Đề nghị bác kháng cáo của cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế
Đại diện Viện Kiểm sát đánh giá, hành vi của Phạm Trung Kiên là đặc biệt nguy hiểm, có tính chất ép buộc doanh nghiệp cao, số tiền nhận hối lộ đặc biệt lớn.
Sáng ngày 26/12, phiên xét xử phúc thẩm vụ án "chuyến bay giải cứu" kết thúc phần xét hỏi. Sau khi làm rõ thêm một số tài liệu, hồ sơ được gia đình và luật sư của các bị cáo nộp bổ sung, HĐXX chuyển sang phần tranh luận.
Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội trình bày cáo trạng và quan điểm đối với đơn kháng cáo của 21 bị cáo và 2 người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Liên quan đến đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phạm Trung Kiên – nguyên Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, Viện Kiểm sát nhận định, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao trong quy trình xét duyệt, cấp phép các chuyến bay combo, bị cáo Phạm Trung Kiên đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp phải chi tiền theo mức yêu cầu để xét duyệt chuyến bay.
Bị cáo này đã nhận hối lộ của 18 cá nhân đại diện doanh nghiệp và 62 đoàn khách lẻ, với tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng.
Căn cứ vào hành vi, tính chất phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt, việc Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Phạm Trung Kiên mức án tù chung thân là phù hơp.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phạm Trung Kiên và gia đình đã khắc phục xong toàn bộ số tiền nhận hối lộ, số tiền phạt bổ sung và án phí hình sự sơ thẩm. Bên cạnh đó, bị cáo có nộp thêm một số hồ sơ để làm căn cứ để xem xét giảm nhẹ hình phạt như bố vợ bị cáo là thương binh, bố mẹ hai bên của bị cáo đều tuổi cao, sức khỏe yếu, cần người chăm sóc, bị cáo có nhiều thành tích trong công tác, tích cực tham gia các công việc thiện nguyện.
Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát đánh giá hành vi phạm tội của Phạm Trung Kiên là đặc biệt nguy hiểm, có tính chất ép buộc cao đối với doanh nghiệp, số tiền bị cáo nhận hối lộ đặc biệt lớn, phạm tội nhiều lần. Do đó không có căn cứ để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, đề nghị HĐXX bác kháng cáo, tuyên y án chung thân đối với Phạm Trung Kiên.
Theo hồ sơ vụ án, với vai trò là Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, Phạm Trung Kiên có nhiệm vụ tiếp nhận, trình văn bản để Thứ trưởng duyệt, ký văn bản trả lời liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Ở thời điểm bấy giờ, Bộ Y tế cùng với Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ về công tác phòng, chống dịch được Chính phủ giao nhiệm vụ cho ý kiến việc phê duyệt gửi Bộ Ngoại giao để tổ chức các chuyến bay giải cứu.
Thực hiện nhiệm vụ, Bộ Y tế giao Cục Y tế dự phòng tiếp nhận, đề xuất, xem xét, cho ý kiến việc phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao; chấp thuận cho các đoàn khách lẻ được về nước theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Khi nhận được văn bản của cơ quan chức năng xin ý kiến về chuyến bay, Thứ trưởng Bộ Y tế, phân công Cục Y tế dự phòng, trong đó Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm là đơn vị nghiên cứu, đề xuất.
Tiếp đó, Cục Y tế dự phòng duyệt dự thảo văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị chức năng thông qua Phạm Trung Kiên, để bị can Kiên trình Thứ trưởng Bộ Y tế duyệt, ký văn bản trả lời.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, với vai trò là Thư ký Thứ trưởng, Phạm Trung Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50 - 200 triệu đồng/chuyến bay hoặc từ 500.000 - 2 triệu đồng/khách đối với chuyến bay combo và từ 7 - 15 triệu đồng/khách lẻ.
Từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2021, bị cáo này đã nhận hối lộ của 18 cá nhân đại diện doanh nghiệp và 62 đoàn khách lẻ, với tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng.