Để nghệ sĩ Việt bước ra thị trường nghệ thuật quốc tế

Đội ngũ những nghệ sĩ trẻ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, tự tin và không thiếu những tài năng sáng tạo. Ở thập niên thứ ba của thế kỷ 21, mỗi nghệ sĩ đều có những cơ hội bình đẳng như nhau bởi internet đã giúp con người rút ngắn khoảng cách, đồng thời mở ra những cơ hội mới - dù người đó đang sinh sống ở bất cứ nơi nào. Thế nhưng, vẫn cần đặt câu hỏi, làm gì để nghệ sĩ Việt tự tin vươn ra thế giới?

Các họa sĩ trẻ ngày càng có nhiều cơ hội để giới thiệu tác phẩm mới tới công chúng, nhà sưu tập trong và ngoài nước. Trong ảnh, buổi biểu diễn hòa nhạc trong triển lãm "Thủy triều cảm xúc" diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom, tháng 1/2024. Ảnh: VCCA.

Các họa sĩ trẻ ngày càng có nhiều cơ hội để giới thiệu tác phẩm mới tới công chúng, nhà sưu tập trong và ngoài nước. Trong ảnh, buổi biểu diễn hòa nhạc trong triển lãm "Thủy triều cảm xúc" diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom, tháng 1/2024. Ảnh: VCCA.

Rộng mở những cơ hội “ra khơi”

Đây cũng là câu chuyện được nêu ra tại buổi tọa đàm "Kỹ năng cho nghệ sĩ khi ra khơi" mới được tổ chức tại Hà Nội, với sự tham gia của các diễn giả: Họa sĩ Đặng Xuân Hòa, họa sĩ Trịnh Tuân, giám tuyển Ace Lê và Giám đốc Hanoi Grapevine Trương Uyên Ly.

Sự kiện được tổ chức nhằm chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng hỗ trợ nghệ sĩ khi tham gia thị trường nghệ thuật khu vực và quốc tế.

Phải khẳng định một điều, chưa khi nào việc giao lưu nghệ thuật lại dễ dàng và thuận tiện như ở thời điểm này. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và có mạng internet, các nghệ sĩ đã có thể giới thiệu tác phẩm của mình cho toàn thế giới. Ở lĩnh vực hội họa, theo giám tuyển Ace Lê, các họa sĩ của Việt Nam hiện nay đang có rất nhiều tiềm năng để bước ra khu vực và thế giới.

Nội dung, đề tài sáng tác có nhiều điểm chung cùng các nghệ sĩ trong khu vực Đông Nam Á. Điều này khiến các nhà sưu tập trong khu vực cảm nhận được các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam. Bên cạnh đó, mỹ cảm và thẩm mĩ của họa sĩ Việt Nam tương đồng với nhóm các nước có ngôn ngữ dựa trên Hán tự như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Vì vậy, số lượng nhà sưu tập các tác phẩm đương đại ở Việt Nam ngày càng tăng.

Ngoài ra, về mặt thị trường, trên các sàn đấu giá, các tác phẩm hội họa đương đại của nghệ sĩ Việt Nam đang có mức giá thấp hơn so với nghệ sĩ trong khu vực. Điều này tạo điều kiện để giới nghệ sĩ Việt Nam nhận được sự ủng hộ từ các nhà sưu tập trong khu vực. Tuy nhiên, khi cơ hội rộng mở, các nghệ sĩ cần phải chú trọng kỹ năng chuyên môn của mình.

Bên cạnh nỗ lực của bản thân nghệ sĩ và khả năng tự định vị bản thân, thì hệ sinh thái nghệ thuật (giám tuyển, phòng tranh, không gian nghệ thuật và truyền thông) đang hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động sáng tác và phát triển sự nghiệp của nghệ sĩ tốt hơn.

Đồng quan điểm, Giám đốc Hanoi Grapevine Trương Uyên Ly cũng cho rằng, cộng đồng nghệ thuật hiện nay có rất nhiều cơ hội giao lưu với quốc tế. Nhiều năm trước, khán giả truy cập nền tảng trực tuyến Hanoi Grapevine chủ yếu là người nước ngoài, nhưng hiện nay, cộng đồng khán giả đa số là người Việt Nam, trong lứa tuổi từ 18 đến 50. Số lượng truy cập tăng dần cho thấy sự quan tâm nhất định của khán giả đối với các hoạt động nghệ thuật, văn hóa của Việt Nam. Hanoi Grapevine đang hỗ trợ nghệ sĩ truyền thông theo cách chuyên nghiệp và bài bản hơn. Khi thể hiện tốt hơn tác phẩm và quá trình sáng tạo của mình, nghệ sĩ có nhiều cơ hội bước ra thị trường thế giới thông qua nền tảng trực tuyến này.

Hiện nay, Hanoi Grapevine còn tập trung quản lý, nghiên cứu về thị trường và lịch sử nghệ thuật, giúp định hướng cho nền nghệ thuật Việt Nam, trong đó có cộng đồng nghệ sĩ sáng tạo kể được câu chuyện của mình với thế giới một cách bài bản, rõ ràng và minh bạch hơn.

Ngoài ra, Hanoi Grapevine thường xuyên xây dựng các workshop, khóa học ngắn, các buổi trao đổi nhằm cung cấp, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ và bản quyền, nghệ sĩ lưu trú sáng tác… để nghệ sĩ cập nhật, nắm bắt được bối cảnh nghệ thuật thế giới hiện nay.

Trong khi đó, họa sĩ Trịnh Tuân - người có kinh nghiệm kết nối nghệ thuật Việt Nam với thế giới, thành lập nhóm nghệ sĩ mỹ thuật Đông Nam Á (Asia Art Link) nhấn mạnh, bên cạnh kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ là yếu tố quan trọng để nghệ sĩ Việt tự tin bước ra thị trường quốc tế. Khi được trao cơ hội và biết nắm bắt cơ hội, ngoại ngữ sẽ là chìa khóa để nghệ sĩ bước ra khỏi vùng an toàn, tiếp cận và hội nhập.

“Để có thể bước ra được nơi mà ta đã quá quen thuộc và an toàn, cần phải có kiến thức về nơi định đến, định đi và phải biết những nơi đó có những yêu cầu gì cho chúng ta. Theo tôi, để bước ra khu vực, họa sĩ cần phải có kiến thức về ngôn ngữ khác với ngôn ngữ mình đang dùng. Và ngoại ngữ là vũ khí cần thiết để ra khơi”, họa sĩ Trịnh Tuân nhấn mạnh.

Cần một tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa - một họa sĩ đương đại thành danh, có tác phẩm được nhiều nhà sưu tập trong nước và quốc tế “săn lùng”, thì cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của các nền tảng mạng xã hội, tình yêu với nghệ thuật, trải nghiệm cuộc sống, quan sát xã hội, cảm nhận thiên nhiên... nghệ sĩ trẻ cần trang bị nền tảng kiến thức về mỹ thuật nói riêng và nghệ thuật nói chung, quan niệm về đời sống xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa. Họa sĩ này cũng nhấn mạnh đến việc thực hành nghệ thuật, “trước hết phải bằng một trái tim và tâm hồn mang tinh thần dấn thân”.

Theo ông Hòa, đối với nghệ thuật chúng ta luôn là những đứa trẻ. Và, những trải nghiệm cuộc sống, quan sát xã hội, cảm nhận thiên nhiên luôn là những người thầy vĩ đại nhất cho những người làm nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng.

Chia sẻ về hành trình khẳng định được cá tính sáng tạo trong nghệ thuật nói chung, hội họa nói riêng, họa sĩ Đặng Xuân Hòa cho rằng, thế hệ họa sĩ thời kỳ trước như ông đã làm nghệ thuật với đủ biết bao những khó khăn, thiếu thốn. Việc vẽ chỉ bắt đầu từ những cây bút chì, mẩu than trong điều kiện sáng tác bó hẹp của thời đại. Nhưng, trên hết những người họa sĩ lớp trước làm nghệ thuật bằng tất cả sự nhiệt huyết của trái tim và tâm hồn người nghệ sĩ thuần khiết và trong sáng.

"Trong khi đó, các họa sĩ hiện nay có điều kiện sáng tác tốt hơn và lan tỏa tác phẩm dễ dàng hơn khi họ được sống trong bối cảnh xã hội ổn định, nền kinh tế có nhiều thành tựu, quan điểm nghệ thuật cởi mở, cộng với sự hỗ trợ từ nhiều bên" - ông Hòa cho hay - "Từ những thuận lợi đó, để có thể làm công việc này đến nơi đến chốn còn đòi hỏi người nghệ sĩ phải có một tâm hồn, một trái tim, một tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật, đôi khi phải bất chấp cả tuổi tác, xuất phát điểm và thời gian".

Song, để những nghệ sĩ trẻ bước ra khu vực và thế giới thì theo ông Hòa, tình yêu thôi chưa đủ, quan trọng hơn, họ cần chuẩn bị cho mình một hành trang vững chắc.

Cụ thể, các họa sĩ trẻ nên quan sát và tự trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu. Đó là những kiến thức đại cương, căn bản về mỹ thuật, cũng như tiếp cận những quan điểm về đời sống xã hội, về toàn cầu hóa trong cái nhìn hiện đại. Những kiến thức này có thể học ở nhà trường, bạn bè và xã hội.

“Phải có kiến thức để không chơi vơi khi "bơi ra" quốc tế” - ông Hòa bày tỏ - "Còn đi đến đâu và làm được gì trong nghệ thuật thực tế rất khó xác định, và thực sự là thách thức lớn đối với nghệ sĩ. Thực tế này, họ phải chấp nhận, thậm chí phải trả giá. Nghệ thuật là thế, xa vời nhưng cũng rất thực tế".

Từ đây, họa sĩ Đặng Xuân Hòa còn nhấn mạnh đến việc nghệ sĩ phải biết tự nhận biết bản thân mình như là một "thao tác" trước tiên và đặc biệt quan trọng khi làm nghệ thuật.

"Đã chấp nhận là một nghệ sĩ, là người theo đuổi nghệ thuật ở thời buổi nào cũng thế, từ cổ chí kim, trước tiên đều phải tự nhận biết ra bản thân mình. Đó là hành trình nhìn vào đời sống xung quanh, nhìn từ cái cũ tới cái mới, để định hình ta là ai, ta sẽ làm gì, để lựa chọn loại hình nghệ thuật phù hợp với khả năng" - ông Hòa khẳng định, đồng thời nhấn mạnh, phải tự đốt đuốc đi tìm chính mình bằng tình yêu với nghệ thuật.

Theo họa sĩ sinh năm 1959 này, nghệ sĩ trẻ đừng vội nghĩ đến sự nổi tiếng hay thị trường, bởi đó là những điều ở phía sau. “Trước tiên, nghệ sĩ phải sáng tạo để thỏa mãn chính mình, rồi làm thỏa mãn được những người yêu nghệ thuật và sau cùng là thỏa mãn được những người sưu tập nghệ thuật”, ông Hòa nêu quan điểm.

Thay đổi tư duy để tạo ra được những tác phẩm tốt
Họa sĩ Trịnh Minh Tiến là người tham gia nhiều sự kiện mỹ thuật ở khu vực và thế giới, anh cũng là người có tác phẩm được trao giải thưởng ở nước ngoài.

Trong suốt hành trình theo đuổi đam mê mỹ thuật, họa sĩ Trịnh Minh Tiến luôn tâm đắc với mọi cơ hội học hỏi và trau dồi để không chỉ tạo dấu ấn riêng mà còn bắt kịp xu hướng của cộng đồng nghệ thuật thế giới.

Theo anh, nghệ thuật là con đường của người tiên phong. Muốn phát triển, người nghệ sĩ cần nỗ lực và không ngại thử thách hay thay đổi. Trong đó, tư duy mở rộng góc nhìn là yếu tố rất quan trọng để người nghệ sĩ mạnh dạn khám phá những chiều kích trạng thái, hoặc thử sức với chất liệu sáng tác mới.

Để đưa nghệ thuật Việt vươn xa, họa sĩ Trịnh Minh Tiến cho rằng, thế hệ họa sĩ trẻ Việt Nam cần nhận thức sâu sắc về việc xây dựng lại nền móng cốt lõi và thay đổi tư duy để tạo ra được những tác phẩm tốt, có chiều sâu và mang đậm dấu ấn cá nhân. Đó là một hành trình không dễ dàng, đòi hỏi người nghệ sĩ phải trải nghiệm nhiều, bồi đắp liên tục trước khi tìm ra con đường của riêng mình.

Đặc biệt, bên cạnh nền móng là sự nghiêm túc trong rèn luyện và sáng tạo, người nghệ sĩ cũng cần những “cánh cửa” kết nối giữa cộng đồng họa sĩ trong nước và thế giới.
T.H

TRANG ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-nghe-si-viet-buoc-ra-thi-truong-nghe-thuat-quoc-te-10283437.html