từ gà đen bản địa nức tiếng thành sản phẩm OCOP

Gà đen bản địa huyện Kỳ Sơn là một trong những giống gà được xem như sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của huyện miền biên giới này. Từ giống gà đen bản địa của người Mông, nay giống gà được nhân rộng, phát triển thành sản phẩm OCOP 3 sao.

Video khởi sắc kinh tế người dân tộc thiểu số tại huyện biên giới Kỳ Sơn nhờ mô hình nuôi gà đen OCOP 3 sao.

Đặc sản gà đen người Mông Kỳ Sơn

Từ bao đời này, người sinh sống rải rác ở huyện biên giới Kỳ Sơn, đặc biệt ở xã Mường Lống luôn chăn nuôi một loại giống gà đen rất đặc trưng. Gà đen người Mông ở huyện Kỳ Sơn được xem là giống gà thịt ngon, ngọt, thơm và rất bổ dưỡng. Cũng bởi thế mà gà đen nơi huyện miền núi này trở thành đặc sản, thương hiệu.

Là giống gà với cân nặng chỉ giao động từ 1,5 đến dưới 2 kg/con khi đã thành gà thương phẩm, gà đen Kỳ Sơn đặc trưng có màu lông đen, da đen, xương đen, thịt trắng. So với các giống gà nuôi truyền thống của người dân bản địa, thì giống gà đen có giá trị kinh tế cao hơn bởi được đánh giá chất lượng thịt, dinh dưỡng cao. Mức giá mỗi 1 kg gà đen người Mông thương phẩm hiện nay giao động từ 150 nghìn đến 200 nghìn/kg khi mua trực tiếp tại hộ chăn nuôi.

Gà đen Kỳ Sơn, sản phẩm OCOP 3 sao góp phần mang lại kinh tế cho người dân tộc thiểu số.

Gà đen Kỳ Sơn, sản phẩm OCOP 3 sao góp phần mang lại kinh tế cho người dân tộc thiểu số.

Do đặc thù thời tiết vùng cao, biên giới khá khắc nghiệt, như lạnh, sương giá...giống gà đen Kỳ Sơn có sức sống mãnh liệt, kháng bệnh khá tốt. Tuy nhiên, thời thời gian nuôi cho tới lúc thành gà thương phẩm sẽ lâu hơn gà giống thường và trọng lượng cũng nhẹ hơn.

Được nuôi thả rông nơi núi rừng, thức ăn của gà cũng khá phong phú do dựa vào cây cỏ tự nhiên là chủ yếu, do vậy thịt giống gà này rất ngọt, dai và thơm. Khi chế biến nhiều người sẽ nấu kèm với nhiều gia vị thuốc bắc để tạo nên một món ăn bổ dưỡng cho sức khỏe.

Dù trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhưng qua hàng trăm năm, giống gà đen đặc biệt này vẫn được người dân bản địa nuôi và trở thành một trong những sinh kế quan trọng đồng hành trong cuộc sống. Nhận thức rõ giá trị kinh tế mà giống gà đen mang lại, người dân tại nhiều địa bàn xã ở huyện Kỳ Sơn đã chú trọng nuôi, phát triển giống gà thuần chủng này.

“Gà đen người Mông ở xã Mường Lống nói riêng, gà đen thương hiệu Kỳ Sơn nói chung là một trong những sản phẩm, thực phẩm đặc sắc, mang lại giá trị kinh tế cho người dân bản địa, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con địa phương. Hiện nay giống gà này tại Mường Lống được người dân chú trọng nuôi, phát triển số lượng đàn ngày càng lớn, mang lại thu nhập khá ổn cho bà con...”, Chủ tịch UBND xã Mường Lống Và Chá Xà chia sẻ.

Thương hiệu OCOP 3 sao huyện miền biên giới

Trước những giá trị kinh tế mà gà đen mang lại cho đời sống người dân bản địa, những năm qua, huyện Kỳ Sơn đã dành nhiều sự quan tâm để xây dựng, nhân rộng, phát triển mô hình nuôi gà đen thương phẩm để tăng sản lượng cũng như gây dựng thêm để tạo động lực, giúp những hộ gia đình khó khăn thoát nghèo.

Từ các hộ nuôi nhỏ lẻ đến những mô hình hàng nghìn con như hợp tác xã, sau nhiều năm nỗ lực, năm 2023, gà đen Kỳ Sơn chính thức được chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kỳ Sơn Nguyễn Xuân Trường cho biết, lâu nay tại huyện Kỳ Sơn vẫn đang triển khai thực hiện đề án mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với mô hình nuôi gà đen thương phẩm, là một trong 14 sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương. Mô hình hiện đã triển khai tại ba xã gồm Mường Lống, Huồi Tụ, Na Ngoi.

Trước hiệu quả kinh tế mang lại, nhiều hộ gia đình tại các xã miền núi Kỳ Sơn mạnh dạn tham gia đề án nuôi gà đen thương phẩm, nhân rộng và phát triển giống gà bản địa đặc sắc.

Trước hiệu quả kinh tế mang lại, nhiều hộ gia đình tại các xã miền núi Kỳ Sơn mạnh dạn tham gia đề án nuôi gà đen thương phẩm, nhân rộng và phát triển giống gà bản địa đặc sắc.

Trước những hiệu quả mô hình nuôi gà đen là sản phẩm OCOP, đặc trưng tiêu biểu của huyện mang lại, đến nay huyện Kỳ Sơn tiếp tục dành nguồn lực để xây dựng đề án tiếp tục nhân rộng, phát triển mô hình này càng phổ biến hơn.

Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, chương trình mô hình nuôi gà đen thương phẩm được triển khai dành tới những hộ gia đình nghèo, yếu thế trong cuộc sống còn vô vàn khó khăn về kinh tế.

Với đề án này, các hộ khó khăn nằm trong diện thuộc chương trình sẽ được cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ chi phí vắc xin phòng bệnh cho gà và thực phẩm cho gà ở giai đoạn đầu con giống. Mỗi mô hình giao động từ 100 đến 150 con giống, các hộ dân sẽ dần tăng đàn sau một quá trình nuôi, triển khai nuôi gà đen theo đề án hỗ trợ của huyện.

Nhờ chính sách này, nhiều gia đình hộ nghèo tại một số xã ở Kỳ Sơn có thêm “cần câu cơm”, thêm một nguồn thu kinh tế đáng kể để vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định lâu dài để bảo đảm đời sống ngày một tốt hơn.

Chia sẻ với phóng viên, anh Lỳ Bá Xanh (SN 1992, bản Huồi Đun, xã Huồi Tụ cho biết, ở địa phương, gia đình anh mạnh dạn tham gia mô hình nuôi gà đen thương phẩm từ 2019. Cũng được xem là một trong những hộ đi đầu thực hiện mô hình kinh tế này.

Mỗi năm gia đình anh nuôi, xuất bán khoảng 6.000 con gà đen giống bản địa, thu nhập mang lại ổn định mức trung bình trên 100 triệu đồng. Nhờ mô hình này, gia đình anh từ khó khăn nay cuộc sống đã khởi sắc, nay đã có của ăn của để.

Hoàng Phạm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nghe-an-tu-ga-den-ban-dia-nuc-tieng-thanh-san-pham-ocop.html