Để ngăn tham nhũng chính sách trong xây dựng pháp luật

Sáng 27.8, hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách lần thứ 6, Quốc hội khóa 15 diễn ra tại Nhà Quốc hội. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đề nghị các đại biểu quán triệt và thực hiện tốt Quy định 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Trong những năm qua, Bộ Tư pháp đã thường xuyên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành. Trong quá trình ấy, Bộ Tư pháp đã nhiều lần công bố các văn bản có dấu hiệu sai, bao gồm: văn bản trái luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; văn bản sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; văn bản không phải là VBQPPL nhưng có chứa quy phạm pháp luật. Đây thật sự là con số không thể không làm xã hội giật mình, bởi những hệ lụy mà các văn bản này gây ra là rất lớn, nhất là đối với các văn bản trái luật.

Gần đây, một cụm từ thường được nhắc đến nhiều, đó là tham nhũng bằng chính sách. Đây là một kiểu tham nhũng tinh vi nhưng lại gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng chống tham nhũng. Vì một lợi ích nào đó của phe nhóm, người ta có thể bẻ cong pháp luật một cách rất “đúng quy trình” và những hệ quả tai hại mà các văn bản này gây ra sẽ là rất lớn. Nhận thức rõ những tác hại của việc này, ngày 7.6.2024, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27.6.2024 về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Hiện nay, việc ban hành VBQPPL được quy định cụ thể trong Luật Ban hành VBQPPL với những quy định rất cụ thể. Quy trình ban hành VBQPPL được thể hiện các khâu, các bước rất cụ thể. Thế nhưng, một câu hỏi đặt ra là vì sao vẫn còn rất nhiều các VBQPPL sai sót, thậm chí có tình trạng lách luật để tham nhũng bằng chính sách. Nguyên nhân có thể nhiều, nhưng có lẽ một trong những nguyên nhân đầu tiên là trình độ, năng lực của các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ xây dựng hoặc tham mưu ban hành VBQPPL. Một nguyên nhân khác có thể kể tới là tình trạng cục bộ trong ban hành VBQPPL. Các địa phương, đơn vị có thẩm quyền ban hành VBQPPL đã lồng vào đó những quy định ưu đãi, dễ dàng cho ngành mình, đơn vị mình mà quên đi lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội.

Hậu quả mà những văn bản QPPL được ban hành sai luật, trái luật gây ra là rất lớn. Tuy nhiên trong thực tế, đa phần vẫn chưa có ai phải chịu trách nhiệm về những sai sót khi tham mưu hay ban hành các văn bản sai trái này.

Đã đến lúc cần phải quy trách nhiệm thật rõ ràng để những ai, những tổ chức nào ban hành văn bản sai và gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác phải chịu trách nhiệm bồi thường. Cùng với việc quy trách nhiệm và bồi thường, việc cần làm ngay là thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ công chức; khắc phục tình trạng phân công, phân nhiệm không rõ ràng, chồng chéo nhiệm vụ hiện nay của các cơ quan, đơn vị… Đối với những văn bản khi ban hành sai trái mà phát hiện có biểu hiện lợi ích nhóm, trục lợi cần nghiêm khắc xử lý, khởi tố vụ án, khởi tố…

Trong bối cảnh hiện nay, khi Đảng đang đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm chống tham nhũng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai thì việc quan tâm xây dựng chính sách, chống tham nhũng trong xây dựng chính sách là việc quan trọng và cần thiết.

Vũ Trung Kiên

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/de-ngan-tham-nhung-chinh-sach-trong-xay-dung-phap-luat-223136.html