Đề nghị bổ sung các giải pháp khắc phục tình trạng thanh tra chồng chéo, trùng lặp, không cần thiết

Các đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Dương đã đề nghị bổ sung nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thanh tra và khắc phục tình trạng thanh tra chồng chéo, trùng lặp, không cần thiết.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về thời hạn bàn giao hồ sơ thanh tra. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về thời hạn bàn giao hồ sơ thanh tra. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Bổ sung quy định thời hạn bàn giao hồ sơ thanh tra

Chiều 8/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, thảo luận tại tổ, các đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã có nhiều ý kiến về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho biết Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ không có thanh tra bộ. Thanh tra tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các sở.

Đại biểu cho rằng có thể có sự chồng chéo khi thực hiện các quy định trên nhưng luật chưa có quy định xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra và đề nghị cần bổ sung để tránh chồng chéo.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, dự thảo luật cũng chưa quy định về thời hạn bàn giao hồ sơ thanh tra dẫn đến việc bàn giao hồ sơ có thể kéo dài sau khi kết thúc thanh tra và đoàn thanh tra vẫn tồn tại, không tự giải thể. “Có thể quy định ngay trong luật về thời hạn bàn giao hồ sơ thanh tra hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này”, đại biểu Thoa đề nghị.

Đối với nội dung Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản tổ chức thực hiện trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa phân tích khi Luật Thanh tra (sửa đổi) được thực hiện, thanh tra của 12 bộ, ngành sẽ kết thúc hoạt động, chuyển về Thanh tra Chính phủ, Các cuộc thanh tra chuyên ngành cũng sẽ do Thanh tra Chính phủ thực hiện. Như vậy hàng năm sẽ có rất nhiều kết luận của Thanh tra Chính phủ.

"Tất các các kết luận này đều phải trình lên Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định triển khai thực hiện thì số lượng rất nhiều và việc này cũng không phù hợp với xu hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hiện nay. Đề nghị cần xem xét, phân loại văn bản nào thì trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định triển khai thực hiện, văn bản nào thì giao Tổng Thanh tra Chính phủ trực tiếp ban hành văn bản triển khai thực hiện sau khi có kết luận thanh tra”, đại biểu Thoa nêu ý kiến.

Cần có các giải pháp cưỡng chế thực hiện kết luận thanh tra

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng thực hiện kết luận thanh tra là trách nhiệm, nghĩa vụ cơ bản của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng thực hiện kết luận thanh tra là trách nhiệm, nghĩa vụ cơ bản của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng thực hiện kết luận thanh tra là yêu cầu pháp lý bắt buộc, bước quyết định để bảo đảm mục tiêu và hiệu lực thực tế của công tác thanh tra, đặc biệt là trong các trường hợp thực hiện khắc phục hậu quả, xử lý kỷ luật và hoàn trả ngân sách. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ cơ bản của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan.

Để bảo đảm vai trò, tầm quan trọng của nội dung này, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cho rằng cùng với đề cập đến trách nhiệm thực hiện kết luận thanh tra như trong dự thảo, cần bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ yêu cầu của kiến nghị, kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra; đồng thời có chế tài xử lý để bảo đảm sự răn đe, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật về thanh tra.

“Hiện nay pháp luật về thanh tra còn thiếu các quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thanh tra, quy định về cưỡng chế thi hành các kết luận thanh tra dẫn đến việc chấp hành pháp luật thanh tra, kết luận thanh tra trong thực tiễn chưa bảo đảm đầy đủ, kịp thời, hiệu quả. Thậm chí còn phổ biến tình trạng chống đối, chây ì thực hiện kết luận thanh tra. Vì vậy, Luật Thanh tra (sửa đổi) cần giao Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra và các biện pháp cưỡng chế thực hiện kết luận thanh tra bảo đảm đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả”

Để phòng ngừa phát sinh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, cùng với quy định về trách nhiệm, quyền hạn, đại biểu Hoàn đề nghị cần bổ sung quy định về nguyên tắc cơ bản trong xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước, giữa hoạt động của các cơ quan thanh tra. “Ví dụ trong một đối tượng cùng có quyết định thanh tra của các cơ quan thanh tra, kiểm toán thì sẽ ưu tiên cơ quan nào, cơ quan nào làm, cơ quan nào không làm? Như vậy sẽ có nguyên tắc, tránh sự tùy nghi trong các tình huống khác nhau”, đại biểu nêu ý kiến.

Thể chế các nội dung trong Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cần bổ sung, thể chế các nội dung liên quan đến lĩnh vực thanh tra trong Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cần bổ sung, thể chế các nội dung liên quan đến lĩnh vực thanh tra trong Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Góp ý vào Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cần bổ sung, thể chế các nội dung liên quan đến lĩnh vực thanh tra trong Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị. Trong đó chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp, kéo dài, không cần thiết; chỉ thực hiện thanh tra mỗi năm một lần đối với doanh nghiệp và xử lý nghiêm hành vi lạm dụng thanh tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ trong hoạt động thanh tra, kiểm tra…

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng khi Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Quốc hội chưa có Nghị quyết số 68-NQ/TW nên cần rà soát kỹ lưỡng các điều khoản trong dự án luật, thể chế hóa đầy đủ nghị quyết… Đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tiếp tục rà soát kỹ quy định của dự thảo luật với các luật chuyên ngành, đặc biệt là cơ chế phối hợp của Thanh tra Chính phủ với các bộ không tổ chức thanh tra bộ.

“Nếu không làm kỹ, không có văn bản, quy định hướng dẫn chi tiết có thể dẫn đến khoảng trống pháp lý khi thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành. Đặc biệt là có thể dẫn đến sự chồng chéo giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành và hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử. Vì vậy cần có giải pháp, quy định cụ thể trong Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết trên cơ sở nguyên tắc được xác lập trong Luật”, đại biểu Sơn đề nghị.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đã phân tích, đề xuất một số nội dung liên quan đến, trách nhiệm của các thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc cử công chức có năng lực, chuyên môn phù hợp tham gia đoàn thanh tra; rà soát, bảo đảm tính thống nhất về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Tổng Thanh tra Chính phủ và Chánh Thanh tra cấp tỉnh...

HOÀNG BIÊN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/de-nghi-bo-sung-cac-giai-phap-khac-phuc-tinh-trang-thanh-tra-chong-cheo-trung-lap-khong-can-thiet-411128.html