ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG ĐỐI TƯỢNG NGƯỜI NGHÈO VÀO NHÓM NGƯỜI TIÊU DÙNG DỄ BỊ TỔN THƯƠNG

Sáng 02/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Thảo luận tại Tổ 7, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung đối tượng người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 7: KẾT QUẢ TÍCH CỰC TRONG PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2022 LÀ NỖ LỰC CỦA CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

Toàn cảnh Phiên thảo luận Tổ 7

Toàn cảnh Phiên thảo luận Tổ 7

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Đây là đạo luật hướng tới bảo vệ quyền con người, quyền của người tiêu dùng trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta.

Trong gần 12 năm thực thi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục thúc đẩy công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế, xã hội trong nước và tác động của hội nhập quốc tế, nhiều nội dung của Luật đã bộc lộ không ít bất cập. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện Luật còn có những hạn chế.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) Chính phủ trình gồm 07 Chương, 80 Điều. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2021.

Đại biểu Triệu Thị Huyền, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

Đại biểu Triệu Thị Huyền, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Triệu Thị Huyền, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng, việc xây dựng luật sửa đổi là cần thiết và kịp thời nhằm khắc phục những hạn chế, mâu thuẫn và chồng chéo phát sinh sau 12 năm triển khai thực hiện Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Đồng thời, việc sửa đổi dự án luật cũng nhằm tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng trong việc haofn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thống nhất với kết cấu, bố cục của dự thảo luật, đại biểu nhấn mạnh việc sửa đổi đã cơ bản đảm bảo được tính bao quát, tính bao trùm. Đại biểu tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị, tại Điều 7 quy định về bỏ vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, cần nghiên cứu và bổ sung thêm đối tượng là những người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo. Theo đại biểu, đây là những đối tượng rất dễ bị tổn thương trong quá trình tham gia vào các giao dịch và thương mại mua bán.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung đối tượng được ưu tiên bao gồm: người cao tuổi, người tiêu dùng là người khuyết tật, trẻ em, dân tộc thiểu số, phụ nữ mang thai,…

Cùng quan điểm, đại biểu Khang Thị Mào, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung đối tượng người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương tương tự Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai. Mặt khác, cần xem xét lại đối tượng “người cao tuổi” cho phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời nghiên cứu quy định cụ thể hơn chính sách bảo vệ phù hợp với từng nhóm đối tượng và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh có liên quan.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về sản xuất và tiêu dùng bền vững, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho biết, dự thảo Luật quy định chính sách của Nhà nước còn rất chung chung, chưa rõ, chưa cụ thể. Như vậy, rất khó trong quá trình áp dụng Luật cũng như khuyến khích đối với sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng đến tăng trưởng xanh.

Đại biểu đề nghị cần có những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ tiên tiến, mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc để sản xuất sản phẩm, hàng hóa, cung ứng dịch vụ an toàn, bảo đảm chất lượng,

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể các chính sách về vốn, đất đai, tín dụng... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhà sản xuất ứng dụng phát triển khoa học công nghệ tiên tiến để có những sản phẩm sạch, chất lượng hướng tới sản xuất và tiêu dùng xanh, bền vững, nâng cao chất lượng hàng hóa cho tổ chức, cá nhân người tiêu dùng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần làm rõ việc cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về sản xuất và tiêu dùng bền vững tại các điều, khoản trong dự thảo Luật hoặc dẫn chiếu pháp luật khác liên quan để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, gộp 2 điều (Điều 5 và Điều 6) về chính sách của Nhà nước thành một điều chung, cân nhắc việc luật hóa nội dung “góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ” tại khoản 6 Điều 5 của dự thảo Luật.

Cũng theo đại biểu tỉnh Đồng Tháp, trong 04 phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và cá nhân, tổ chức kinh doanh được quy định tại Luật BVQLNTD thì thương lượng, hòa giải là phương thức được sử dụng phổ biến nhất. Tuy nhiên, kết quả thương lượng, hòa giải nhiều khi không được các bên nghiêm túc thực thi do giá trị pháp lý của biên bản thương lượng, hòa giải thành là không cao.

Đánh giá dự thảo Luật đã khắc phục được một số khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và cá nhân, tổ chức kinh doanh;... đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để tăng tính khả thi của các phương thức giải quyết tranh chấp, đặc biệt là phương thức Tòa án (thủ tục rút gọn) và Trọng tài./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=70139