Sửa Luật Thanh tra: Chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp

Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi cho rằng dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) phải chấm dứt tình trạng lợi dụng thanh tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, theo đúng tinh thần Nghị quyết 68 đã đề ra.

Chiều 8-5, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Chấm dứt lợi dụng thanh tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp

Góp ý cho dự luật, ĐBQH Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cho rằng dự luật cần thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, nhất là các nghị quyết quan trọng trong thời gian gần đây như: Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - ông Tạ Đình Thi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - ông Tạ Đình Thi.

Ông Thi dẫn chứng Nghị quyết 68 đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân.

“Trong đó nhấn mạnh phải chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết. Đồng thời bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm 1 lần đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc doanh nghiệp vi phạm. Đặc biệt là xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ĐB Thi nhấn mạnh.

Cũng theo ĐB Thi, các Nghị quyết cũng yêu cầu xây dựng hệ thống dữ liệu và công cụ trí tuệ nhân tạo cảnh báo sớm về các nguy cơ vi phạm pháp luật. Ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Triển khai thanh tra, kiểm tra trực tuyến, ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp. Miễn kiểm tra thực tế đối với các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật.

Theo đó, ĐB Thi đề nghị cơ quan soạn thảo phải rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện các quy định liên quan trong toàn bộ dự thảo Luật để thể chế hóa các nội dung nêu trên.

Băn khoăn về việc không còn 2 loại hình thanh tra

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, cho biết theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật quy định thống nhất một hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như trong Luật hiện hành.

Cơ bản tán thành với quy định trên, tuy nhiên ĐB Hà băn khoăn về sự phù hợp và tính khả thi của việc áp dụng chung một trình tự, thủ tục đối với hoạt động thanh tra mà về bản chất bao gồm 2 loại thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Cả 2 loại hình thanh tra này đang được Luật hiện hành quy định thực hiện theo trình tự, thủ tục khác nhau.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp - ông Đỗ Đức Hồng Hà.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp - ông Đỗ Đức Hồng Hà.

Mặt khác, báo cáo của Chính phủ năm 2024 về công tác phòng chống tham nhũng thì bên cạnh kết quả đạt được, công tác thanh tra còn có hạn chế, tồn tại.

Trong đó có một số trường hợp cán bộ thanh tra lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái công vụ, không thực hiện đúng trình tự, thủ tục thanh tra, kết luận thanh tra..., gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý hình sự. Rồi việc chậm ban hành kết luận thanh tra vẫn còn diễn ra. Vẫn còn nhiều đơn vị, địa phương chậm thực hiện kết luận thanh tra nhưng chưa có biện pháp để xử lý triệt để.

“Bây giờ dự luật không chia thành 2 loại hình thanh tra như tôi nêu trên thì liệu có khắc phục được hạn chế yếu kém mà báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra hay không, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để chúng ta khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém này”, ĐB Hà nhấn mạnh.

Cùng nội dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Ngô Trung Thành, cho biết hiện trong hoạt động thanh tra, có: Thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Dự thảo luật quy định thống nhất một hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

“Tôi hiểu rằng, hoạt động thanh tra sẽ bao gồm cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành”, ông Thành nói.

Theo ĐB Thành, khi kết thúc thanh tra chuyên ngành thì một phần chuyển sang cơ quan thanh tra, phần cơ bản còn lại chuyển thành kiểm tra chuyên ngành.

“Cho nên, điều quan trọng nhất là phân định trách nhiệm, phạm vi thanh tra với kiểm tra chuyên ngành thế nào? Bởi nếu không phân định được thì không rõ trách nhiệm, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước”, ông Thành nhấn mạnh.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/sua-luat-thanh-tra-cham-dut-tinh-trang-nhung-nhieu-gay-kho-khan-cho-doanh-nghiep-post848690.html