Để ngành hàng không thực sự phục hồi: Còn nhiều việc phải làm

Ngành hàng không Việt Nam đã và đang duy trì được sự phục hồi sau đại dịch COVD-19. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, thách thức cần được giải quyết để ngành hàng không thực sự phục hồi hoàn toàn và phát triển.

Cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, thị trường quốc tế phục hồi chậm

Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, dịp cao điểm hè năm 2023 (tính từ ngày 1/6 - 2/9), thị trường hàng không nội địa dự báo tiếp tục tăng trưởng với mức tăng dự kiến từ 7 - 10% so cùng kỳ 2019 (thời điểm chưa bùng phát dịch COVID-19). Sản lượng từ 3,5 - 3,7 triệu khách/tháng vào tháng 6, 8; từ 4,2 - 4,5 triệu khách vào tháng 7.

Các hãng hàng không Việt Nam hiện đang khai thác 66 đường bay kết nối Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với 19 cảng hàng không địa phương khác với trên 650 chuyến bay mỗi ngày. Ngoài việc tăng tần suất khai thác các đường bay hiện hữu, các hãng cũng khai thác một số đường bay mới.

Đánh giá của Cục hàng không, hoạt động vận tải hàng không thời gian qua về cơ bản đáp ứng nhu cầu của hành khách. Thị trường vận chuyển hàng không quốc tế đang phục hồi với sự tham gia khai thác trở lại của nhiều hàng hàng không quốc tế qua 6 tháng đầu năm tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Các tháng 5, 6 đã đạt được gần 80% so cùng kỳ 2019.

 Hạ tầng một số cảng hàng không hiện đã không đáp ứng được yêu cầu, tình trạng ùn tắc, quá tải thường xuyên xảy ra vào mỗi dịp cao điểm. Ảnh: TL.

Hạ tầng một số cảng hàng không hiện đã không đáp ứng được yêu cầu, tình trạng ùn tắc, quá tải thường xuyên xảy ra vào mỗi dịp cao điểm. Ảnh: TL.

Hiện có 52 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác thị trường quốc tế với 143 đường bay kết nối 29 quốc gia vùng lãnh thổ là ở Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Á và châu Phi tới Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt.

Một số thị trường có sự tăng trưởng cao so với trước dịch như Thái Lan, Indonesia, Úc (tăng 10 - 30% so với năm 2019), thị trường Nhật Bản đã đạt xấp xỉ cùng kỳ 2019, một số thị trường khác như Đông Nam Á, Trung Đông, châu Âu đang có sự hồi phục nhanh và đặc biệt là thị trường Ấn Độ (thị trường mới) có sự phát triển rất nhanh.

Mặc dù vậy một số thị trường như Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc có tốc độ hồi phục chậm hơn so với tổng thể.

Theo ông Trịnh Ngọc Thành - Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, hiện đang có sự đánh giá khác nhau về khả năng phục hồi của hàng không. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam đang đánh giá bằng số lượng chuyến bay còn hãng hàng không đánh giá bằng lượng khách.

Nếu tính số chuyến thì có thể nói hàng không cơ bản đã phục hồi, nhất là trên các đường bay đi/đến Nội Bài, Tân Sơn Nhất nhưng về số lượng khách lại khác. Đến tháng 7, tổng lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam mới chỉ đạt 10%, khách Nhật Bản đạt 54%. Riêng khách Hàn Quốc đạt 80% do khách công vụ nhiều nhưng lượng khách du lịch vẫn thấp. Khả quan nhất là khách Ấn Độ.

Tại thị trường nội địa, lượng khách đã vượt so với năm 2019 khoảng 10% nhưng giảm hơn so với năm 2022. Trong cao điểm hè dù lượng khách tăng 14% nhưng giá bình quân lại giảm 14%. Nguyên nhân là do cung vượt cầu khi các hãng hàng không không bay được quốc tế nên dồn tải vào thị trường nội địa.

Thực tế là hàng không đã phục hồi cơ bản cả nội địa và quốc tế. Tuy nhiên hệ số sử dụng ghế bình quân trên các đường bay quốc tế chỉ khoảng 67 - 68%. Con số này thấp hơn khoảng hơn 10% so với năm 2019 trước khi có dịch COVID-19.

Cùng quan điểm, ông Đinh Việt Phương - Tổng giám đốc Vietjet nhấn mạnh, các hãng hàng không đang gặp khó khăn bởi số chuyến bay tăng nhưng khách không tăng, hệ số sử dụng ghế giảm. Nguyên nhân là do thị trường giảm, sức mua giảm. Lượng khách quốc tế so với năm 2022 có tăng nhưng so với 2019 vẫn không đạt như kỳ vọng.

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Dù ngành hàng không Việt Nam tiếp tục ghi nhận những kết quả tăng trưởng tích cực từ đầu năm 2023 đến nay nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức. Tính riêng trong tháng 6, đã có hơn 5.600 chuyến bay của các hãng hàng không trong nước bị chậm chuyến, chiếm trên 18% số chuyến bay thực hiện.

Cùng với đó, khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của hành khách tăng mạnh trong dịp cao điểm hè; tình trạng ùn ứ cục bộ, quá tải ở một số thời điểm tại cảng hàng không vẫn xảy ra. Nhất là tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Hay việc máy bay phải bay chờ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khai thác tại cảng hàng không.

 Thị trường hàng không Việt Nam cơ bản phục hồi, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách. Ảnh: TL.

Thị trường hàng không Việt Nam cơ bản phục hồi, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách. Ảnh: TL.

Chia sẻ với khó khăn của các hãng hàng không khi phải “bay để giữ slot” với thị trường quốc tế, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, đúng là thị trường xuống thấp nhưng nếu năm nay chúng ta không bảo đảm số lượng chuyến thì năm sau họ sẽ cắt Slot. Cục Hàng không Việt Nam đã trao đổi với nhà chức trách hàng không các nước để hỗ trợ theo nguyên tắc “có đi có lại”. Trường hợp ngoài khả năng, Cục sẽ đề nghị đàm phán ở những cấp cao hơn qua đường ngoại giao.

Đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan nâng cao tỷ lệ sử dụng đúng Slot, chất lượng hạ tầng, cải thiện dịch vụ phục vụ mặt đất. Cục Hàng không cũng trao đổi với các nhà chức trách hàng không liên quan đến việc khôi phục các đường bay quốc tế, mở rộng khai thác đến các thị trường quốc tế mới,...

Đáng chú ý vào đầu tháng 7, đường băng sân bay Vinh (Nghệ An) gặp sự cố hư hỏng và buộc phải đóng cửa. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do thời tiết nắng nóng và sau 5 năm đưa vào khai thác, mặt bê tông nhựa của đường băng có dấu hiệu xuống cấp.

Trong báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải về sự cố tại sân bay Vinh, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, qua rà soát hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn tại các cảng hàng không, sân bay (trừ Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Vân Đồn mới đưa vào khai thác hoặc mới được làm lại) đều được xây dựng và đưa vào khai thác từ rất lâu, đã hết tuổi thọ thiết kế và xuất hiện tình trạng hư hỏng.

Để bảo đảm an toàn khai thác tại các cảng hàng không, trước mắt, Cục Hàng không kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm xem xét, phê duyệt các nội dung công việc liên quan đến danh mục bảo trì năm 2023 - 2024 để Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam sớm triển khai.

Về dài hạn, Cục sẽ đánh giá và báo cáo Bộ Giao thông Vận tải tổng thể tình hình hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn tại các sân bay; trong đó có sân bay Vinh. Trên cơ sở đó mới kiến nghị xây dựng phương án cải tạo, sửa chữa lớn hoặc nâng cấp theo quy hoạch.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-nganh-hang-khong-thuc-su-phuc-hoi-con-nhieu-viec-phai-lam-post262545.html